| Hotline: 0983.970.780

Những đứa con cưng đầy tai tiếng của thủy điện Lào Cai

Thứ Tư 08/08/2018 , 15:20 (GMT+7)

Không thể phủ nhận, thủy điện có đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai, được tỉnh nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, gần như đi tới đâu, thủy điện đều bị cả người dân và chính quyền địa phương phản đối gay gắt. Trong khi, phía các chủ đầu tư thì coi như không biết gì, giả mù giả điếc!
 

Dấu ấn tai tiếng

Trở lại năm 2012, cả tỉnh Lào Cai rùm beng chuyện cấp phép và thi công dự án thủy điện Sử Pán 1. Công trình nằm vắt qua tới ba xã là Hầu Thào, Tả Van và Bản Hồ của huyện Sa Pa. Đơn vị đầu tư là Cty CP công nghiệp Việt Long, trụ sở tại tại tầng 2, Tòa nhà Hội trường, số 12 Đào Tấn, thành phố Hà Nội.

04-04-04_1
Đại công trường dự án thủy điện Bản Hồ không phép

Khi đi vào xây dựng, Cty này tự ý điều chỉnh quy hoạch, di chuyển lòng hồ đến sát bãi đá cổ Sa Pa và nâng độ cao lên thành 953 mét. Và tất nhiên, dự án này vấp phải phản đối của huyện Sa Pa, Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai. Sau điều chỉnh, thủy điện này gần như phá hủy bãi đá cổ - Di tích cấp Quốc gia. Sau đó, Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc. Sau lùm xùm, dự án nằm bất động, tới tháng 12/2017 mới tái thi công, dự kiến phát điện tháng 8 năm nay.

Cùng trong năm 2012, Sở VH-TT&DL Lào Cai đã phải có công văn gửi Sở Công thương về việc Cty TNHH đầu tư điện lực Việt – Trung vì thực hiện không đúng quy trình xin ý kiến của các sở, ban, ngành trong việc xác định ảnh hưởng của tuyến đường dây 110KV trong dự án thủy điện Séo Chung Hô vào đường dây 110KV Lào Cai – Phong Thổ. Khi kiểm tra, đơn vị này mới phát hiện Cty Việt – Trung đã đặt một cột điện nằm trong địa điểm khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia bãi đá cổ khi chưa có ý kiến thẩm định.

Tháng 6/2017, sau khi Báo NNVN đăng tải bài viết "Chuyện lạ ở Lào Cai: Sống trong 'bóng tối' ngay chân đập thủy điện" thì lại thêm một bộ mặt xấu xí của thủy điện bị lột trần. Năm 2011, 40 hộ dân thôn Giàng Trù, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà đã tự nguyện nhường đất kèm với lời hứa của thủy điện Nậm Phàng (Cty CP Năng lượng Bắc Hà) sẽ kéo điện cho từng nhà. Tuy nhiên, sau 6 năm nhà máy hoạt động, thu về nhiều tỷ đồng, người dân vẫn bị nuốt lời.

Từ thông tin trên Báo NNVN, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Công thương, Cty Điện lực Lào Cai, lãnh đạo huyện Bắc Hà đã có buổi làm việc với Cty CP Năng lượng Bắc Hà và có biên bản thống nhất sẽ đầu tư công trình cấp điện cho nhân dân thôn Giàng Trù trước ngày 31/8/2017. Hình như, những chủ đầu tư thủy điện ở Lào Cai rất có sở thích “giả mù, giả điếc” trước sự khốn khó của người dân.

Bức xúc nhất với người dân Lào Cai, có lẽ là câu chuyện xảy ra tại nhà máy thủy điện Tả Thàng của Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Dự án nằm trên địa phận 3 xã là Gia Phú (Bảo Thắng) và Suối Thầu, Bản Phùng (Sa Pa). Công trình chính thức khởi công tháng 5/2009 và hoàn thành năm 2013 với công suất 60 MW/2 tổ máy vận hành.

04-04-04_2
Đập thủy điện Tả Thàng – nơi cấm người dân đi qua gây bức xúc kéo dài nhiều năm
Như Báo NNVN phán ánh, tại dự án thủy điện Bản Hồ của Cty CP công nghiệp Việt Long đã và đang tồn tại nhiều sai phạm. Tới mức, huyện Sa Pa phải có văn bản đề nghị tỉnh xử phạt vì vượt quá thẩm quyền, mức phạt khoảng 400 – 500 triệu đồng. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, sau đó doanh nghiệp này chỉ phải chịu mức phạt... 8 triệu đồng!?

Thân đập thủy điện Tả Thàng nằm chặn ngang suối Ngòi Bo, cao sừng sững. Oái oăm thay, khi người dân đi nhờ qua vai đập, nhà máy đã ngăn cản, thậm chí treo biển cấm. Lý do đưa ra là ảnh hưởng an toàn hồ đập. Người dân kêu trời, xã, huyện kiến nghị lên tỉnh. Ngành Xây dựng, TN-MT tỉnh Lào Cai từng kiểm tra và kết luận, việc đi lại của người dân qua lại hoàn toàn không ảnh hưởng tới vai đập. Tuy nhiên, chủ đầu tư kiên quyết phản đối. Sự việc nhùng nhằng nhiều năm, cho tới hiện tại vẫn chưa được giải quyết.

Vào ngày 13/4/2018, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã quyết định thanh tra nhà máy thủy điện Tả Thàng trong vòng 45 ngày làm việc. Theo nguồn tin tin cậy của Báo NNVN, nhà máy này mắc rất nhiều sai phạm, điển hình như chưa có Hợp đồng thuê đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… trong khi đã đi vào hoạt động nhiều năm. Rất có thể tới đây, Vietracimex sẽ bị truy thu thuế khoảng 4 – 5 tỷ đồng cho những sai phạm trên.
 

Có sự ưu ái đặc biệt!?

Bất chấp những tai tiếng và tác động xấu tới môi trường, sinh thái, đời sống nhân dân, thủy điện ở Lào Cai vẫn mọc lên như nấm.

Theo ngành Công thương Lào Cai, hiện có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.200MW. UBND tỉnh Lào Cai đã chấp thuận chủ trương cho 46 nhà đầu tư khảo sát, lập dự án đầu tư. Trong đó, có 44 dự án đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy 765,6MW, 18 dự án đã khởi công thi công với tổng công suất lắp máy 246,35MW, 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất lắp máy 110,3MW, 8 dự án đang khảo sát lập dự án với tổng công suất lắp máy 69,7MW. Mỗi năm, 44 nhà máy thủy điện nộp ngân sách trên 700 tỷ đồng.

04-04-04_3
Dự án đầy tai tiếng Sử Pán 1 của Cty CP công nghiệp Việt Long

Trong khi tỉnh này liên tục tổ chức các hội nghị gỡ khó cho các doanh nghiệp làm thủy điện. Điển hình như ngày 20/4/2018, ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, đầu tư các công trình thủy điện.

Không chỉ ưu ái về chính sách, Cty CP Đầu tư xây dựng & Phát triển năng lượng Phúc Khánh còn được tỉnh Lào Cai giao khoán, bảo vệ hơn 3.700ha rừng. Năm 2017, đơn vị này “xin” thêm hơn 1.000ha rừng nhưng không được phê duyệt vì người dân phản đối.

Tại buổi làm việc, đại diện các nhà máy thủy điện đều kiến nghị tỉnh Lào Cai tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép tận thu khoáng sản cát, sỏi dưới lòng hồ, gia hạn thời gian hoàn thành dự án và điều chỉnh thời gian quy định thực hiện trách nhiệm nộp ngân sách với nhà nước…

Ông Lê Ngọc Hưng cho rằng, những đề xuất, kiến nghị nêu trên là rất thiết thực, chính đáng.

Gần đây nhất, ngày 31/7, ông Hưng lại chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra trong thời gian từ ngày 19 – 20/7/2018 tại cụm thủy điện Nậm Tha, Nậm Xây Luông huyện Văn Bàn của Cty CP Đầu tư xây dựng & Phát triển năng lượng Phúc Khánh và Cty CP thủy điện Nậm Xây Luông.

Theo báo cáo, mưa lũ gây thiệt hại khoảng hơn 300 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại tại cụm thủy điện Nậm Tha ước tính khoảng 292 tỷ đồng, cụm thủy điện Nậm Xây Luông khoảng 38,5 tỷ đồng.

Tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Hưng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành tập trung giúp đỡ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngành thuế hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục gia hoãn thời gian chậm nộp và nộp thuế. Ngành ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thậm chí, đại diện nhiều sở ban ngành tỉnh Lào Cai đều có ý kiến cho phép Cty Phúc Khánh vay 100 tỷ đồng từ nguồn vốn nhàn rỗi của tỉnh với lãi suất hỗ trợ ưu đãi, thời gian trả nợ từ 3 – 5 năm. Về việc này, ông Hưng giao ngành Tài chính, cùng với Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh tổng hợp báo cáo trình Thường trực UBND tỉnh xem xét.

04-04-04_4
Đi tới đâu, thủy điện cũng bị người dân phản đối gay gắt…
04-04-04_5
… nhưng chúng vẫn mọc lên như nấm để lại những dòng suối trơ cạn
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, hết năm 2017, các dự án trên địa bàn đã lấy khoảng 800ha đất rừng. Trong đó, các dự án thủy điện chiếm tới ¾ diện tích. Và việc giao đất rừng như tại Cty Phúc Khánh mới là thử nghiệm, chưa đánh giá được hiệu quả cuối cùng.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.