| Hotline: 0983.970.780

Những khó khăn 'khó tháo' của doanh nghiệp quản lý, bảo vệ rừng

Thứ Bảy 08/06/2024 , 06:27 (GMT+7)

Là doanh nghiệp bảo vệ rừng, kiêm sản xuất kinh doanh, nhưng không được tự chủ về vốn, không được tự ý kinh doanh rừng… dẫn đến những khó khăn chồng chất kéo dài.

Đắk Nông hiện có 7 công ty lâm nghiệp, quản lý hàng ngàn ha rừng và đất rừng, là “mỏ vàng” tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng do “vướng” những quy định, thủ tục ràng buộc nên chưa thể khai thác, phát huy được thế mạnh về nguồn tài nguyên dồi dào này. Phần lớn các doanh nghiệp này vẫn rất nghèo, sống nhờ nguồn ngân sách nhà nước.

Trong số các công ty lâm nghiệp, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (nằm trên địa bàn xã huyện Tuy Đức, quản lý hơn 27.000ha rừng và đất rừng) là đơn vị sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp với các ngành nghề: Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng; trồng cây lâu năm, cây công nghiệp; phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen…

Lực lượng bảo vệ rừng hàng ngày phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: HT.

Lực lượng bảo vệ rừng hàng ngày phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Ảnh: HT.

Mặc dù chưa đạt được những thành tựu kinh tế lớn, nhưng Công ty Nam Tây Nguyên vẫn được đánh giá là “điểm sáng” về quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng. Từ nhiều năm nay, công ty đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi hợp tác đầu tư với các tổ chức cá nhân có đủ tiềm lực, ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Vạn Thương Sài Gòn và liên kết thành lập Công ty Cổ phần Vạn Trúc Tây Nguyên đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lồ ô, tre nứa, công suất khoảng 13.000 tấn sản phẩm/năm.

Đồng thời, khoanh vùng rừng có tiềm năng phát triển du lịch, sau đó kêu gọi nhà đầu tư và cho thuê dịch vụ môi trường rừng trên diện tích gần 5.000ha. Có 3 nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ và có nguyện vọng hợp tác. Ngoài ra, Công ty Nam Tây Nguyên đã thực hiện, đầu tư vườn ươm, tự sản xuất hàng chục ngàn cây rừng giống phục vụ công tác trồng rừng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch, Giám đốc Công ty Nam Tây Nguyên, cho biết còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ, nhất là liên quan đến vốn chưa đến với các doanh nghiệp dù họ rất cần nguồn lực này để mở rộng đầu tư.

“Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa rõ ràng. Điều này dẫn đến doanh nghiệp bị thụ động, thiếu linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, dễ mất cơ hội trong kinh doanh. Nhưng do là doanh nghiệp Nhà nước, công ty không chủ động được kế hoạch sản xuất đối với các hoạt động được chủ sở hữu phân cấp. Cụ thể là việc không được quyền quyết định các dự án dưới 50% vốn sở hữu. Hàng năm, công ty thực hiện theo kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh do cấp trên phê duyệt. Nếu phát sinh một số nội dung, hạng mục hoặc không triển khai thì việc điều chỉnh rất khó khăn”, ông Bình chia sẻ.

Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Đại Thành (Công ty Đại Thành) được giao quản lý hơn 18.200ha rừng và đất rừng tại xã biên giới Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Trong đó có hơn 17.200ha diện tích đất có rừng. Ngoài Nam Tây Nguyên, Đại Thành cũng là đơn vị có thành tích quản lý, bảo vệ rừng rất tốt của tỉnh Đắk Nông. Trong 2 năm 2022 và 2023, trên lâm phần không xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng, Công ty Đại Thành còn khai thác le (150.000 cây/năm) và sản xuất rượu (khoảng 5.000 lít rượu trắng và rượu sâm/năm). Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp đạt 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140 triệu đồng, nộp ngân sách 148 triệu đồng. Tiền lương của người lao động doanh nghiệp trung bình 8,8 triệu đồng/tháng. Mặc dù vậy, muốn phát triển hơn nữa là rất khó, vì “vướng” những thủ tục, vấn đề pháp lý, quy định của Nhà nước.

Mặc dù còn tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, nhưng do vướng nhiều thủ tục, quy định, nên các doanh nghiệp lâm nghiệp rất khó phát triển. Ảnh: HT.

Mặc dù còn tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, nhưng do vướng nhiều thủ tục, quy định, nên các doanh nghiệp lâm nghiệp rất khó phát triển. Ảnh: HT.

Ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty Đại Thành cho rằng, còn nhiều rào cản đối với mô hình doanh nghiệp Nhà nước của đơn vị. Thứ nhất, doanh nghiệp không được quyền tự chủ về kinh doanh rừng hoặc sản xuất nông nghiệp dưới tán rừng. Thứ hai, Nhà nước không bổ sung vốn điều lệ như đề án được sắp xếp nên doanh nghiệp không có nguồn vốn để đầu tư phát triển. Thứ ba, Công ty Đại Thành là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích (bảo vệ, phát triển rừng) nhưng chỉ được hỗ trợ kinh phí thực hiện chứ không phải đặt hàng giao nhiệm vụ. “Muốn phát triển mà không có vốn đầu tư thì không làm gì được. Quy định thì có và công ty đã nhiều lần đề xuất nhưng nguồn phân bổ thì chưa được cấp”, ông Nhã nói.

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, 7 công ty lâm nghiệp Nhà nước quản lý phần lớn diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài công ty Nam Tây Nguyên và Đại Thành đang phát triển kinh tế, nhưng vẫn còn hạn chế ra, thì hầu hết các doanh nghiệp còn lại không có ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Hoạt động chính vẫn là quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao. Vì thế, doanh thu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước là chính.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.