Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn đang chờ đón, nhất là tình hình thị trường XK, đây là thử thách lớn mà toàn ngành phải chạy đua nước rút trong 6 tháng cuối năm 2017.
|
XK lúa gạo dự báo có nhiều thuận lợi trong năm 2017 |
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: 6 tháng đầu năm, mặc dù mức tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, tuy nhiên điều này chỉ là tín hiệu khả quan cho tình hình tăng trưởng của ngành chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017 theo mục tiêu của Chính phủ giao. Theo Bộ trưởng, ngoại trừ năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng GDP khá cao với mức 3,3% nhờ sự đột phá trong XK thủy sản, còn lại trong 2 năm gần đây, con số này ở mức khá thấp với 2,41% năm 2015 và 1,2% năm 2016. Vì vậy, chỉ tiêu mà Chính phủ giao ở mức 3,05% năm 2017 là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho thời gian còn lại của năm 2017.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm có thể phá vỡ nỗ lực của ngành nông nghiệp, đó chính là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Chỉ cần một cơn bão mạnh cũng có thể đánh tụt mức tăng GDP của ngành. Thách thức thứ hai là vấn đề thị trường. Theo đó đối với thủy sản, từ tháng 9/2017, chính phủ Mỹ sẽ chính thức áp dụng luật Farm Bill. Đây là một rào cản lớn cho XK cá da trơn của Việt Nam bởi Mỹ là thị trường chiếm thị phần lớn và giá trị cao. Bên cạnh đó, EU vốn là thị trường XK thủy sản lớn cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về ATTP của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt để củng cố về kỹ thuật SX lẫn biện pháp phòng vệ, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với XK thủy sản, ngành hàng vốn là trụ đỡ quan trọng cho ngành nông nghiệp sẽ rất cam go.
Thủy sản sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường trong thời gian tới |
Trước những thách thức này, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Đối với XK tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675 nghìn tấn, với kim ngạch XK từ 3,2-3,5 tỉ USD. Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường XK, việc thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và thị trường nước bạn Trung Quốc sẽ được quyết liệt triển khai từ nay tới cuối năm 2017. Theo đó trong tháng 9/2017, một hội chợ triển lãm quy mô lớn về ngành hàng cá da trơn sẽ được tổ chức tại Hà Nội, dự kiến sẽ có sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các tập đoàn SX cá da trơn lớn nhất của Việt Nam cũng như nhiều bạn hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Oai cho biết các mô hình thí điểm “liên kết 4 nhà” cũng đã và đang được ngành thủy sản rốt ráo đẩy mạnh tại các tỉnh ĐBSCL. Hiện tại, một số mô hình thí điểm đã bắt đầu được ký hợp đồng triển khai tại An Giang, với sự hợp tác của Tổng cục Thủy sản, Tập đoàn Hùng Vương và người nuôi đối với khoảng 260 nghìn con cá tra chất lượng cao…
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Năm 2017, chăn nuôi nhiều khả năng vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 3% theo kế hoạch. Tuy nhiên mặc dù thời gian qua, giá lợn trên thị trường đã nhích lên, nhưng vẫn đang ở mức thấp và tình hình cải thiện thị trường rất chậm. Theo ông Vân, từ nay đến cuối năm, chăn nuôi vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ có thể tái diễn tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm tương tự cuộc khủng hoảng giá lợn đối với một số sản phẩm chủ lực. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thời gian tới, Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành chăn nuôi để có giải pháp điều chỉnh. Theo đó muộn nhất trong tháng 8/2017, Bộ NN-PTNT sẽ trực tiếp kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cho việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, trên cơ sở đó tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh cho giai đoạn tới.
Cũng theo Bộ trưởng, công tác phát triển thị trường là nhiệm vụ nóng hổi hơn hết của 6 tháng cuối năm 2017 cũng như thời gian tới. Bộ trưởng đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết cho từng ngành hàng, để trung tuần tháng 7/2017 lãnh đạo Bộ kiểm tra cho ý kiến. “Trước mắt, Cục phải khẩn trương phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tổ chức Diễn đàn XK thịt gà và sản phẩm gà tại TP.HCM và sau đó là Diễn đàn khuyến khích XK thịt lợn” – Bộ trưởng chỉ đạo.
Bên cạnh những thách thức lớn, nhất là với ngành chăn nuôi và thủy sản, 6 tháng cuối năm 2017, lâm nghiệp và trồng trọt đang có những tín hiệu thuận lợi có thể bứt tốc giành thắng lợi. Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá: Với nhiều thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ đã được khơi thông, từ nay đến cuối năm, XK gỗ và sản phẩm gỗ hoàn toàn có thể giành được kim ngạch trên 7,5 tỉ USD (so với mức 7,3 tỉ USD năm 2016). “Vấn đề lớn hiện nay của ngành lâm nghiệp đó là việc bố trí vốn đầu tư. Cụ thể, vốn đầu tư trung hạn cho ngành lâm nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt là 29.460 tỉ đồng cho 5 năm (2016-2020). Theo đó năm 2016, Trung ương đã hướng dẫn phân bổ cho các địa phương là 1.240 tỉ đồng, tuy nhiên lại chỉ có 265 tỉ sử dụng cho lâm nghiệp, còn lại bị chuyển hết sang việc khác” – ông Ngãi cho biết. Đối với lĩnh vực trồng trọt, ngoài việc XK nhiều mặt hàng chủ lực như cà phê, hạt tiêu, điều, cao su… tiếp tục thuận lợi, XK lúa gạo cũng đang có những tín hiệu tích cực trong các tháng còn lại của năm 2017. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hiện Thái Lan đã tung hết lượng gạo dự trữ và đang giảm mạnh diện tích trồng lúa. Theo đó từ nay tới cuối năm, giá lúa gạo thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đây là cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam. Trước tình hình này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết cùng với việc đẩy mạnh SX lúa hè thu, năm nay, chủ trương của Bộ NN-PTNT sẽ đặc biệt chú trọng cho SX lúa thu đông (lúa Vụ 3) ở ĐBSCL với diện tích phấn đấu khoảng 800 nghìn ha để tận dụng thời cơ thuận lợi của giá lúa gạo thị trường quốc tế. |
6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế. Mặc dù đến nay, chúng ta mới chỉ triển khai tái cơ cấu nông nghiệp được 4 năm, tuy nhiên vẫn phải rà soát lại quy hoạch, cơ cấu ngành hàng theo tình hình thị trường. Theo đó có những cây – con phải tăng, có những cây – con phải điều chỉnh giảm. Việc rà soát lại quy hoạch và đề án tái cơ cấu phải bám sát chủ yếu vào tín hiệu và tình hình thị trường, tình hình thực tiễn SX cũng như phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, phải bám vào 3 trục sản phẩm gồm 10 nhóm mặt hàng quốc gia XK trên 10 tỉ USD, nhóm ngành hàng cấp tỉnh và nhóm địa phương. Theo đó, một số ngành hàng có lợi thế, thế mạnh cấp tỉnh có giá trị vài chục triệu USD hiện nay sẽ phải có chiến lược, chính sách để nâng lên giá trị vài trăm triệu USD, tiến tới tỉ USD. Đối với văn bản pháp luật, phải tập trung cho dự thảo sửa đổi Nghị định 210 để trình Chính phủ trong tháng 9/2017. Hiện Chính phủ đã có chủ trương sẽ gộp chính sách ưu đãi cho các DN vừa và nhỏ và các HTX vào Nghị định 210 sửa đổi. Vì vậy đây là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp để đẩy mạnh kinh tế HTX và DN trong ngành nông nghiệp. (Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường) |