| Hotline: 0983.970.780

Những khu chợ tiền tỷ hoang vắng

Thứ Hai 08/07/2019 , 14:02 (GMT+7)

Những khu chợ tiền tỷ được xây dựng theo ý chí chủ quan của lãnh đạo, nay những khu chợ đó đang dần bỏ hoang, lãng phí không biết bao nhiêu mà kể…

16-58-16_1
Chợ trung tâm xã Cát Thịnh nhìn từ cổng vào.

Tôi đã từng nghe một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái trình bày ý tưởng xây dựng chợ gia súc ở huyện vùng cao Trạm Tấu và khu vực thượng huyện Văn Chấn đặt tại xã Gia Hội với rất nhiều dự kiến táo bạo, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn đại gia súc ở hai huyện này, tạo ra hai chợ trâu bò lớn thu hút hàng trăm con trâu bò được mang tới đây mua bán, giao dịch mỗi phiên như các chợ trâu bò Hà Giang, Lào Cai.

Đó là những ý tưởng tốt, tạo ra những khu chợ vùng cao sầm uất giúp người nông dân tiêu thụ được hàng hóa. Nhưng việc xây dựng các khu chợ đó không xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, mà hoàn toàn theo ý chí chủ quan của lãnh đạo, thành ra chợ xây dựng xong nhưng người dân không đến họp, cả chục tỷ đồng nằm phơi mưa, phơi nắng trong hoang tàn và ngày càng xuống cấp, khiến những ai có lương tâm đều cảm thấy xót xa cho đồng tiền đóng thuế của người dân. Trong khi đó, những công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân thì không được đoái hoài.

Công trình chợ vùng cao xã Gia Hội huyện Văn Chấn được Chủ tịch tỉnh Yên Bái phê duyệt ngày 31/12/2015 tại quyết định số 3280/QĐ-UBND, với tổng mức đầu tư 5,972 tỷ, tổng diện tích 14.021m2, trong đó diện tích chợ 9.947m2. Chợ gồm 2 đình chợ giống nhau và các ki ốt bán hàng, khu ẩm thực vùng cao, nhà chứa gia súc, bể chứa rác và phân gia súc, bệ đóng hàng đưa trâu bò lên các thùng xe ô tô…

Ngày 26/5/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái lại ký Quyết định điều chỉnh bổ sung công trình chợ vùng cao Gia Hội, nâng tổng mức đầu tư lên 7,016 tỷ, tăng 1,044 tỷ so với quyết định 3280/QĐ-UBND ngày 31/12/2015.

Tháng 12/2018 công trình chợ vùng cao Gia Hội hoàn thành, nhưng theo phản ánh của người dân, kể từ khi chợ đưa vào sử dụng chưa tổ chức được một phiên mua bán trâu bò tại đây. Hiện chợ đang bỏ hoang, xã Gia Hội cho một gia đình thuê làm quán bán bia, cà phê và ăn uống. Đầu tư hơn 7 tỷ đồng chỉ để cho một hộ thuê bán bia, làm cửa hàng ăn uống thì việc đầu tư công của Yên Bái là vô cùng lãng phí.

Công trình xây dựng nắn dòng Ngòi Phà tạo quỹ đất xây dựng chợ trung tâm và quỹ đất dân cư xã Cát Thịnh huyện Văn Chấn với tổng mức đầu tư 14,856 tỷ, trong đó xây dựng khu nhà chợ chính, san gạt nền, hàng rào, đường điện, cổng chính, kè suối, nhà vệ sinh, bể rác, sân, điện chiếu sáng… là 12,794 tỷ. Chợ hoàn thành năm 2018, theo tìm hiểu của PV, hiện mới chỉ bán được một số lô đất ngoài mặt đường thuận tiện kinh doanh còn khu vực phía trong và giáp với Ngòi Phà thì chưa bán được, cỏ mọc hoang tàn.

16-58-16_2
Bên trong chợ trung tâm xã Cát Thịnh là hoang tàn cỏ dại.

Bà Đỗ Thị Thanh gia đình ở ngay cổng chợ cho biết: Chợ phiên Cát Thịnh chỉ họp vào các ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật. Hôm nào đông lắm thì cũng chỉ có khoảng hơn 50 người mang rau cỏ, thịt thà đến bán. Người bán nhiều hơn người mua, họp một hai tiếng thì tan. Có người mua đâu mà họp lâu?

Đặt chân vào chợ, chúng tôi mới thấy sự hoang vắng của khu chợ không một bóng người và thật mỉa mai lại được gắn cái tên “Chợ trung tâm xã Cát Thịnh”.

16-58-16_3
Trong chợ không một bóng người.

Chợ gia súc huyện Trạm Tấu được xây dựng ở Khu II thị trấn Trạm Tấu theo Quyết định 2302/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái ngày 30/10/2015. Tổng mức đầu tư là 5,99 tỷ, diện tích chợ 5.602m2, có 8 hạng mục công trình được xây dựng: San nền, kè đá nắn dòng suối, cổng chợ, đình chợ, ki ốt bán hàng, nhà ban quản lý chợ… Cuối năm 2018 thì chợ gia súc Trạm Tấu hoàn thành.

Người dân sống cạnh chợ cho biết ngày khai trương vận động mãi mới có vài hộ dắt mấy con dê tới “chơi chợ”, từ đó đến nay chưa tổ chức được một phiên mua bán gia súc tại đây. Khi PV có mặt tại chợ, trong đình chợ chính chỉ có hai phản thịt khách vắng teo.

Chị Lê Thị Hương, chủ một phản thịt cho biết: Chúng tôi buộc phải di dời từ chợ cũ ở bên kia sang đây bán. Có chợ nào đầu tư gần 6 tỷ mà chỉ có hai bàn bán thịt bao giờ? Mấy bà bán rau kia người ta cho ngồi nhờ, các vị trí đó đều đã có người đấu thầu cả rồi. Phản thịt bên ngoài là thuê lại của người ta thôi…

16-58-16_4
Chợ gia súc Trạm Tấu.
16-58-16_5
Người bán thịt trong chợ gia súc Trạm Tấu ngáp dài.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, ông Liễu cho biết: Ban quản lý chợ đang tiến hành di dời một số mặt hàng tươi sống sang khu chợ mới, làm thêm một số dãy quán bán hàng để chuyển dần bà con sang bán ở khu chợ mới cho việc xây dựng khu chợ cũ đã xuống cấp…

Gần 30 tỷ đồng xây dựng 3 khu chợ vùng cao, vùng nông thôn mà chúng tôi đã nêu mà chưa nói tới những khu chợ đã xây trước đó như chợ xã Sùng Đô đến nay đều không phát huy được công năng sử dụng. Trong khi đó các công trình trường học ở nhiều xã vùng cao, Trại giống Nghĩa Văn, đường giao thông nông thôn… rất cần thiết cho đời sống người dân thì bỏ quên. Rõ ràng đây là sự lãng phí trong xây dựng mà tỉnh Yên Bái cần phải xem xét lại hiệu quả đầu tư công.

16-58-16_6
Điểm trường mầm non Sùng Đô thôn Giàng Pằng xập xệ rất cần được đầu tư.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.