| Hotline: 0983.970.780

Những kỷ niệm về anh Tạn

Thứ Năm 06/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Sắc sảo, thông minh, tính nhẩm như thần nên ai cứ trả lời đại khi được hỏi là coi chừng. Nhưng anh cũng là người thẳng thắn, lãng mạn, yêu thích nhạc cổ điển, đặc biệt là bản Sonate Ánh Trăng của Beethoven…/ Thương nhớ anh vô cùng!

Có lẽ vậy, nên dù tôi là người ngoại đạo nông nghiệp (ở lương thực) chỉ gặp anh một lần, vài phút ở Văn phòng 2 Bộ NN-PTNT (135 Pasteur, TP. HCM), khi nghe tôi nói thẳng vài câu mà anh đã ký quyết định điều tôi ra Hà Nội phụ trách Báo.

Ở đời thẳng thắn cũng theo quy luật cung cầu: thích nghe, có công bằng cấp dưới mới dám nói. Và phải là người thông tuệ, bản lĩnh mới đủ dũng khí tiếp thu. Điều đáng buồn là điều này đang ít dần đi theo tình hình của đất nước hiện nay. Muốn được tiếp tục nghe nghịch nhĩ nên thỉnh thoảng anh lại gọi tôi đi công tác cùng, kể cả mãi tới sau này khi đã lên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thông thường lãnh đạo đi cơ sở báo cử phóng viên tháp tùng để phản ánh, nhất là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo với toàn ngành và địa phương. Nhưng khổ nỗi, mình câu cú, nắm bắt làm sao bằng được anh em; lo cơm áo gạo tiền, chống dưới, chèo trên, đặc nghẹt âm mưu, hứng lên viết ra chỉ tổ dại. Và nghĩ: Anh em có việc gì mình còn đứng ra bảo vệ, chứ Tổng Biên tập có vấn đề gì thì khác nào keo dính chuột, có mà trời cứu!

Biết được suy nghĩ của tôi, anh bảo: “Tớ không cần viết bài đâu, cậu cứ đi, anh em mình nói chuyện được rồi”. Thế là lúc nào có thể tôi lại tháp tùng anh, khi thì có anh Trình thư ký, lúc thì chỉ có chú Khanh hộ pháp lái xe cực chuẩn trên những nẻo đường đèo quanh co.

Anh sinh ra ở quê lúa nghèo Thái Bình nhưng lại lưu lạc trôi nổi tận Lạng Sơn học trung học Việt Bắc trước khi ra nước ngoài học đại học. Anh kể: “Những năm đói kém đến cám cũng không có mà ăn cậu ạ!”. Cho đến khi làm lãnh đạo Tổng cục Khai hoang rồi mà tình hình vẫn vô cùng khó khăn. Giọng anh trầm lắng: “Con làm vỡ cái phích nước, đánh nó một roi mình cũng chảy nước mắt nghĩ: “Không biết đến bao giờ mới sắm được cái phích mới đây?!”.

Có lẽ vậy mà anh chọn ngành canh tác học, khát vọng cả đời nung nấu làm ra hạt lúa, củ khoai cho dân no. Giấc mơ để hạt lúa to như bắp chuối trong dân gian không có, nhưng lúa lai năng suất cao, cùng những ưu thế vượt trội đã giải quyết được vấn đề cơ bản an ninh lương thực Quốc gia.

Nhưng lúc bấy giờ công sức của anh không phải được công nhận ngay, họ bảo đây là nấc thang cho anh lên. Anh biết và bảo: “Kệ họ. Ai khen cũng chớ mừng và ai chê cũng chớ buồn; mình phải làm đúng với lương tâm và trách nhiệm”.

Một lần tháp tùng theo anh về một Cty ở N.B chuyên sản xuất, chế biến nông sản xuất khẩu nổi tiếng hiệu quả. Thấy truyền hình đang quay cảnh Phó Thủ tướng thăm vườn dứa thì một người đàn ông (chắc là nông trường viên nhận khoán) đột ngột xuất hiện cầm quả dứa la lớn: “Camera, camera này, một trăm đồng một quả này”. Bảo vệ, công an phải vất vả lo bảo vệ; lãnh đạo Cty, địa phương cứ đi theo phân trần giải thích rằng đó là phần tử bất mãn. Anh dừng lại ôn tồn hỏi thăm rồi nói với anh em xung quanh: “Phải xem lại cơ cấu phát chia lợi nhuận”.

Nhưng ấn tượng đầu tiên lớn nhất của anh Tạn đối với tôi đó là anh tôn trọng, không can thiệp vào công việc của cấp dưới khi báo cải tiến có đăng một số bài đụng chạm đến chính sách một ngành lớn, có tầm ảnh hưởng nhiều địa phương trong cả nước. Vị tư lệnh đó là bạn đồng môn của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn nhưng tuổi tác lại là bậc đàn anh trưởng thành sớm, có nhiều thành tích nên đòi Bộ trưởng phải can thiệp xử lý báo.

Giải thích mãi không được, Bộ trưởng đề nghị các anh về đưa báo ra tòa án! Rồi sự việc không phải được giải quyết ở tòa án mà một chiếc xe 12 chỗ ngồi chở bộ tứ xuống Tòa soạn họp đối chất tới khuya, mọi việc đều thấu hiểu, êm đẹp, chúng tôi trở thành bạn bè thân thiết hàng chục năm về sau nữa.

Anh Tạn là người sống rất tình cảm, luôn biết động viên chia sẻ đúng lúc với anh em cấp dưới. Vào một đêm muộn, anh gọi cho tôi hỏi điện thoại nhà báo Trần Cao. Tôi lo lắng chợt nghĩ, chả biết Trần Cao làm điều gì dại dột mà Phó Thủ tướng gọi cả đêm thế này.

Sáng ra tôi dò hỏi anh Trình thư ký và anh cho biết là 6 giờ sáng nay, Phó Thủ tướng đã gọi cho Trần Cao khen ngợi bài viết về thủy sản rất đúng và hay quá. Sống giữa bộn bề lo toan công việc, một cú điện thoại vào đầu giờ của ngày sẽ làm cho Trần Cao phấn chấn ít ra là mấy ngày và tôi cũng được vui lây chứ cần gì phải bằng khen, giấy khen báo cáo thành tích nguội lạnh cuối năm!

Nhắc đến chuyến đi Lâm Đồng, Đà Lạt đầu năm 2001 để tìm hiểu dứa Cayen và Trà Ô long, đến giờ tôi vẫn thấy ân hận vô cùng về cái sự quên, đãng trí của mình. Tới đó, chúng tôi được bố trí nghỉ ở Dinh Bảo Đại trên đồi thông thơ mộng. Anh ngủ ở phòng của Vua, còn tôi chẳng biết có phải tại ngủ ở phòng Công Chúa nên hay quên không, mà sáng ra lãnh đạo tỉnh tiếp ăn sáng ở tầng dưới để về thành phố thì tôi lại bỏ quên cái cặp của mình.

Ban biên tập chúng tôi luôn ghi nhớ phương châm anh dặn: “Động cơ viết phải trong sáng, ý thức viết phải xây dựng thì các cậu cứ viết”. Bảy năm dưới quyền anh, chưa bao giờ anh gọi điện chấn chỉnh, nhắc nhở, can thiệp vào công việc.

Xe rời Đà Lạt chạy được khoảng 10 cây số đang đổ dốc, phía trước có xe còi hú dẫn đường thì tôi buột miệng nói bỏ quên mất cái cặp. Trong cặp có quái gì đâu ngoài mấy báo cáo hội nghị và sổ ghi chép, tôi nói sẽ nhờ người đến lấy và gửi về sau. Nhưng anh không chịu và bảo xe quay lại để lấy. Khổ cho các anh công an dẫn đường, tự nhiên mất hút xe Phó Thủ tướng!

Dẫu biết đó là phận sự nhưng anh không hề vui khi đi đâu cũng có xe hú còi dẫn đường. Năm trước tôi theo anh lên Sơn La để nghiên cứu chè và bò sữa Mộc Châu. Hôm đó, họp xong ăn cơm cũng đã 9 giờ tối, anh nói với đồng chí Bình Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho anh em công an bảo vệ, hú còi về nghỉ, đừng đi theo anh đến thăm nhà bà con gần đó tránh phiền phức. Tôi nghe đồng chí chủ tịch trả lời: “Dạ vâng” đàng hoàng, nhưng lát sau xe anh đi ra vẫn có xe hú còi hộ tống theo liền.

Để chuộc lại lỗi lầm quên cặp làm vất vả các đồng chí công an hộ tống, tôi nghĩ ra một kế để mời anh ăn món lẩu mắm 71 ở đầu cầu Sài Gòn cùng các đồng chí công an vất vả suốt mấy ngày trời mưa nắng. Tôi nói thêm: “Về đến đó cũng trưa rồi, anh em còn quay lại 300 km nữa về Đà Lạt”. Anh đồng ý. Đây cũng là cách tôi chuộc lại bữa trước, cách đó mấy tháng anh ăn cơm ở nhà tôi.

Hôm đó vào dịp họp sơ kết 6 tháng các tỉnh phía Nam ở Dinh Thống Nhất, anh lại bên tôi bảo: “Sao cậu không mời tớ về nhà cậu ăn cơm nhỉ?”. Tôi chỉ vào hội trường: “Ở đây toàn chủ tịch tỉnh, bộ, ban ngành TW, họ đâu có cho em đưa anh đi”. Anh nói chắc nịch: “Tôi sẽ về nhà cậu ăn cơm tối đó nhé!”.

Biết anh đặc biệt thích hai món ăn của người Nam bộ, đó là cá kho tộ và lẩu mắm, những món ăn dân dã của người khẩn hoang với rất nhiều rau dại như rau đắng, bông súng, lá xoài, hoa so đũa, điên điển…, tôi gọi điện về cho vợ làm hai món đó. Tôi trực tiếp chở anh và anh Trình thư ký về ngôi nhà mà tôi đã ở từ thời sinh viên trong xóm lao động nghèo và dĩ nhiên là không có xe hú còi. Do gấp gáp, vợ nấu chưa đạt lại có sự cố mất điện, trời Sài Gòn nóng hầm hập, anh vẫn ăn vui vẻ. Có lẽ anh biết khi anh ký quyết định điều tôi ra Hà Nội khi hai cháu sau mới lên một và hai tuổi, vợ con vô cùng vất vả, nên đến nhà động viên.

Viết đến đây mắt tôi nhòe lệ!

Nhịp gõ của bản Sonate không lời trên xe ô tô của anh về mùa thu lãng mạn, réo rắt buồn muôn thuở lại văng vẳng bên tai. Anh đã đi xa. Thương nhớ anh quá anh Tạn ơi!

(Nguyên Tổng Biên tập Báo NNVN)

Xem thêm
Sắp xếp bộ máy địa phương trước 20/2

Ban Chỉ đạo yêu cầu công tác sắp xếp, tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện hoạt động đồng bộ với việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên đỉnh mù sương

Chớm xuân, Y Tý rét cắt da cắt thịt, mây mù bao phủ khắp nơi còn người Hà Nhì đã sẵn sàng đón Tết trong những mái nhà trình tường ấm cúng.

Bình luận mới nhất