| Hotline: 0983.970.780

Những mái nhà rêu: Nghĩ khác với người làng

Thứ Sáu 03/02/2023 , 06:02 (GMT+7)

Tương Văn Thành mới 26 tuổi nhưng được người làng Xà Phìn nể trọng bởi cái đầu biết nghĩ cho hàng xóm, biết dẫn khách dưới xuôi lên và mang tiền về cho mỗi nếp nhà.

20221222_114352

Một góc làng Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Nghĩ cho túi tiền của hàng xóm

Tương Văn Thành là con trai duy nhất của gia đình họ Tương ở bản Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Ngay từ nhỏ, Thành đã có cái đầu sáng nên được bố mẹ cho vượt qua ngọn núi đầu làng xuống trường ở phố huyện học chữ.

Bài liên quan

Có nhiều chữ, lại được đi nhiều nơi nên ý nghĩ của Thành khác hơn người làng là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng họ không nói ra. Mãi đến khi Thành đưa người lạ đến làng ngắm mái nhà rêu và ngủ lại qua đêm, mà người khách lạ ấy lại có nước da trắng, tóc vàng, nói thứ tiếng không ai hiểu… khiến cả người hiểu biết nhất ở làng cũng chưa bao giờ nhìn thấy thì cả làng mới xôn xao bàn tán, rồi phản đối.

Trong con mắt của người Dao ở Xà Phìn, thế giới trước nay to nhỏ cũng chỉ vượt qua ngọn núi đầu làng. Người hiểu biết hơn thì biết thế giới còn có ánh đèn lung linh mờ ảo, chật kín nhà với những khối bê tông cao lớn gần bằng ngọn núi quê mình… đó là thành phố Hà Giang. Chứ còn chuyện tiếp xúc với người ngoại quốc, da trắng, cao to như con gấu thì kể cả khi những người đàn ông đã uống cạn hết chum rượu ngô men lá cũng chẳng thể nào moi ra khỏi đầu được cái hình ảnh đấy.

Người làng rỉ tai bàn tán nhau bảo, thằng Thành dẫn người lạ về làng, ma rừng ma núi xứ này sẽ không hài lòng, sẽ mang bệnh tật đến, sẽ không cho nhiều thóc lúa trên thửa ruộng bậc thang. Cái bụng của người Xà Phìn sẽ phải chịu đói vì thằng Tương Văn Thành.

z3998201542263_92bc0bb9c2639aa1da59ea3ac9a32ac4

Tương Văn Thành (ngồi giữa) là người tiên phong làm du lịch ở Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Sau lần đón ông khách Tây ấy, Thành đến gặp người làng tỉ tê việc tận dụng mái nhà rêu độc đáo của quê mình để cùng làm du lịch nhưng vẫn chẳng nhận được cái gật đầu hợp tác.

Bố mẹ Thành bảo rằng, người làng rỉ tai nhau, từ bao đời nay, chỉ thấy người Dao ở Xà Phìn phải còng lưng, bạc tóc chăm chỉ làm lụng trên ruộng bậc thang, trên nương mới có cái ăn. Mày cứ dẫn khách lạ về làng, cả làng không muốn nhìn mặt nữa, xấu hổ lắm. Từ đời cha, đời ông, người họ Tương chúng ta rất được lòng người làng, người bản. Thôi bỏ cái ý nghĩ khác với cái bụng của người làng, trái với ý của thần núi, thần rừng đó đi con ạ!

Ngay cả người vợ đầu ấp tay gối với anh cũng đứng về phía bố mẹ và người làng. Không phải vì vợ anh không hiểu được như phần lớn người trong bản bởi vợ Thành cũng đã đi học ở trường huyện, cũng hiểu nhiều chữ, đọc nhiều thông tin trên báo, trên mạng xã hội.

20221222_082918

Một mái nhà phủ đầy rêu tuyệt đẹp ở Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Nhưng người làng bảo rằng, thằng Thành cứ cười nói ríu rít như con khiếu với khách lạ, rồi chụp ảnh cùng nhiều cô gái có khuôn mặt đẹp như đóa hoa chè Shan tuyết mới nở, không khéo lại bị những cô gái ấy bắt mất hồn mà không biết lối về nhà với vợ con. Lời lẽ của người làng khiến nhiều đêm vợ Thành chẳng thể ngủ nổi, bụng nóng như có hòn than đang âm ỉ cháy.

Để người làng không phản đối, Thành phải mời đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến lên nhà ngủ cùng mỗi khi đón khách lạ đến tham quan, giải thích cho bà con hiểu đó là làm du lịch homestay. Thành vẫn âm thầm kết nối để nhiều đoàn khách đến làng. Rồi sau đó, nhiều gà, nhiều rượu, nhiều chè Shan tuyết… của bà con dân bản được Thành kết nối thu mua với giá khá cao.

z3998201723954_7c71eea5b0fdb4e6ee9004f6b43354a6

Chè Shan tuyết là đặc sản giúp nâng cao đời sống của người Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Câu chuyện đưa khách du lịch về giúp nhiều người làng có thêm thu nhập của Tương Văn Thành nhanh chóng lan từ bờ rào nhà này sang bậc thang của nhà kia khiến sự phản đối việc dẫn khách lạ đến làng của người bản Xà Phìn cũng mất hút giống như tiếng nói vọng ra rồi chui tọt vào trong lòng núi Tây Côn Lĩnh từ bao giờ mà chẳng thấy chui ra.

Ở Xà Phìn phụ nữ uống rượu giỏi!

Nhà của trưởng bản Đặng Văn Háu có 3 người phụ nữ, ai cũng uống rượu giỏi. Từ ngày làng mở rộng phát triển du lịch, những người phụ nữ trở thành những đại sứ. Họ vừa nấu ăn giỏi, pha trà ngon, giặt giũ chăn màn thơm tho lại còn giúp chồng, giúp bố uống rượu với khách mà chẳng biết say.

Trưởng bản Háu bảo với tôi rằng, phụ nữ người Dao ở Xà Phìn uống được rượu. Từ nhỏ cái miệng của mỗi bé trai, bé gái nơi đây đã được người làng tập cho thử uống rượu, và bởi thế phụ nữ uống được rượu. Hơn nữa, cái lạnh tế tái của núi rừng cao nguyên khiến người ta tìm đến rượu để sưởi ấm bụng, sưởi ấm người.

z3998202020499_7ca7622b0a929eba00ee0d8ea7c7e985

Ngôi nhà sàn là một trong những nét văn hóa đặc trưng ở Xà Phìn. Ảnh: Đào Thanh.

Dù uống rượu giỏi nhưng phụ nữ người Dao ở Xà Phìn cũng chỉ uống rượu khi nhà có khách quý. Họ mời rượu thể hiện sự mộc mạc, lòng hiếu khách của gia chủ và của bản người Dao. Nay phụ nữ người Dao nâng ly mời khách du lịch ghé thăm làng cũng thể hiện tư duy của người dân thay đổi, quyết tâm đồng lòng cùng Tương Văn Thành và chính quyền địa phương dẫn khách du lịch về làng.

Bà Bàn Thị Cháy là một trong những người phụ nữ uống rượu giỏi nhất nhì ở Xà Phìn. Nhớ lại ngày trước, khi Tương Văn Thành đưa khách du lịch về làng, bà Cháy đi qua đi lại con dốc trước cửa nhà Thành nhiều lần, rồi nhìn mãi cũng chẳng thể nhận ra vị khách ấy có khuôn mặt giống ai trong làng.

20221222_084448

Ở Xà Phìn có hơn 40 nóc nhà có rêu phủ quanh năm. Ảnh: Đào Thanh.

Bà nhẩm bụng nghĩ: Đúng là thằng Tương Văn Thành dẫn người lạ về làng rồi. Từ cái miệng của bà, thông tin làng có người lạ ghé thăm được truyền đi khắp các ngõ ngách nhanh như cơn gió lạnh đầu mùa mà cả dãy núi Tây Côn Lĩnh cao sừng sững cũng chẳng thể cản nổi.

Rồi bà cùng người Xà Phìn phản đối chuyện Thành đưa khách du lịch ra mặt. Không phải bà sợ Thành nghĩ ra cách làm ăn mới sẽ có nhiều tiền, mua được nhiều trâu, nhiều lợn, sẽ trở thành người giàu nhất vùng Xà Phìn. Cái khiến mối lo cứ luẩn quẩn trong đầu bà Cháy là sợ việc làm của Thành sẽ làm mất lòng thần núi, thần rừng làng sẽ bị trừng phạt bệnh tật, mất mùa...

Nhưng mối lo của bà mỗi ngày lại thêm vơi đi như bao thóc ở góc nhà sàn ngày giáp hạt. Khách đến thăm làng ngày càng nhiều, thần linh không phạt mà chỉ thấy túi tiền của nhiều người làng dầy lên bởi đón được khách về nhà ngủ qua đêm. Bán được nhiều rượu, nhiều nông sản, các nhà có thêm tiền mua được nhiều con trâu, con lợn tăng gia sản xuất.

20221222_123004

Ở Xà Phìn cũng có những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Ảnh: Đào Thanh.

Học theo Tương Văn Thành và người làng, bà Cháy cũng sửa sang nhà cửa sạch sẽ, làm lại cái sân rộng thênh thang để khách đến có chỗ để ô tô, trồng vườn rau sạch đãi khách... Đặc biệt, trong mỗi bữa cơm thân mật cùng khách du lịch, bà và người làng thường lấy hũ rượu ngon nhất trong ngôi nhà mình ra mời khách.

Cứ thế, chén rượu hết, chén rượu lại đầy, khách đã say, người đàn ông ở Xà Phìn cũng ngả nghiêng hơi men, nhưng bà Cháy và những người phụ nữ ở đây chỉ thấy má hây hây ửng hồng, miệng nở nụ cười hiếu khách, tay vẫn nâng bát rượu mời những người bạn mới của dân làng.

z3979812047420_174378d2143c8589b48b06e78af759fc

Sự độc đáo lạ lẫm của những mái nhà rêu ở Xà Phìn đã thu hút được nhiều du khách đến đây tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Đào Thanh.

Cũng giống như bà Cháy ở Xà Phìn, ngoài thời gian bận rộn lên nương hái chè, hái thảo quả, xuống ruộng cấy lúa, trồng ngô thì người làng cũng chủ động dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chọn những chiếc chăn thật sạch, chiếc màn thật thơm tho rồi cùng đón khách ở núi gần, khách ở núi xa đến ngắm mái nhà rêu, nghe bà con kể chuyện, uống những chén rượu đầy say nồng và ngắm ruộng bậc thang mùa nước đổ khi mùa xuân đang tràn về khắp núi rừng.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.