"Để đẩy mạnh hiện đại hóa Trung Quốc, chúng ta phải nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm củng cố nền tảng của ngành nông nghiệp và thúc đẩy hồi sinh nông thôn trên diện rộng", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Trung ương về Công tác Xây dựng Nông thôn hôm 20/12.
Hội nghị đã phân tích tình hình hiện tại và những thách thức mà những vùng nông thôn của đất nước phải đối mặt, đồng thời vạch ra các ưu tiên cho công tác xây dựng nông thôn trong năm 2024. Giới phân tích cho rằng hội nghị đã thiết lập nền móng cho công tác xây dựng nông thôn của đất nước trong năm 2024 bằng cách làm rõ các mục tiêu, sứ mệnh và con đường hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu
An ninh lương thực vẫn sẽ là một trong những mục tiêu cơ bản nhất của Trung Quốc và công tác xây dựng nông thôn sẽ tập trung vào việc tăng cường an ninh lương thực, bao gồm tăng diện tích đất nông nghiệp và năng suất ngũ cốc, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hạt giống và tăng cường nghiên cứu về các công nghệ cốt lõi.
Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ đảm bảo diện tích đất nông nghiệp, song song với việc tăng sản lượng ngũ cốc. Chính quyền sẽ nỗ lực thực hiện công tác phòng ngừa, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai cho ngành nông nghiệp.
Trung Quốc cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì diện tích đất nông nghiệp không dưới 120 triệu ha. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh đề ra quyết tâm ngăn chặn việc đất nông nghiệp bị chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp.
Trung Quốc tiếp tục đặt mục tiêu sản lượng ngũ cốc cho năm 2024 duy trì trên 650 triệu tấn. Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia (NBS), Trung Quốc đã đạt được mục tiêu sản lượng trên 650 triệu tấn trong 9 năm liên tiếp, với sản lượng năm 2023 đạt mức cao kỷ lục 695,41 triệu tấn.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống cung cấp thực phẩm đa dạng, với nhiều nỗ lực được thực hiện đồng thời trong nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.
Nông nghiệp dựa vào công nghệ
“Để tạo động lực hiện đại hóa nông nghiệp, điều quan trọng là phải tăng cường phát triển khoa học và công nghệ cũng như thực hiện cải cách, tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những đột phá trong công nghệ cốt lõi và cải thiện cơ chế làm việc cho ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn và người nông dân”, ông Tập Cận Bình nói.
Bên cạnh việc cải thiện chất lượng đất canh tác, các nhà phân tích cho rằng an ninh lương thực sẽ được đảm bảo thông qua cơ sở hạ tầng và cơ sở nông nghiệp hiện đại, cũng như những đột phá công nghệ trong ngành sản xuất hạt giống, để đẩy nhanh quá trình tự mình phát triển khoa học và công nghệ nông nghiệp của Trung Quốc.
Công tác xây dựng nông thôn trong năm 2024 sẽ tập trung vào việc cải thiện an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng phục hồi và ổn định của chuỗi cung ứng, và dựa vào khoa học và công nghệ để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, Lý Quốc Tương, chuyên gia tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.
"Với tiền đề là nguồn cung lương thực được đảm bảo, Trung Quốc cũng sẽ tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn và dịch vụ công vào năm 2024, điều này rất quan trọng trong việc tăng hiệu quả của ngành nông nghiệp", ông Lý Quốc Tương nói.
Việc đảm bảo an ninh lương thực hiện nay đồng nghĩa với khả năng sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và chế biến thực phẩm, thay vì chỉ đơn giản là theo đuổi sản lượng ngũ cốc như trong quá khứ, Vương Cương Di, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Đông Bắc, cho biết.
"An ninh lương thực hiện nay được đo lường bằng năng lực của toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp và công nghiệp, từ sản xuất lương thực đến bữa ăn trên bàn. Trung Quốc nên đẩy nhanh việc xây dựng các dự án thủy lợi lớn, xây dựng các trung tâm cây giống, cơ sở sấy ngũ cốc và các cơ sở hậu cần chuỗi cung ứng lạnh cho các sản phẩm nông nghiệp", ông Vương Cương Di nói.
Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực cải thiện và hiện đại hóa ngành nông nghiệp và đạt được những tiến bộ đáng kể.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch nông nghiệp Trung Quốc đã vượt trên 73%, với 1,8 triệu máy nông nghiệp được trang bị hệ thống định vị do Hệ thống Vệ tinh Định vị Bắc Đẩu phát triển, theo số liệu của NBS.
Trung Quốc cũng về cơ bản đã đảm bảo được nguồn cung hạt giống ngũ cốc, bông, dầu, đường, gia súc, gia cầm, cá, tôm, cua, và động vật có vó. Bên cạnh đó, tỷ lệ đảm bảo cung cấp đủ hạt giống đến nay đã tăng lên hơn 75%, theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc.
Với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và sự gia tăng của những diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ngành nông nghiệp của Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa và giảm thiểu thiên tai, đồng thời giảm thiểu tác động và tổn thất bằng khoa học và công nghệ, Kiều Sơn Vĩ, tổng biên tập trang tin nông nghiệp “cngrain.com” cho biết.
Phục hồi nông thôn toàn diện
Bên cạnh an ninh lương thực, Hội nghị Trung ương về Công tác Xây dựng Nông thôn 2023 kêu gọi nỗ lực cải thiện phát triển công nghiệp nông thôn, xây dựng và quản trị nông thôn, và phấn đấu đạt được tiến bộ thực chất trong việc đẩy mạnh phục hồi nông thôn trên diện rộng, theo Tân Hoa xã.
Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng công tác phục hồi nông thôn nên bắt đầu từ những vấn đề thực tế được nông dân phản ánh.
Chìa khóa để phục hồi nông thôn là đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn. Trung Quốc cần nỗ lực thực hiện triệt để các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp nông thôn, phát triển các ngành công nghiệp đặc trưng, nâng cấp và tăng cường phát triển các ngành công nghiệp mới, các hình thức kinh doanh đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Vương Cương Di cho rằng để phục hồi toàn diện các vùng nông thôn, người dân không chỉ cần có một cuộc sống vật chất đủ đầy, mà còn phải có một đời sống tinh thần phong phú. Ông cũng đề cập đến “Giải bóng rổ cấp làng”, một giải đấu bóng rổ được tuyên truyền rầm rộ ở nông thôn Trung Quốc. Mặc dù các cầu thủ chủ yếu là nông dân, song giải đấu nhận được nhiều sự quan tâm vì bầu không khí sôi động.