Trang trại cao 20 tầng, được xây dựng dưới sự giám sát của Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc ở trung tâm thành phố Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Theo đài truyền hình Trung Quốc CCTV, trang trại này là dự án cho thấy quyết tâm tự động hóa nông nghiệp hàng đầu thế giới của nước này.
Dự án cũng đánh dấu nỗ lực mới nhất nhằm tận dụng đổi mới công nghệ nhằm đảm bảo có đủ lương thực để nuôi sống 1,4 tỷ dân Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang quyết tâm nâng cao khả năng tự lực nông nghiệp do lo ngại căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu và chuỗi cung ứng.
Các trang trại thẳng đứng đang là xu hướng nông nghiệp ở những nước như Nhật Bản, Singapore và Mỹ. Đây là các hệ thống canh tác hiệu quả cho phép sản xuất lương thực liên tục quanh năm trong các thùng đất được xếp thành tầng. Các trang trại này cho phép sản xuất nông nghiệp ở mọi môi trường từ đô thị đến sa mạc, mang lại lợi thế đáng kể trong việc cung cấp thực phẩm ổn định cho các khu vực không thể canh tác truyền thống.
Tại phiên họp Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương hồi tháng 7/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo các vấn đề đe dọa an ninh lương thực của đất nước, bao gồm việc bỏ hoang đất nông nghiệp, sự xói mòn, suy thoái đất và tình trạng khai thác quá mức nước ngầm.
Ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải trồng rau ở các đô thị và khu vực khô cằn, đồng thời ca ngợi những thành quả nông nghiệp nổi bật ở tỉnh Cam Túc và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, nơi có khí hậu khắc nghiệt.
"Thông qua hàng loạt các giải pháp nâng cấp công nghệ và xây dựng cơ sở vật chất, nhiều vùng đất trước đây không phù hợp cho sản xuất nông nghiệp giờ đây có thể được tận dụng", ông Tập Cận Bình cho biết tại cuộc họp.
Đài CCTV cho biết trang trại thực vật thẳng đứng của Thành Đô sử dụng hàng loạt các công nghệ tiên tiến, bao gồm các giống cây có thể trồng tự động, hệ thống canh tác ba chiều thẳng đứng, hệ thống cung cấp chất dinh dưỡng tự động, hệ thống chiếu sáng mô phỏng điều kiện tự nhiên tiết kiệm năng lượng và hệ thống điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp đảm bảo sản xuất ổn định trong không gian thẳng đứng.
Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đảm bảo rằng nông dân có đủ nguồn lực canh tác nông nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách nước này khuyến khích áp dụng thâm canh và công nghiệp hóa trong nông nghiệp trong "Nghị quyết Trung ương số 1", được công bố hồi tháng 2/2023 với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nông thôn.
Với lợi thế không bị tác động bởi điều kiện thời tiết và hạn chế địa lý, trang trại thẳng đứng tại Thành Đô chỉ cần 35 ngày để sản xuất mỗi vụ rau diếp và điều này có thể làm liên tục trong điều kiện môi trường được kiểm soát. Các loại rau lá xanh, trái cây và nấm ăn khác cũng có thể được sản xuất trên quy mô lớn trong trang trại thẳng đứng, theo truyền thông nhà nước.
Trước đây, các nhà nghiên cứu thường phải di chuyển đến các vùng nhiệt đới như tỉnh Hải Nam, ở phía nam Trung Quốc, vào mùa đông để đẩy nhanh tiến độ nhân giống. Tuy nhiên, trong trang trại thẳng đứng tự động ở trung tâm thành phố Thành Đô, quá trình này được đẩy nhanh thông qua một máy gia tốc nhân giống.
Công nghệ như vậy, không bị hạn chế bởi điều kiện đất đai, không gian và khí hậu, đã giúp điều chỉnh chính xác ánh sáng và chất dinh dưỡng, góp phần thúc đẩy cây trồng sinh trưởng nhanh chóng, rút ngắn đáng kể chu kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định nông sản được trồng trong trang trại thẳng đứng cũng có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như được trồng trên đất nông nghiệp.
Với công nghệ liên tục được cải tiến, Trung Quốc đang ngày càng thực hiện các hoạt động nông nghiệp trên các tài nguyên đất canh tác phi truyền thống. Trung Quốc cũng đã xây dựng các trang trại lợn cao tầng ở những nơi như tỉnh Hồ Bắc và trồng lúa trên sa mạc muối ở Tân Cương, với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến.
Hồi tháng 8/2023, Tân Cương cũng công bố một bước đột phá công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản, khi thành công nuôi cá nước ngọt, bào ngư, tôm sú và tôm hùm tại một ngư trường ở rìa sa mạc.