| Hotline: 0983.970.780

Những ngày lao tù trên bán đảo Lôi Châu của các chiến sĩ Gạc Ma

Thứ Ba 13/03/2018 , 14:40 (GMT+7)

Tại trại giam trên bán đảo Lôi Châu thuộc huyện Trầm Giang, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), 9 tù binh Việt Nam phải lao động vất vả... Nếu không có Hội Chữ thập đỏ quốc tế can thiệp, không biết họ có “trụ” được đến ngày hồi hương.

 

Vừa đặt chân lên bán đảo Lôi Châu, 9 tù binh Hải Quân Việt Nam liền được đưa về trại giam trong tình trạng thương tích đầy người.

09-45-24_1
Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa với những bức ảnh kỷ niệm cùng 8 đồng đội còn may mắn sống sót sau trận hải chiến

“Khi ấy tôi bị dính mảnh đạn ngay mắt cá chân, các bác sĩ Trung Quốc ... lấy mảnh đạn ra...”, cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa ở TP Quy Nhơn (Bình Định), nhớ lại.

3 tháng đầu tiên làm cư dân trại giam trên bán đảo Lôi Châu, những tù binh Việt Nam bị nhốt cách biệt mỗi người một phòng. Gọi là phòng, nhưng diện tích chỉ đủ một người nằm, không ánh sáng, chỉ có một lỗ thông hơi. Phòng cũng chẳng có giường, các tù binh phải nằm dưới nền đất. Trong thời gian này, các anh liên tục phải đối mặt với những cuộc 'thẩm vấn'.

Sau 3 tháng, các tù binh Việt Nam được chuyển sang phòng khác, ở mỗi người 1 căn phòng rộng hơn. Phòng được trang bị 1 chiếc giường sắt, 1 cái tủ nhỏ để đựng tư trang và 1 cái thau men để rửa mặt. Thời gian này các tù binh phải đi lao động.

Trong những giờ lao động, tù binh Việt Nam được gặp mặt nhau, nhưng tối vẫn bị nhốt cách biệt. Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa ngậm ngùi nhớ lại: “Ăn thì ít mà chúng tôi phải làm những việc nặng nhọc. Ban đầu chúng tôi trộn bê tông để làm đường giao thông. Sau đó, họ đưa chúng tôi lên rừng, chuyển về những cây gỗ to đùng, để chẻ ra thành củi.

Qua năm sau, đoàn công tác của Hội chữ thập đỏ quốc tế đến bán đảo Lôi Châu thăm các tù binh Việt Nam, đoàn gồm 6 người. Trong đoàn có một người nói tiếng Việt sành sỏi. Anh bảo với các tù binh Việt Nam: “Khi chúng đã đến đây rồi thì các anh yên tâm mà sống, vì cầm chắc các anh đã giữ được sinh mạng. Còn việc các anh có được phóng thích hay không thì đó là việc của chính phủ hai nước”. Lấy làm lạ, anh Lê Minh Thoa hỏi: “Anh là người Thụy Sĩ mà sao nói tiếng Việt rành vậy?”. Người kia trả lời: “Bố tôi là người Thụy Sĩ, nhưng mẹ là người Hà Nội chính gốc nên tôi rành tiếng mẹ đẻ”.

09-45-24_3
Cựu binh Lê Minh Thoa

Đoàn công tác còn hỏi cặn kẽ thời gian trong trại giam các tù binh Việt Nam được lính Trung Quốc đối xử như thế nào, ăn uống có đầy đủ không? “Chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc cải thiện chế độ ăn uống cho các anh. Nếu phía Trung Quốc không đáp ứng được thì chúng tôi sẽ đáp ứng”, vị trưởng đoàn công tác nói. Trong thời gian Hội Chữ thập đỏ quốc tế ghé thăm, 9 quân nhân Việt Nam được những bữa ăn ngon và mỗi người được viết 24 chữ để gửi về thông tin cho gia đình.

Trong chuyến thăm ấy, đoàn công tác tặng mỗi tù binh Việt Nam 15 đồng Nhân dân tệ (NDT) và được lính Trung Quốc đưa đến cửa hàng nằm trong trại giam để mua những vật dụng cần thiết. Hàng nội địa của Trung Quốc rẻ, nhưng hàng nhập ngoại rất đắt. Một gói thuốc 555 của Anh hay một bánh xà phòng tắm hiệu FA có giá đến 7,5 NDT/món, những mặt hàng ấy do Trung Quốc sản xuất chỉ tính bằng hào.

“Khi ấy, tôi tiêu hết 15 NDT của đoàn công tác cho bằng việc mua một bánh xà phòng FA và một gói thuốc lá 555. Lính Trung Quốc hỏi tôi sao không dùng hàng Trung Quốc...”, Thoa kể.

Sau khi đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ quốc tế đến thăm, những tù binh Việt Nam được phía Trung Quốc đối xử tốt hơn, chế độ ăn uống được cải thiện hơn. Từ hôm đó, mỗi tháng tù binh lại được nhận 9 NDT để mua kem, bót đánh răng, xà phòng tắm. “Không biết Trung Quốc tuyên truyền về người Việt Nam như thế nào mà lính trại giam hỏi tôi người Việt Nam mỗi sáng ngủ dậy có đánh răng rửa mặt không, bên Việt Nam có thau men để rửa mặt như ở trại giam không? Người Việt Nam có đeo đồng hồ không, có biết đi xe đạp không?”.

Một chiều cuối năm 1991, tù binh Việt Nam được chiêu đãi lẩu thịt chó, hải sâm xào, thịt bò, thịt gà và một chai bia. Các tù binh hỏi lý do, lính Trung Quốc không tiết lộ. Bữa tiệc ấy không khiến các chiến sĩ Gạc Ma vui, mà thêm lo, bởi cứ nghĩ đây là bữa cơm “an ủi” trước khi lên “đoạn đầu đài”!

“Tối hôm ấy ai cũng thức trắng, ruột nóng như có lửa đốt. Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi được đánh thức rồi được đưa lên xe rời khỏi trại giam, mỗi tù binh được kèm bởi hai lính Trung Quốc trang bị vũ khí đầy người. Ai trong chúng tôi cũng đều nghĩ đến điều không lành sắp xảy ra. Khi xe chạy được một lát, người chỉ huy bỗng rút ra tờ giấy và đọc bằng tiếng Việt lơ lớ: “Hôm nay Chính phủ Trung Quốc phóng thích tù binh Việt Nam về nước”!

Các tù binh Việt Nam mừng đến nghẹn thở. Sau hai ngày một đêm, xe đưa Thoa và đồng đội về đến cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, Việt Nam.

"Khi nhìn thấy đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam đứng đón, 9 tù binh chúng tôi đồng loạt ồ khóc như con nít vì mừng. Cảm giác được đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc sau 3 năm 9 tháng bị cầm tù bên Trung Quốc thật khó tả”, cưu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa kể với giọng ngậm ngùi.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.