| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 01/03/2020 , 06:50 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:50 - 01/03/2020

Những ngày thườn thượt

Tính ra cũng tầm 1 tháng rồi. Những ngày nặng trịch này có thể so với thời gian nào của mỗi người, của quốc gia và dân tộc?

Khu cách ly đặc biệt là cụm từ quen thuộc thời dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Khu cách ly đặc biệt là cụm từ quen thuộc thời dịch Covid-19. Ảnh: Tùng Đinh.

Cảm giác đầu tiên là bàng hoàng. Nhớ lại cảm giác thời dịch SARS hoành hành. Khi ấy tôi đang ở Hà Nội, mỗi ngày đến cơ quan toàn né quãng quen thuộc là đi qua bệnh viện Việt - Pháp.

Cảm giác như đó là một nấm mồ lớn, tức tưởi oan hồn, họ đã vắt kiệt sức cho hai từ hy sinh mà cũng không tránh được cái chết, những y bác sĩ ấy. Khi có việc để nhớ lại, vẫn cứ câu hỏi, vì sao như vậy, vì sao nông nỗi?

Những tuần đầu không rời mắt khỏi những thông tin về Vũ Hán. Vì sao là nơi đó, vì sao Trung Hoa? Tự lý giải tùy lượng thông tin mình tiếp nhận và sự mẫn cảm xã hội, lịch sử, chính trị của mỗi người.

Thấy hình ảnh đô thị hóa bê tông hóa san sát kia không khỏi thở dài, khoảng cách để những khu nhà và những con người với nhau hầu như hạn hẹp, cúm là chuyện muôn đời của mọi quốc gia, ai giàu có tiêm chủng bắt buộc thì đỡ, không thì như Việt Nam và có lẽ, Trung Hoa cũng vậy, đành thúc thủ khi lũ cúm biến dạng, quỷ quyệt lên.

Nỗi lo của người già có lẽ nhiều lớp hơn cánh trẻ. Là vì hệ miễn dịch của chính mình đã kém, có bề gì tội cho con cháu, gia tộc, khu phố, cộng đồng. Con gái ở không xa với mẹ nhưng vì để bảo vệ cho nó và cháu ngoại, mình cứ khăng khăng đừng lo cho mẹ, mẹ đã mua khẩu trang, đã nấu nước sả chanh gừng để uống, đừng có lo. Cháu ngoại rên rỉ trong điện thoại, sao được nghỉ học mà không thấy vui ngoại ơi, thấy mình già đi và xấu hoắc ngoại ơi?

Đúng, ai cũng bò ra hết lướt net, lên facebook, lại xem đài và thiêm thiếp. Không giấc nào gọi là ngủ sâu cho dù cả khu phố ắng lặng một cách lạ lùng, không karaoke, không chó sủa không gà gáy, hình như vạn vật đều nín thở để thấy mình già và xấu đi.

Chợ búa thưa vắng, người quen lắm mới nhận ra nhau qua đôi mắt sau cặp kính râm hay kính lão, còn thì các loại khẩu trang choán hết. Chắc chắn kinh tế sẽ lao dốc như xe không phanh vì toàn người buôn bán nhỏ lẻ bám vào sức mua chập chờn và du khách thì đã bye bye nhé.

Rồi quen với hiện trạng dật dờ ở tuần thứ ba thì phải. Bạn bè gặp nhau trên “chợ phây”, rất nhiều dòng than thở không nghĩ được gì, không viết được gì cũng không đọc được gì, rảnh rang mà kỳ cục, lơ thơ lẩn thẩn giữa bốn bức tường hoặc công sở, đi hay về đều kín mít.

Người trẻ có lẽ ít thườn thượt hơn bởi vì họ còn phải nhấp nhổm con cái đang ở nhà hoặc gửi đâu đó, vấn đề là thời hạn như thể vô định chứ không đơn giản như các vị quan chức phán tuần tới hoặc tháng tới sẽ cho các em trở lại trường.

Chừng như sự hoảng loạn đã biến mọi người có cảm xúc đám đông chưa từng có. Đám đông náu trong mỗi ngôi nhà, mỗi công sở, mỗi nơi làm việc. Nó được kiểm soát bởi người ta đều tự biết, không thể làm gì được ngoài việc bình tĩnh, chờ đợi và cẩn trọng. Bỗng dưng ở các nước được tiếng là văn minh, hiện đại, sang trọng, đầy đủ… ngất trời cũng đã có tâm dịch.

Chưa bao giờ thế giới cùng hướng về nhau như lúc này. Nó không là sự hướng về hào sảng, hoan hỉ như Thế vận hội hay World Cup, dĩ nhiên. Nhưng nhìn thấy nhau trong nỗi bất hạnh chung này thật là một sự kết nối tâm lý chấn động và sâu sắc, không ai làm nổi ngoài thượng đế.

Có chỉ trích hay kêu ca thì thời kỳ gay cấn nhất cho nhân loại cũng đã đến. Không cần chiến tranh hạt nhân. Một con vật kỳ quái thiên biến vạn hóa gửi được đến, từ trời chăng? Để con người phải chịu sư trừng phạt và sau đó, nhất định sẽ phải chấn chỉnh và biết điều. Chưa ai có thể nói gì về tuần sau, tháng sau, nói chi là năm sau hay thập kỷ tới.

Có bi quan không? Tôi không biết. Chỉ biết nhắc nhau giữ gìn và tự vượt qua, mỗi ngày. Bằng những gì đã cố gắng suốt cả tháng 2 này. Dù sao chúng ta cũng là nước nghèo, đô thị thấp và mỏng, nông thôn bao la vây quanh, chúng ta có môi trường tự nhiên cực kỳ thuận lợi để hít thở và vận động chỉ bằng chiếc khẩu trang và cặp kính. Nắng và gió, đây đúng là cái phúc mong manh của mỗi chúng ta.     

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm