| Hotline: 0983.970.780

Những 'ngôi sao' tiên phong làm kinh tế ở xã nghèo Tri Lễ

Thứ Tư 25/07/2018 , 15:05 (GMT+7)

Tri Lễ vẫn nghèo! Nhưng cuộc sống đồng bào các dân tộc ở đây đang từng bước thay da đổi thịt. Chúng tôi tìm đến những ông chủ mới, những “ngôi sao” tiên phong làm kinh tế để minh chứng điều đó.

“Cao bồi” bản Mông

Từng nhiều lần nghe đến tên già làng Pó, một trong những người có đàn gia súc lớn nhất ở Tri Lễ (Nghệ An). Nhưng phải đến lần này chúng tôi mới được đích thân già dẫn lên trại chăn nuôi đại gia súc của gia đình ở bản Pà Khốm.

Sau khi bỏ xe máy ở một bãi ngô cạnh QL16, già Pó đeo lô na (túi của người Mông) rồi thoăn thoắt leo lên ngọn núi. Những người ở dưới xuôi như chúng tôi, leo theo già Pó đi qua 2 ngọn núi, qua không biết bao nhiêu con dốc dựng đứng quả là một trải nghiệm đầy khó khăn.

trile3b093817515
Già Pó thoát nghèo nhờ chăn nuôi đại gia súc

Lên đến đỉnh núi Tham Tạp, già Pó dừng chân nghỉ, móc trong lô na đưa chúng tôi mỗi người một lon bia, bảo chúng tôi giải khát rồi giải thích: “Tham Tạp, theo tiếng Mông có nghĩa là nơi chỉ toàn có đá. Chỉ có tre, luồng và các cây tự nhiên mọc được. Còn trồng vào cây gì thì cây đó đều không qua khỏi (không sống nổi, theo cách nói của người Mông - PV). Nhưng mà thả con bò Mông vào đây thì tốt lắm! Ta phải uống, uống để mừng cho sức khỏe con bò”.

Rồi già Pó kể, năm 2000 nhà già vẫn nghèo lắm. Lúc đó, Nhà nước cho nhận đất rừng, không ngại khó, không ngại khổ, trong khi mọi người đều tranh nhau nhận rừng gần, diện tích ít thì già Pó xung phong nhận 7ha rừng ở Tham Tạp cách xa nhà hàng ngọn núi để làm rẫy. Nhưng cái cây không sống được ở vùng toàn đá, ít năm sau, gia đình già Pó chuyển sang chăn nuôi đại gia súc. Già vay ngân hàng, mua trâu, bò vàng bản địa về nuôi. Chúng sinh sôi nảy nở, mỗi năm lại mang từ rừng về cho gia đình già vài ba con bê nghé. Đến nay trang trại của già Pó đã có 50 con bò, 13 con trâu, 11 con ngựa. Mỗi năm, từ tiền bán gia súc, già cũng thu về trên dưới 100 triệu đồng.

Để hôm nay có trong tay đàn gia súc lớn, già Pó cũng từng có những lần trắng tay vì dịch bệnh. “Hồi đó, đàn bò 13 con lăn đùng ra chết. Sau này ta mới biết là phải tiêm phòng đầy đủ thì mới đuổi được con ma rừng đi. Nay ta làm lán trong rừng, đến kỳ lại gọi đàn trâu bò về tiêm phòng. Cứ 2 - 3 ngày lại đi thăm để cho chúng ăn muối. Nhờ chăn nuôi mà ta nuôi được 1 người con thành thầy giáo của bản. Một đứa ở nhà làm rẫy cùng ta cũng có nhà cửa đàng hoàng rồi. Anh trai ta là Thò Giống Nù cũng có đàn gia súc trên 100 con, mỗi năm cũng bán được trên 100 triệu đồng”, già Pó tâm sự.

Già Pó đứng lên tảng đá cao nhất ở “cao nguyên” Tham Tạp, hông mang dao phát, tựa như một cao bồi trên sa mạc, miệng hú gọi đàn gia súc. Chẳng mấy chốc, đàn gia súc hàng chục con tứ phía chạy về.
Chúng đã quá quen với tiếng gọi của già Pó, trở về đồng nghĩa với chúng sẽ được già cho ăn muối, thứ mà chúng không thể tìm thấy ở trong những đám cỏ tốt ngang đầu người ở trong rừng. Những chú ngựa béo ụ, bờm dài cũng tham gia vào cuộc chiến giành muối, tiếng hí vang xa mấy cánh rừng.

Không chỉ chăm bẵm đàn bò vàng địa phương, mới đây già Pó còn ra tận thị trấn Kim Sơn, mua và thuê xe chở về một con bò cái lai Sind hơn 20 triệu đồng. Nhưng xem ra, không hợp khí hậu, leo núi kém nên con bò mới không khỏe.

“Ta mua về để cho ra những con bò lớn hơn nhưng hắn không khỏe, không tự leo núi gặm cỏ được. Hôm trước còn bị ngã gãy chân. Ta đang chữa trị, bón cho nó ăn. Chắc rồi cũng phải bán thôi, ở đây chỉ có thể nuôi con bò vàng bản địa, leo núi giỏi”, già Pó tỏ vẻ tiếc nuối.

Già Pó thúc chúng tôi uống hết lon bia nữa rồi cùng nhau xuống núi trong bóng chiều tà. Bóng dáng già làng vùng sơn cước trên 60 tuổi đời vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn và rắn rỏi như những người đi rừng chuyên nghiệp mà tôi đã gặp ở bất kỳ đâu đó.
 

Ông chủ trẻ ở bản Yên Sơn

Sinh năm 1988, là người dân tộc Thái, Vi Văn Sơn (bản Yên Sơn) đang sở hữu vườn chanh leo lớn nhất huyện miền núi Quế Phong. Chúng tôi đến vườn chanh của Sơn khi ông chủ trẻ đang tất bật phân loại chanh để bán cho thương lái.

Năm 2013, thực hiện chủ trương trồng cây chanh leo nguyên liệu tại huyện miền núi Quế Phong, sau khi được tập huấn, Sơn đầu tư trồng hơn 1ha chanh leo trong vườn nhà. Những mùa vụ đầu tiên trôi qua trong êm ả, năng suất chanh leo bình quân đạt trên 20 tấn/ha, Sơn có nguồn thu khá. Vườn chanh leo của Sơn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 - 15 lao động là người địa phương với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, chanh leo là cây khó tính, rất cần nước tưới nhưng cũng không chịu được ngập úng. Khi diện tích trồng chanh leo ở Tri Lễ tăng lên, dịch bệnh cũng theo về. Nhiều hộ làm ăn thất bát, bỏ bẵng vườn chanh. Quyết tâm không chung sống với đói nghèo, Sơn nhận thêm đất của các hộ để trồng chanh leo. Đến nay, Sơn đã có trên 5ha chanh leo.

Vườn chanh của Sơn được đầu tư khá bài bản. Trong khi nhiều hộ làm giàn bằng tre, nứa thì Sơn làm bằng cọc bê tông, đan thép cho cây leo, hệ thống bể nước tưới được đưa lên đỉnh núi đồi, kéo ống đến tận các gốc chanh. Nhờ đầu tư phân bón, chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay vườn chanh của gia đình Sơn đạt năng suất cao nhất xã.

trile3093817405
Cây chanh leo mở hướng thoát nghèo cho đồng bào ở Tri Lễ

“Đầu tư 1ha chanh leo, nếu làm bài bản cũng không dưới 150 triệu đồng. Nếu không gặp rủi ro thì chỉ 1 năm là thu hồi được vốn. Năm nay, chanh leo được mùa lại được giá, tư thương đến tận vườn đặt cọc, thu mua loại 1 với giá 22 - 26 nghìn đồng/kg; loại 2 giá 18 - 20 nghìn đồng/kg và loại 3 giá 6.000 đồng/kg. Nhờ đầu tư tốt lại chăm sóc tỉ mỉ, vườn ta thu về bình quân 20 tấn/ha, trong đó có đến 50% chanh loại 1”, Sơn phấn khởi chia sẻ.

Tuy nhiên, điều mà Sơn và những người trồng chanh leo ở Tri Lễ nói riêng và Quế Phong nói chung lo lắng là hiện nay, chanh leo quá nhiều bệnh nên nhiều vườn chanh cứ sau 1 mùa, đồng bào lại phải đầu tư trồng lại nếu muốn đạt năng suất cao nhất. Bên cạnh đó, đồng bào trồng chanh leo ở đây chủ yếu bán cho tư thương. Trong khi Cty CP Thực phẩm chanh leo Nafood, đơn vị cung cấp nguồn giống lại thu mua với giá thấp hơn thị trường và chọn lựa rất kỹ càng.

“Dân bản vẫn chủ yếu bán cho tư thương thôi, bán cho nhà máy ít lắm vì họ chọn lựa kỹ, giá lại thấp hơn thị trường. Ta kiến nghị Nhà nước tư vấn nhiều hơn nữa để giúp dân phòng trừ sâu bệnh cho cây chanh leo. Chanh leo không chỉ là cây thoát nghèo mà còn có thể giúp đồng bào vươn lên làm giàu”, Sơn tâm sự.

 Ông Lữ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong ngày càng có nhiều những người tiên phong làm kinh tế để dần thay đổi bộ mặt xã nhà. Những người như già Pó, Vi Văn Sơn ở đây chưa nhiều. Họ rất cần được trang bị thêm kỹ thuật canh tác, chăn nuôi để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay toàn xã mới có trên 150ha chanh leo. Nếu nguồn nhân lực tốt hơn nữa, Tri Lễ hoàn toàn có thể trở thành thủ phủ chanh leo của Nghệ An trong thời gian không xa. Toàn xã vẫn còn 63% hộ nghèo, 17% hộ cận nghèo. Đó thực sự là trăn trở lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà”.

 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm