| Hotline: 0983.970.780

Những người chưa biết "mùi" tiền Tết

Thứ Hai 18/01/2010 , 16:15 (GMT+7)

Tết đến, người người, ngành ngành rộn ràng tiền thưởng. Ấy thế mà lại có những người cả chục năm chưa biết "mùi" tiền Tết. Chuyện tưởng đùa mà có thật. Ở Bình Định có những cán bộ Nhà nước chưa hề biết đồng tiền thưởng Tết “tròn méo” thế nào!

Chuyện tưởng đùa mà có thật. Ở Bình Định có những cán bộ Nhà nước chưa hề biết đồng tiền thưởng Tết “tròn méo” thế nào!

Đã sang đầu tháng Chạp, bước vào cổng Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tôi bắt gặp mấy anh em Cty ngồi cặm cụi lặt lá những cây mai trước sân. Vừa bắt tay ông Nguyễn Văn Phú- GĐ Cty tôi vừa chào một câu rất không khí Tết: “Tết năm nay cơ quan thưởng thiếc thế nào hả anh?”.

Ông Phú cười gượng: “Bao lâu nay cơ quan không hề có khái niệm thưởng Tết anh à. Cty chúng tôi hoạt động công ích, phục vụ là chính. Hằng năm chúng tôi xây dựng kế hoạch hoạt động rồi trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có quỹ lương. Cuối năm, quỹ lương này còn thừa được bao nhiêu thì chúng tôi chia đều cho mỗi người từ cán bộ gián tiếp đến công nhân trực tiếp gồm 262 người tí chút gọi là chứ làm gì có khoản nào mà thưởng với thiếc. Tết năm nay, “chắt mót” lắm mỗi người cũng chỉ được hỗ trợ ăn Tết chừng 300.000đ”. 

Anh thủ đập Huỳnh Xuân Phú

Nếu ai hình dung hết những cơ cực của người làm công tác thủy lợi trong 1 năm để rồi được hỗ trợ ăn Tết chỉ vài trăm ngàn mới thấy khoản tiền này “bèo bọt” đến dường nào. Ông Nguyễn Thanh Thiên- GĐ Xí nghiệp Thủy lợi 4 đóng trên địa bàn huyện Tuy Phước tâm sự: “Chúng tôi đang quản lý 4 hồ chứa nước, đều nằm trên miền núi heo hút. Những người làm công tác bảo vệ, quản lý hồ đập phải thường xuyên túc trực tại công trường vì toàn bộ thiết bị cơ khí vận hành cống đều nằm hết ngoài trời nên hầu như cả năm phải bám núi bám rừng. Trộm nó rinh mất một cái máy thì tù mọt gông”.

Rồi ông Thiên minh họa thêm: “Công nhân quản lý, vận hành cống ngoài việc theo dõi mực nước hồ, theo dõi lún nứt, đào phá các tổ mối, duy tu dầu mỡ các thiết bị cơ khí còn phải phát dọn cỏ mái đập. 1 mái đập dài nhất rộng khoảng 40.00m2. Những người làm công tác này là suốt đời “cắm đầu” cắt cỏ vì vừa phát dọn đến đầu kia, cỏ ở đầu này đã xanh um trở lại. Mấy năm nay được trang bị máy cắt cỏ chứ trước đây anh em phát dọn bằng rựa chai cả tay. Nguy hiểm nhất là những người quản lý các đập dâng phải đóng mở ván phai. 1 tấm ván phai dài 2m, dày 1 tấc lại ngâm dưới nước thì nặng biết chừng nào. Riêng tại đập Thông Chín thuộc hệ thống đập Thạnh Hòa (An Nhơn) đã có đến 900 tấm ván phai. Mùa lũ cách đây 6 năm, tại đập Thạnh Hòa 1 anh Đặng Văn Lập đang tháo ván phai bị tuột cây lộn đầu xuống đập. Nhờ có chiếc sõng của người chăn vịt buộc gần đó chứ không anh Lập nay đã “xanh cỏ” rồi".

Những công nhân trực tiếp cũng cơ cực không kém. Mỗi người phải quản lý 250 ha ruộng ở đồng bằng và 100 ha ở miền núi cùng 6km kênh mương. Đến vụ mà kênh mương chưa phát dọn kịp để thông nước thì họ phải huy động cả vợ con ra làm. Đến mùa hạn họ phải trực ngoài đồng cả đêm canh chừng nông dân tháo trộm nước. Bất kể hiểm nguy mưa lũ, cháy người dưới nắng hạn những cán bộ thuỷ nông phải hoàn thành công việc, vì mùa vụ không chờ họ. Ấy vậy mà sau 1 năm vất vả, lương tháng nào đã “xào” hết tháng ấy, đến cái Tết mà chỉ được nhận 300.000đ thì biết ăn tiêu, xoay xoả kiểu gì.

Dong xe máy lên đập Tháp Mão thuộc Xí nghiệp Thủy lợi 3 nằm trên địa bàn huyện An Nhơn, tôi được nghe anh thủ đập Huỳnh Xuân Phú kể: “Tôi làm thủ đập Tháp Mão này từ năm 1993. Do đặc thù của công việc nên phải ngày đêm bám trụ, cả lễ, Tết. Nhà chỉ cách đập non 1 cây số nhưng chẳng mấy khi về nên tôi xin phép cơ quan đưa vợ ra đập ở cùng cho ấm cúng. Đã nhiều năm nay cả nhà đều ăn Tết tại căn nhà thủ đập này. Mà nói vậy cho vui chứ lương tháng hơn triệu bạc không nuôi nổi 2 đứa con đang học đại học ở TPHCM và 1 đứa đang học lớp 10 nên phải trông cả vào 4,5 sào ruộng vợ làm thì làm sao dám nghĩ đến chuyện ăn Tết. Làm việc gần 20 năm rồi mà đến nay tôi vẫn chưa có được cái nhà riêng, phải còn ở nhờ cha mẹ. Những ngày gần Tết vợ chồng tôi ngại về quê lắm. Mình thì chẳng có thưởng thiếc gì, về lẳng lặng tay trắng tủi thân lắm”.

Chị Hà Thị Kim Nga, vợ anh Phú mắt ngân ngấn nước: “Năm nay cơ quan hỗ trợ cho chồng em được 300.000đ em tính sẽ mua đươc 1kg hạt dưa và vài cân thịt để mấy đứa con học ở TPHCM về có cái ăn Tết. Biết hoàn cảnh, năm nào cha mẹ 2 bên cũng gửi cho bánh, mứt để khách đến không phải buồn tẻ với ly trà lạt, chén rượu suông. Đã nhiều năm rồi 3 đứa con của em chưa được sắm quần áo Tết, may mắn là đứa nào cũng biết hoàn cảnh của cha mẹ nên không than phiền gì, vẫn vui vẻ đạm bạc cùng ba mẹ trong căn nhà thủ đập này. Cứ mỗi Tết đến là vợ chồng em lo bấn lên, nhất là khoản tiền xe cho 2 đứa con về quê ăn Tết xong vô lại trường. Giá xe ngày Tết lại đắt gấp 3 gấp 4 bình thường”. Như để giấu khách những giọt nước mắt đang trào dâng, tâm sự dứt lời chị Hà tất tả bước ra vườn mai bên cạnh nhà.

Như để xóa đi cái không khí Tết buồn bã của những người nghèo trong căn nhà thủ đập tềnh toàng, tôi cùng anh Phú theo chân chị Nga ra vườn mai. Nhìn đôi tay điệu nghệ của chị Nga lặt lá mai, anh Phú vừa tâm sự thêm: “Bí quá, 3 năm nay tôi mượn khoảng sân này của cơ quan trồng được 100 chậu mai kiểng để kiếm lối thoát cho cuộc sống gia đình. Công việc cơ quan kín đặc nên việc chăm sóc vườn mai cũng đều trông cả vào tay vợ”. Rồi anh Phú nhìn khắp lượt vườn mai nói: “Hy vọng sang năm bán được mai thì vợ chồng con cái tôi sẽ có được 1 cái Tết tươm tất”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm