| Hotline: 0983.970.780

Những người giúp miền núi tiến vượt miền xuôi: [Bài 1] Bản 100% biệt thự

Thứ Tư 08/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Ở nơi đó có những con người kiên trì bám đất, bám dân, lấy chính hành động của bản thân để vạch lối, chỉ đường dẫn đồng bào cùng làm giàu từ trồng rừng.

Ngỡ ngàng bản Quầy

Đến bản Quầy tôi như lạc bước vào một khu nghỉ mát thơ mộng trên cao nguyên nào đó với tiếng thông reo, tiếng chim rừng líu lo, với những khu nhà biệt thự lấp ló dưới tán cây xanh mướt mát. Ít có thể ngờ đó là một khu vực vùng biên thậm xa xôi của xã Bắc Xa (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) chỉ cách đây 20 năm còn không đường, không điện, không đủ ruộng để cấy nên 18 hộ của bản thì 8 hộ đã phải bỏ đi miền Nam làm kinh tế mới.

Tối hôm đó tôi ngủ trong ngôi biệt thự rộng thênh thang của ông Hoàng Văn Sáu, nguyên trưởng bản Quầy. Ông rủ rỉ kể, trước đây dân không biết giá trị của đất rừng, chỉ thích có vài mảnh ruộng để đủ ăn, có bãi chăn để thả trâu bò. Hồi ấy mỗi nhà ở bản có hàng chục con trâu bò, đến tháng 10 họ lại thả rông chúng lên rừng, thường bị kẻ gian dắt sang Trung Quốc bán. Có năm bản mất 70 con trâu, bò riêng nhà ông mất tới 6 con. Nghe tin mất trâu, bò ông chạy vội lên đồi, sờ vào bãi phân hãy còn ấm nhưng đuổi theo mà chẳng kịp vì bọn trộm đã sang tận bên kia biên giới mất rồi.

Một góc của bản Quầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của bản Quầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tính đến đời ông Sáu là đã bảy thế hệ ở bản Quầy. Ngay cả khi thời chiến tranh biên giới ác liệt nhất ông cũng chỉ sơ tán tới xã Kiên Mộc gần đó rồi khi tình hình tạm yên lại về ngay để bảo vệ không mất một tấc đất nào. Mảnh đất biên giới mà ông yêu thương như máu thịt ấy chỉ 20 năm trước còn chìm trong nghèo khó như làn sương mờ phủ lên bản mỗi mùa đông dằng dặc, chậu nước để ngoài sân có khi còn hóa thành băng. 

Lúc có các dự án trồng rừng như 327, 661 rồi vành đai biên giới của đoàn kinh tế- quốc phòng 338 ông Sáu vận động các hộ dân trong bản nhận đất nhưng ai cũng luyến tiếc mãi cái bãi chăn thả, cũng sợ trồng mà không thành rừng sẽ chẳng được nghiệm thu. Tuyên truyền mãi mới có 5 hộ chịu trồng rừng trong đó có bố con ông. Bộ đội cấp giống, tiền công trồng, công chăm sóc, công bảo vệ trong 5 năm đầu cho dân. Năm 2009 cầm 60 triệu đồng do trồng được 10 ha rừng mà ông cứ rưng rưng trong lòng mãi bởi cuộc đời gần 60 tuổi chưa biết đến khoản tiền to như thế bao giờ. Thấy 5 hộ đầu tiên trồng rừng được một món tiền to những hộ còn lại của bản mới bắt đầu tin tưởng bộ đội không nói dối, xin nhận đất trống đồi trọc để thực hiện.

Nhà ông Sáu có 2 đứa con trai, chia cho mỗi đứa 60 ha đất xong lại chia cho 6 đứa con gái mỗi đứa 2-3 ha nữa. Cả xã không có bản nào chia đất cho cả con gái như Quầy. Ngoài trồng thông ông còn đi đầu trong việc trồng sa nhân, trồng hồi nên hiện gia đình có 3 nguồn thu ổn định từ rừng, mỗi năm trung bình được 300-400 triệu đồng. Có bao giờ ông nghĩ mình có nhà xây, có xe máy đâu nhưng giờ đứa con của ông đã mua cái xe ô tô trị giá 700 triệu để ngày ngày chở con đi học, chở vợ đi chợ trên con đường bê tông mới đổ của bản. Cũng quãng đường ấy, năm xưa ông đưa các con đi học phải lội qua 13 đoạn suối cạn mất cả giờ mới tới được trường, giờ chúng đi chỉ khoảng 10 phút là đến.

Rừng thông bản Quầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rừng thông bản Quầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói chuyện làm nhà ông Sáu bảo năm 1996 khi dựng lên ngôi nhà đất 4 gian lợp ngói âm dương đã nghĩ bụng 2 đứa con trai của mình về sau lấy vợ cũng cứ thế mà ở không phải suy nghĩ gì. Những ngôi nhà đất của người Nùng nếu biết giữ gìn có thể đạt tuổi thọ tới cả trăm năm.

Thế mà sau mấy mùa thông, hồi, sa nhân được giá, năm 2017 hai bố con ông đi xe máy xuống huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để xem mấy mẫu nhà biệt thự rồi chụp ảnh lại cái ưng ý nhất về quyết xây giống thế. Với 2 tầng, diện tích sàn mỗi tầng 125m2 ông dự tính chỉ hết 900 triệu thôi, nhưng do đường vào bản xa xôi đội giá vật liệu, nhân công lên thành ra hết tới 1,4 tỷ đồng. Phải cố mấy vụ nhựa thông, hồi, sa nhân mới trả xong nợ. Đó là ngôi biệt thự đầu tiên của bản Quầy.

Hỏi lý do xây nhà to, ông Sáu cười: “Tôi 8 đứa con, hơn 20 đứa cháu, mỗi lần chúng về ngày lễ Tết thì phải xây như thế mới đủ chỗ”. Tiếp theo ngôi biệt thự của nhà ông là nhiều ngôi biệt thự của các gia đình khác mọc lên. Không chỉ xây ở trong bản mà có người còn ôm tiền đi mua đất ở dưới phố xây biệt thự cho mình và con cái ở.

Người trưởng bản được gặp Tổng Bí thư

Bên phải của ông Hoàng Văn Sáu là biệt thự to nhất bản của anh Tô Xuân Trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên phải của ông Hoàng Văn Sáu là biệt thự to nhất bản của anh Tô Xuân Trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong ngôi biệt thự hai tầng to nhất bản Quầy mỗi tầng rộng 160m2 trị giá hơn 2 tỷ, gia đình anh Tô Xuân Trường, con rể ông Sáu đang vội ăn cháo buổi sáng để kịp lên rừng thông đặt bô nhựa. Để đặt hết 1 vạn cái họ phải cần 1 tháng mới xong. Cây nhanh ra nhựa thì khoảng 1 tuần là đầy bô đủ 1 kg, còn ra nhựa ít phải 20 ngày. Cứ đầy nhựa thì họ đặt bô xuống đất, thay cái khác vào, đợi tháng 10, 11 mới thu một thể.

Hỏi về diện tích rừng trồng được, anh Trường trả lời: “Nhà mình có ít thôi, khoảng 60 ha, còn một số nhà có tới 80-100 ha cơ”. Năm 2023 nhà anh thu được hơn 10 tấn nhựa thông theo cả dạng tự cạo, lẫn dạng ăn chia 50-50 với lao động, được khoảng 200 triệu đồng, ngoài ra còn thu 100 triệu đồng từ hồi, 30 triệu đồng từ sa nhân.

Tuy xây được biệt thự nhưng anh Trường vẫn giữ lại ngôi nhà trình tường đất, phần để cho công nhân cạo nhựa ở, phần để nhắc nhở các con về cái nghèo thủa nào của người dân bản Quầy. Hồi ấy nào có xa xôi gì mà nghe cứ như truyện cổ tích? Bố mẹ anh sinh được tới 10 đứa con nên chẳng có nhiều trâu bò để bán cho chúng đi miền Nam mua đất làm kinh tế mới.

Anh Trường đã đi Nam một chuyến rồi nhưng do không có 20 con trâu để bán như người ta nên đành ngậm ngùi chấp nhận trở lại quê. Nhưng làm ruộng thì chuột phá, làm nương sắn thì lợn rừng phá, nuôi trâu bò thì bị mất trộm nên mỗi năm gia đình anh đói mất 6 tháng, phải vào rừng đào củ mài ăn. Có được cuộc sống như trong mơ hiện nay tất cả đều nhờ những rừng mà mọi người kiên nhẫn trồng rồi chờ đợi trong hơn 10 năm mới cho thu hoạch.

Anh Tô Xuân Trường đang cạo nhựa thông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Tô Xuân Trường đang cạo nhựa thông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hoàng Văn Hải trưởng bản Quầy thống kê, thu nhập trung bình từ rừng của mỗi hộ dân trong bản vào khoảng 300-400 triệu đồng. Rừng chính là niêu cơm Thạch Sanh của cả bản bởi bây giờ không nhà nào còn cấy lúa nữa. Để bảo vệ nồi cơm ấy họ không chặt phá cây ở ven khe, ven suối, tham gia chứng chỉ rừng phát triển bền vững như lời cán bộ kiểm lâm dặn. Ngoài ra, dân bản trong quá trình làm rừng còn kết hợp với bộ đội biên phòng để bảo vệ cột mốc, hộ đổ đường bê tông trên cột mốc.

Nhờ có công giúp dân bản Quầy làm giàu từ rừng mà ông Hoàng Văn Sáu năm 2018 còn được về xuôi dự hội nghị các già làng, trưởng bản tiêu biểu toàn quốc gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Huy hiệu Hồ Chí Minh của cuộc gặp đó vẫn được ông cất giữ cẩn thận trong hộp, thỉnh thoảng lại đưa ra cho con cháu xem như truyền thống cần được tiếp nối.   

Nguồn nhựa thông giúp người dân bản Quầy làm giàu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nguồn nhựa thông giúp người dân bản Quầy làm giàu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nói về sự thay đổi kỳ diệu của một vùng biên, anh Tô Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bắc Xa kể tôi nghe cái tên bản Nà Dác tức bản Đói quê mình khi xưa, nay đã đổi thành bản Hạnh Phúc. “Bản có 14 hộ thì 7 hộ đã đi vào Nam, số còn lại là những hộ nghèo, không đủ tiền đi. Khi biết tôi có ý định đi Nam bố tôi đã không cho bán đất, bán trâu mà khuyên rằng: “Cứ bám đất, bám bản, trồng rừng là kinh tế con ạ”.

Năm 1997 tôi bắt đầu nhận đất trồng rừng và vận động bà con cùng làm theo. 7 hộ dân còn lại của bản được chia trung bình 40-60 ha đất trống đồi trọc. Để giờ đây, về nhựa thông tôi thu được năm cao 150 triệu đồng, năm thấp được 100 triệu đồng, ngoài ra còn hoa hồi cũng được khoảng 60-70 triệu đồng nữa.

Xã Bắc Xa có 20 cán bộ thì 12 người có kinh tế từ đồi rừng, trung bình thu mỗi năm 70-150 triệu đồng. Trên phạm vi cả xã thì thu nhập bình quân năm rồi được 47 triệu đồng/người nhưng nếu tính đủ phải 50-52 triệu đồng/người, 90% nguồn thu từ rừng và vẫn còn 12 hộ nghèo. Trong công cuộc phát triển kinh tế từ rừng, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với UBND xã để tuần rừng, kiểm tra rừng, phòng chống cháy rừng và quy hoạch các loại rừng”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất