| Hotline: 0983.970.780

Những người 'Vô sư vô sách'

Thứ Bảy 03/03/2018 , 08:01 (GMT+7)

“Vô sư vô sách” là câu mà người đời dùng để gọi những người chẳng tin vào bất cứ thứ gì, từ tướng số, bói toán cho đến ma quỷ, thần, phật, thánh... Nghĩa là tất tật những gì thuộc về một “thế giới khác”, ngoài thế giới của con người.

1517892888-463-thumbnil-schem-rticle174822651
Ảnh mang tính minh họa

Anh Tâm là một trong số những người đó. Nghe một người bạn gọi mình thế, Tâm cười:

- Ừ, thì tao vô sư vô sách, nên nếu “quỷ thần có trách”, thì là quỷ thần ngu.

Năm mới, nhắc lại chuyện cũ. Nhân ngày ông Công ông Táo lên chầu trời (23 tháng chạp), trong khi trên báo, trên mạng nhan nhản những bài viết nào khấn ông Công ông Táo thế nào, nào mâm cỗ cúng gồm những gì, nào cúng vào thời gian nào... Trong khi nhà nhà tấp nập mua sắm nào mũ, nào hia, nào quần áo, nào lễ vật... để cúng ông, nhiều nhà đặt những mâm cỗ giá tới cả chục triệu đồng, thì nhà anh không một nén hương. Anh bảo:

- Nếu có thế giới thần linh thật, thì Táo quân được Ngọc Hoàng thượng đế phân công ở trong bếp nhà người ta để giám sát công việc của gia chủ trong năm. Tức là ông ta là một “công chức”. Đã là công chức, thì ông ta phải được Ngọc Hoàng trả lương hoặc ban phát bổng lộc, và việc báo cáo hàng năm là trách nhiệm của ông ta. Ông ta phải tự sắm lấy quần áo để mặc, mũ để đội và phương tiện để lên thiên đình mà báo cáo. Gia chủ việc gì phải sắm đồ cho ông ta, phải làm cỗ để mời ông ta. Đã nhận quần áo, giầy mũ, đã hưởng cỗ bàn, thì liệu ông ta có báo cáo trung thực, khách quan về gia chủ không?

- Sao cả thiên hạ đều cúng, chỉ có anh là không?

- Những người cúng Táo quân hiện nay có hai loại. Thứ nhất là bọn tham quan lại nhũng, làm ăn bất chính. Bọn này thường sắm cỗ rất to, mâm cỗ có khi cả chục triệu đồng, quần áo, mũ, hia có khi vài ba triệu bạc, có ý hối lộ Táo quân, để khi lên thiên đình, ông ấy che giấu giúp cho những việc làm mờ ám, bất chính. Số đông còn lại là cúng theo phong tục từ xưa để lại. Nhà tôi làm ăn ngay thẳng, sống trung thực, tuân thủ pháp luật nên tha hồ cho ông ấy muốn báo cáo thế nào thì báo cáo, tôi cũng không sợ.

Ra tết, người người đua nhau sắm lễ vật đến các đình miếu. Anh cũng đi. Nhưng chẳng đền chùa nào lấy được của anh một nén hương. Đến đâu, anh cũng chỉ lững thững dạo chơi ngắm phong cảnh. Điều anh quan tâm nhất là nghệ thuật kiến trúc các đình chùa, và nghệ thuật thể hiện trong từng pho tượng. Thấy vợ cầm một nắm tiền mệnh giá nhỏ định đặt lên các ban thờ, anh ngăn lại:

- Em hãy cất tiền đi. Nếu có thần thánh thật, thì chẳng lẽ thần thánh của em cũng chỉ ngang với ăn mày thôi hay sao?

- Anh nói cái gì thế?

- Những tờ tiền mệnh giá nhỏ, người ta chỉ dùng để bố thí cho ăn mày, nhưng chẳng hiểu sao người ta lại dùng để đặt lên bàn thờ thần thánh. Em không nhìn thấy cái bà béo núc vừa đi qua đấy à. Bà ta cầm một nắm tiền có mệnh giá nhỏ. Sau khi rải tiền vào tất cả các ban thờ, nhét vào tay từng pho tượng, còn lại mấy tờ. Bà ta quay ra, thấy mấy người ăn mày chìa tay xin, tiện tay bà ta cho họ nốt. Thế tức là thần thánh với ăn mày là một chứ còn gì nữa. Nếu kính trọng thần thánh, thì sao chẳng thấy ai đặt lên ban thờ hay nhét vào tay tượng những “tờ xanh (tờ tiền có mệnh giá 500 ngàn)” hay tờ “cà chua (tờ tiền có mệnh giá 200 ngàn đồng)”?

Rồi anh ngậm ngùi:

- Tại sao chúng ta không học những người thiên chúa giáo. Người thiên chúa giáo đến nhà thờ, chẳng ai mang bất cứ thứ lễ vật gì, ngoài một cây nến, với ý nghĩa là cây nến thắp lên để soi sáng chân lý, soi sáng sự thật. Còn chúng ta thì ngược lại, mỗi người vào đền vào miếu là một con buôn.

- Anh càng nói càng thấy vô lý. Người ta vào đình vào miếu là để cầu thần cầu thánh phù hộ cho mình, chứ buôn bán cái gì?

- Em thấy những người vào đền vào miếu, có ai không đội một mâm lễ trên đầu không? Chưa biết cầu xin cái gì, mà đã có một mâm lễ, tức là hối lộ thần thánh. Thứ hai, em có để ý đến những lời khấn của họ không? Đại ý ai cũng như ai, rằng ngài phù hộ cho con thế này, thì con sẽ lễ tạ thế kia. Đấy đích thực là lời mặc cả của con buôn. Ngài có mất chân giò thì con mới thò chai rượu, chứ đâu phải lời của những người thành tâm lễ bái?

Có lần được một người bạn, giám đốc một công ty cơ khí, mời đi đền bà chúa Kho ở Bắc Ninh. Đến nơi, thấy bạn dâng một cái lễ rất to, xì xụp khấn vái để xin bà chúa cho vay một khoản lớn, anh không nói gì. Đến lúc lễ xong, cùng bạn vào một hàng ăn gần đền để thụ lộc, anh mới hỏi bạn:

- Công ty của cậu có kho hàng, đúng không?

- Tất nhiên là có.

- Thế nếu không có lệnh xuất kho có chữ ký của cậu, mà người thủ kho tự ý xuất hàng trong kho ra cho người khác vay, thì cậu xử lý thế nào?

Anh bạn nhẩy dựng lên:

- Nhẹ thì đuổi việc, còn gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản của công ty, thì đề nghị cơ quan công an truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Ấy đấy. Theo truyền thuyết, thì bà chúa Kho chỉ là một cung nữ triều Lý, được vua Lý giao cho làm thủ kho, trông nom kho gạo của triều đình. Không có lệnh của nhà vua, thì liệu bà có dám xuất kho cho cậu vay không? Cấp dưới làm trái lệnh, ngay đến cậu, chỉ là chủ một doanh nghiệp nhỏ, mà cậu còn điên tiết như vậy, nói gì đến nhà vua. Pháp luật ngày xưa nghiêm khắc hơn bây giờ rất nhiều. Trái lệnh vua là mất đầu, chứ đâu chỉ có đuổi việc hoặc mấy năm tù?

Nghe vậy, anh bạn ngẩn người, rồi lúc sau, gật gù công nhận anh nói có lý.

Những người mà anh ghét nhất là những ông thầy phong thủy. Cứ nhắc đến những người đó, là anh không sao giữ được bình tĩnh:

-T hật không còn gì nhố nhăng hơn. Cổng, cửa nhà người ta đang yên đang lành, chúng nó xui người ta đập ra, rằng phải đặt cổng, mở cửa theo hướng này, hướng nọ. Rồi nào phải kê giường thế này, kê bàn ghế thế kia, thậm chí phải đặt cả cái tủ lạnh trong bếp hướng này hướng kia... thì tiền của mới vào như nước. Nhưng đập cổng, đập cửa ra xoay lại hướng, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của rồi, cũng chẳng thấy ai khá hơn. Nếu chỉ làm những chuyện đó mà tiền vào như nước, thì thiên hạ chẳng cần gì phải lao tâm khổ tứ, chẳng cần gì phải vắt óc ra mà nghĩ trăm cách làm ăn. Và nếu cứ theo cái lý đó, thì bọn ấy đứa nào cũng tiền tấn cả. Vì chúng nó biết rõ hơn ai hết phải mở cổng, mở cửa, đặt đồ đạc trong nhà mình thế nào để tiền vào như nước mà. Nhưng thực tế, tôi chẳng thấy thằng nào giàu, nhiều thằng thậm chí còn nghèo xác. Thế mà chúng nó vẫn cứ đi bịp thiên hạ được.

Được cái, tuy “vô sư vô sách”, nhưng anh Tâm luôn tôn trọng niềm tin của người khác. Không bao giờ anh bài xích những điều mà anh gọi là niềm tin nhảm nhí trước mặt họ.

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?