| Hotline: 0983.970.780

Cây ớt 'bén rễ' cửa gió Tây Bắc

Thứ Năm 13/06/2024 , 07:47 (GMT+7)

LAI CHÂU Ớt là cây trồng ngắn ngày, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Than Uyên (Lai Châu). Cây ớt bước đầu mang lại hiệu quả và thu nhập tốt cho nông dân.

Ông Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên trao đổi kỹ thuật trồng ớt với người dân. Ảnh: H.D.

Ông Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên trao đổi kỹ thuật trồng ớt với người dân. Ảnh: H.D.

Gia đình bà Hà Thị Mai ở thôn Đông, xã Mường Than (huyện Than Uyên) trước đây trồng thử cây ớt khoảng 1.000m2 thấy hiệu quả gấp đôi trồng lúa. Chăm sóc cây ớt không quá tốn công sức, chỉ với khoảng đất nhỏ đã thu được hơn 10 triệu đồng nên gia đình bà đã quyết định mở rộng diện tích trồng ớt lên hơn 1ha.

"Ớt trồng khoảng 5 tháng là cho thu hoạch. Sau khi hết lứa, ớt ra hoa mình bón thúc và tỉa bớt lá để cành bật lộc mới. Nhà tôi đầu tư tưới nước nhỏ giọt, màng phủ để trồng ớt. Do diện tích tương đối rộng, nhà lại neo người nên tôi thuê thêm 4 nhân công theo mùa vụ để làm cỏ, chăm sóc ớt. Thời tiết ủng hộ và năng suất tốt thì 1ha nhà tôi thu về mỗi năm khoảng 200 triệu đồng", bà Mai nói.

Cũng tại xã Mường Than, nhiều hộ dân cũng đã chuyển những diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng ớt. Ớt được hợp tác xã, công ty liên kết bao tiêu sản phẩm nên bà con rất yên tâm sản xuất.

Nông dân Than Uyên phủ luống và tưới nhỏ giọt cho vườn ớt để nâng cao năng suất, giảm công lao động. Ảnh: H.D.

Nông dân Than Uyên phủ luống và tưới nhỏ giọt cho vườn ớt để nâng cao năng suất, giảm công lao động. Ảnh: H.D.

Ông Lò Văn Vượng (HTX Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên) cho biết, HTX hiện có 7 thành viên. Trước đây, HTX trồng chanh leo nhưng vào mùa mưa loại quả này khó kiểm soát chất lượng, khả năng mở rộng không nhiều nên đã quyết định chuyển sang trồng ớt.

"Sau một năm trồng, chúng tôi đánh giá đây là cây có hiệu quả cao. Mỗi cây ớt có thể thu từ 3 - 6kg/vụ. Sản lượng ớt năm ngoái của HTX khoảng 70 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Phần lợi nhuận chúng tôi chưa chia cho các thành viên mà tập trung mở rộng vùng trồng. HTX phát triển theo hướng liên kết 3 bên (doanh nghiệp, HTX và các hộ dân)”, ông Vượng nói. 

Cũng theo ông Vượng, trước đây một doanh nghiệp ở Hải Dương lên Than Uyên khảo sát để xây dựng vùng ớt nguyên liệu, tuy nhiên họ không mặn mà chọn vùng trồng tại đây bởi vận chuyển xa. Tuy nhiên HTX đã nhiều lần tiếp cận với doanh nghiệp đề đạt ý kiến. Thấy được sự nhiệt tình, chăm chỉ lao động của bà con, doanh nghiệp này đã quyết định chọn Than Uyên làm vùng nguyên liệu chính. 

Hiện HTX Nông nghiệp sạch và Dịch vụ nông nghiệp Than Uyên đang liên kết trồng và tiêu thụ hơn 20ha ớt cho bà con nông dân địa phương. So với việc người dân trồng nhỏ lẻ, rủi ro cao khi không có đầu ra thì với việc liên kết, bao tiêu sản phẩm, đã giải quyết được bài toán này. 

“Người dân có đất, bỏ công chăm sóc, không phải lo đầu ra. Cùng với hướng dẫn kỹ thuật, HTX thường xuyên liên hệ với người dân thông qua Zalo để khi ớt có sâu bệnh thì kịp thời can thiệp, xử lý", ông Lò Văn Vượng cho hay.

Cây ớt ở Than Uyên bắt đầu bói quả. Ảnh: H.D.

Cây ớt ở Than Uyên bắt đầu bói quả. Ảnh: H.D.

Theo ông Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, cây ớt phù hợp với đất đai, khí hậu ở địa phương và là cây trồng có giá trị, hiệu quả hơn một số cây trồng khác; thời gian sinh trưởng, cho ra quả ngắn, được thu hoạch lâu dài. Do đó từ năm 2023, cây ớt đã được đưa vào sản xuất tại các xã Mường Than, Phúc Than, Mường Cang… của huyện với diện tích 22,6ha. 

Hình thức triển khai là liên kết, bao tiêu sản phẩm. Các HTX là đầu mối quản lý, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, sau đó bán cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phúc An Phát (Hải Dương) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định. Dự kiến cuối năm 2024, diện tích trồng ớt trên địa bàn huyện đạt khoảng 60ha. 

Ưu điểm lớn nhất của mô hình liên kết là đầu ra sản phẩm ổn định và có giá bảo hiểm sản phẩm. Giá bảo hiểm giúp bà con tối thiểu có thu nhập tương đương bằng công lao động. Còn mức giá thu mua dao động theo giá trị trường, có thời điểm lên đến 35 - 40 nghìn đồng/kg ớt tươi. Công ty có lịch hằng ngày, hằng tuần để thu mua sản phẩm.

"Về kỹ thuật, cây ớt không phải là cây mới nhưng sản xuất có quy mô và có liên kết bao tiêu sản phẩm thì đó là mới. So với phương pháp truyền thống, cây ớt hiện nay được áp dụng tưới nhỏ giọt, phủ màng để giảm công sức lao động và đảm bảo năng suất, giảm chi phí. Bà con chỉ việc canh tác theo quy trình kỹ thuật được công ty, HTX chuyển giao”, ông Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên nhấn mạnh.

Xem thêm
Giá lợn hơi sẽ tiếp tục đứng ở mức cao

Mùa hè, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường giảm do học sinh nghỉ hè, qua đó khiến giá lợn hơi giảm. Nhưng hè năm nay, giá lợn hơi vẫn ở mức cao.

Khánh Hòa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi

Khánh Hòa Kết quả xét nghiệm 2 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn chết tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đều dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm