| Hotline: 0983.970.780

Những tác phẩm không thể nhân bản

Thứ Ba 09/09/2014 , 10:12 (GMT+7)

Người làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn tự hào mình có thể tạo ra những sản phẩm… độc nhất vô nhị.

Thời đại máy móc làm giỏi hơn chân tay, người ta có thể nhân bản hàng vạn sản phẩm giống hệt nhau trong chốc lát. Nhưng với những bức tranh sơn mài vẽ theo lối cổ truyền, có trả bạc tỷ cũng không thể tìm ra cái thứ hai. 

Gọi là làng, nhưng ô tô, xe thồ nườm nượp vào Hạ Thái chẳng khác mấy phố phường. Nghề sơn mài giúp dân làng ly nông nhưng không ly hương, phá nhà ngói dựng nhà lầu. Lớp lớp thế hệ tiếp bước cha ông sinh nghề, tử nghiệp.

Giai đoạn 1960 - 1990, cùng với sự vươn dài ra thế giới của HTX Bình Minh, sản phẩm sơn mài của làng đã “cắm rễ” vào thị trường Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan vỡ, cơ chế bao cấp bị thủ tiêu, người người, nhà nhà thành lập cơ sở SX. Các Cty lớn như Thái Phú Cường, Thành Sơn, An Huy, Hòn Ngọc Viễn Đông, Thanh Hằng… cũng hình thành, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Vũ Huy Mến, 65 tuổi, thành viên Ban Chấp hành Hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái chia sẻ: "Sơn của Việt Nam là thứ sơn độc nhất vô nhị. Nó là nhựa của cây sơn, trồng nhiều ở vùng Phú Thọ. Để lấy được nhựa cây này phải đi vào ban đêm, vì khi mặt trời lên nó không tiết nhựa nữa.

Tiếp xúc với môi trường không khí, màu sắc của nhựa sơn sẽ chuyển từ màu sữa non sang màu vàng như nước dưa muối. Đựng trong thùng từ 3 - 6 tháng, nhựa sẽ phân làm 3 phần màu sắc khác nhau. Phần trên gọi là sơn mặt dầu, màu sậm, không bao giờ khô. 1 kg sơn mặt dầu hòa vào nước lã có thể tạo ra 6 kg sơn thông thường".

Năm 1930 trở về trước, ngành hội hoạ của Việt Nam chưa phát triển. Người ta thường lấy sơn này để sơn nón, thúng, thuyền nan (dùng sơn trộn mùn cưa để bảo quản và ngăn không thấm nước) cho vững chắc. Sau này, người dân mới nghĩ ra cách pha chế với bột màu, hoặc kết hợp với vàng, bạc, khảm trai… để làm sơn các đồ vật trong cung đình như hoành phi, câu đối, ngai vàng hay đồ thờ tự.

Năm những năm 1960, người làng Hạ Thái đưa sơn mài vào dòng tranh nghệ thuật có giá trị mỹ thuật cao. Theo ông Mến, sơn mài có độ bám rất chắc và bền màu với thời gian, nhưng chỉ khô trong môi trường ẩm, nhiều hơi nước. Vào mùa đông tiết trời hanh, nếu không có bí quyết tạo môi trường ẩm ướt thì để 3 - 4 tháng cũng vẫn không khô.

Lối vẽ sơn mài cổ truyền là vẽ dày, nhiều lớp, phủ kín rồi mài để màu sắc sáng dần. Có những bức tranh càng để lâu càng bóng, đẹp. Còn lối vẽ hiện đại (dùng sơn mài nhập ngoại) là lối vẽ mỏng, ít lớp (người ta vẫn gọi là lối vẽ ăn gian, lối vẽ giả cầy), bớt nguyên liệu đi, sắc độ, màu sắc có thay đổi.
Sơn ta đắt gấp trăm lần sơn mới. Ví dụ, một lạng bột màu Trung Quốc chỉ 25 - 30 ngàn đồng, nhưng nếu là bột màu đặc chủng có nguồn gốc tự nhiên phải có giá 3 triệu đồng.

Để tạo ra được một bức tranh sơn mài, người hoạ sĩ phải vẽ nhiều lần, nhiều lớp. Mỗi lớp là một công đoạn khác nhau, cách làm khác nhau và màu sắc khác nhau; phải để khô lớp trước rồi mới vẽ được lớp sau.

Khi phủ kín sơn thì nó có màu đen mịt, nhưng càng mài thì màu sắc hiện ra. Một sản phẩm sơn mài phải mất ít nhất 1 tháng mới hoàn thành. Thậm chí có những bức tranh, người hoạ sĩ phải mất 10 năm mới xong.

Điều đặc biệt ở chỗ, sơn mài không thể vẽ cái sau giống cái trước, cho nên mỗi tác phẩm là một đề tài, không sao chép được. Tranh sơn mài không có gam màu tươi sáng, bao giờ cũng trầm ấm, trong suốt nhưng sâu thẳm, lung linh chứ không hời hợt trơ trơ như mắt ếch.

Vẻ đẹp của nó ẩn hiện từ bên trong, thông qua những lớp màu chồng lấn. Nhiều bức tranh do ông Mến vẽ có giá trị rất cao như “Phiên chợ đồng bằng Bắc bộ” hay “Hội làng Hạ Thái” trên 100 triệu đồng.

Cũng theo ông Mến, một người làm sơn mài thì phải thuần thục tất cả mọi công đoạn, từ pha chế sơn, vẽ bao nhiêu lớp, mài thế nào để có màu sắc bóng, đẹp…; không thể anh cắt vải, tôi may cổ, người kia đơm cúc theo dây chuyền công nghiệp được.

Một tác phẩm sơn mài chỉ có thể kiểm định chất lượng bằng mắt và cái tâm nghề nghiệp. Bởi, một chuyên gia hội hoạ cũng không thể biết sản phẩm này họa sỹ sơn bao nhiêu nước sơn, mà chỉ thấy nó bóng hay không? Đẹp hay xấu. Chỉ có người làm ra sản phẩm mới biết được.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất