| Hotline: 0983.970.780

Những thách thức đang đặt ra cho thủy lợi ĐBSCL

Thứ Hai 10/08/2015 , 22:08 (GMT+7)

Đời sống của đại bộ phận nông dân ở ĐBSCL vẫn chưa được sung túc và đang đứng trước nhiều thách thức mới đòi hỏi cần được nghiên cứu và tập trung nguồn lực để giải quyết.../ 40 năm phát triển thủy lợi ĐBSCL - Những thách thức

Những thách thức đang đặt ra

1- Những năm gần đây, tình trạng ngập úng đã diễn ra ở nhiều thành phố, thị trấn và vùng dân cư ven biển do mưa, thủy triều và lũ nguồn, dẫn đến nhiều khó khăn cho việc cung cấp nước sạch, cho cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông… gây nên những lo lắng, bức xúc cho người dân, nhất là ở các khu vực đô thị; đồng thời Nhà nước và các địa phương cũng đã, đang và sẽ phải chi nhiều khoản ngân sách lớn cho việc đối phó với tình trạng trên. 

Điều này đòi hỏi ngành Thủy lợi cần tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho các cấp chính quyền những giải pháp phù hợp để hạn chế những thiệt hại nói trên.

2- Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Thủy lợi là cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Sau nhiều nỗ lực nhưng đến nay mới có khoảng từ 60 đến 70% dân cư ở các thị trấn, thị xã, thành phố ở ĐBSCL được cung cấp nước sạch.

Trong khi đó, dân cư vùng nông thôn chỉ có nước hợp vệ sinh với tỷ lệ khoảng 40%, chủ yếu được khai thác từ nước ngầm và nước mưa. Khó khăn lớn là việc khai thác nước ngầm thường gặp phải nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Việc khai thác nước ngầm ở nhiều địa phương để sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản, đây là một trong những nguyên nhân làm cho mặt đất bị sụt lún, rõ rệt nhất là bán đảo Cà Mau mặt đất đang bị sụt lún trung bình mỗi năm khoảng từ 2 đến 3 cm.

3- Theo đánh giá của LHQ trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng với tốc độ như hiện nay thì ĐBSCL sẽ bị mất khoảng 40%(6) diện tích đất canh tác vào cuối thế kỷ này nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó ngay từ bây giờ.

Hiện tượng nước biển ngày càng dâng cao cộng với mặt đất một số vùng đang bị sụt lún sẽ làm cho những khó khăn bị cộng hưởng và tăng lên gấp bội, đòi phải có những nghiên cứu chu đáo về nhiều mặt không chỉ cho hôm nay mà phải dự báo được cho nhiều năm sau.

4- Sông Mekong trước khi chảy vào ĐBSCL đã chảy qua 5 nước ở vùng thượng lưu. Trước đây dòng chảy và lượng phù sa hàng năm biến đổi không nhiều, sau nhiều năm khảo sát, chúng ta đã nắm được những quy luật tương đối của nó và đã xây dựng nhiều công trình để ngăn lũ, phân lũ kịp thời, lợi dụng lũ để cải tạo đồng ruộng, rửa mặn, tiêu phèn, tăng nguồn phù sa cho đồng ruộng và canh tác theo mùa vụ phù hợp để không bị thiệt hại vào mùa nước dâng, đồng thời cũng khắc phục được nạn thiếu nước cho các vụ gieo trồng trong mùa kiệt. Song hiện nay và trong tương lai, tình trạng nguồn nước chảy về đồng bằng sẽ có nhiều biến đổi đáng kể do những công trình tích nước và sử dụng nước vùng thượng lưu.

Theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong, do sự phát triển nhanh về công nghiệp và nông nghiệp, các nước vùng thượng lưu như Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia đã và đang xây dựng thêm nhiều hồ chứa phục vụ thủy điện và nông nghiệp; tất cả các hồ chứa ở dòng chính và phụ lưu chiếm khoảng từ 14% đến 17% tổng trữ lượng hàng năm của sông Mekong;

Ngoài ra, còn một số dự án chuyển nước từ sông Mekong sang các lưu vực khác, những dự án này khi hoàn thành sẽ chuyển đi khoảng từ 7 đến 10% lưu lượng nước từ dòng chính. Nhu cầu nước từ các quốc gia vùng thượng nguồn sông Mekong ngày càng tăng nhanh, sử dụng nước năm 2010 so với năm 2000 đã tăng 10,9%, dự báo đến năm 2030 nhu cầu sẽ tăng lên đến 35%.

Những thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái do phát triển sử dụng nước ở vùng thượng lưu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc phòng chống lũ lụt, quản lý nước tưới cũng như hệ sinh thái ở ĐBSCL.

5- Mâu thuẫn giữa yêu cầu cung cấp nước lợ cho nuôi trồng thủy sản và nước ngọt cho sản xuất lúa, vườn cây ăn quả, rau màu… trong thực tế đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai ngành đang là thế mạnh của đồng bằng, cộng với nguồn nước thải công nghiệp và chăn nuôi bị ô nhiễm không được xử lí đã dẫn đến lây nhiễm sâu bệnh cho ruộng lúa, hoa màu và vùng nước nuôi trồng thủy sản. Nhiều cánh rừng phòng hộ, rừng ngập mặn đã được người dân chuyển đổi thành những đầm ao nuôi thủy sản đã làm mất đi hệ sinh thái đa dạng của rừng ngập mặn.

19-08-26_thuy-loi-noi-dong-o-dbscl-nh-le-hong-vu-10

6- Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm ở ĐBSCL đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, công việc này vừa nâng cao hơn giá trị nông sản, vừa giải quyết thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Cần tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện đúng những yêu cầu của quy hoạch, không chạy theo “phong trào” dễ dẫn đến những “khủng hoảng thừa” hoặc “khủng hoảng thiếu” gây đổ vỡ không chỉ đối với người sản xuất mà còn gây khó khăn cho các ngành chế biến và thương mại.

7- Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 17 triệu dân, trong đó có trên 10 triệu người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng phần lớn chưa được qua các trường lớp đào tạo, trình độ văn hóa, dân trí thấp hơn các vùng miền trong cả nước. Nhà nước cần giành một khoản ngân sách để đầu tư cho công tác giáo dục đào tạo, bao gồm giáo dục phổ thông và đào tạo nghề giúp cho người dân nâng cao trình độ văn hóa, có nhận thức cao hơn về sản xuất nông sản hàng hóa, chăn nuôi hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái đa dạng.

8- Các nhà khoa học, công nghệ cần tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức về giữ gìn môi trường đang dần đổi thay do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan để có những định hướng kịp thời trong việc chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, các loại cây lương thực, cây ăn quả, hoa màu… phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, áp dụng các công nghệ tiến bộ, hiện đại hóa công tác thủy lợi, nghiên cứu điều chỉnh hệ thống thủy lợi hiện có để đáp ứng cho các nhu cầu ngày càng cao.

9- Cần có những chương trình nghiên cứu dài hạn về chuyển dịch mùa vụ, cây trồng, vật nuôi để “sống chung với lũ” và tiếp tục phát triển trong điều kiện “biến đổi khí hậu - nước biển dâng”. Trước mắt cần tập trung nghiên cứu xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống đê biển, đê sông; rừng phòng hộ, hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt, hệ thống giao thông thủy bộ, hệ thống tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại và kết hợp đa mục tiêu

10- Các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để phát huy những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lợi thế về nguồn nhân lực, phát huy truyền thống hơn ba trăm năm của các thế hệ cha ông - những người đã đổ nhiều mồ hôi, xương máu để khai phá và gìn giữ “đất phương Nam”.

Bốn mươi năm qua, ngành Thủy lợi không ngừng phấn đấu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL, chúng ta đã làm được nhiều việc mang lại những hiệu quả thiết thực, đồng thời chúng ta cũng có được những bài học kinh nghiệm quý giá. Song, hiện nay vùng đất dễ tổn thương này đang đứng trước những biến đổi mới do thiên nhiên, môi trường và do con người gây ra. Trước những thách thức này, đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, công nghệ ngành Thủy lợi cần có tư duy mới, sáng tạo mới, tiếp tục phục vụ tốt hơn nữa sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL trên một tầm cao mới.

Tài liệu tham khảo

(1)- Đồng bang sông Cửu Long (Bách khoa toàn thư mở: Wikipedia –http//:Wikipedia.org)

(2)- Lịch sử Thủy lợi Việt Nam (Phan Khánh - Chủ biên, NXB Thời đại – 2014)

(3)- Lịch sử Thủy lợi Việt Nam (Phan Khánh - Chủ biên, NXB Thời đại – 2014) (Trang 390)

(4)- Số liệu thống kê 2014

(5)- 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà (GS.TS Võ Tòng Xuân)

(6)- Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường – 2013

(7)- Quản lí tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu – nước biển dâng (PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam)

Tổng cục Thủy lợi

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất