| Hotline: 0983.970.780

Những 'thợ cấy 4.0'

Thứ Tư 22/06/2022 , 17:45 (GMT+7)

Cơ giới hóa khâu gieo cấy với máy cấy, máy sạ cụm, cùng với việc sử dụng giống cấp xác nhận cho sản xuất đã giúp nông dân thay đổi hẳn tập quán sạ dày.

Thợ cấy đi máy bay, ở khách sạn

Bên cánh đồng rộng 5ha ở huyện Gia Lộc (Hải Dương), ông Bùi Quý Ruộng chăm chú nhìn một thanh niên đang cưỡi chiếc máy sạ cụm, đảo qua đảo lại dưới ruộng.

Người đàn ông 58 tuổi, có cái tên đầy chất ruộng đồng, gật gù bảo: “Nhanh, đều, tôi cấy lúa gần nửa thế kỷ rồi mà chịu thua cái máy này. 5ha của tôi mà từ sáng đến trưa gần xong rồi. Tính ra nếu thuê 4 thợ cấy bằng tay thì cũng phải mất 2 ngày. Tiết kiệm đấy!”.

Truyền thông đã góp phần lan tỏa về hiệu quả của chiếc máy sạ cụm, từ đó những 'thợ cấy 4.0' xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng từ Nam ra Bắc. Ảnh: Văn Việt.

Truyền thông đã góp phần lan tỏa về hiệu quả của chiếc máy sạ cụm, từ đó những "thợ cấy 4.0" xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng từ Nam ra Bắc. Ảnh: Văn Việt.

“Thợ cấy 4.0” như cái cách ông Ruộng gọi đùa, cũng họ Bùi (Bùi Đức Nhớ), nhưng quê Quảng Nam. Thanh niên sinh năm 1997 thuần thục lái máy cấy, máy sạ cụm trên cánh đồng mà anh lần đầu tiên đặt chân tới. Hết việc, Nhớ thay luôn bộ đồ nhà nông, mặc quần jeans, áo phông, đi về khách sạn gần đó. Tối đến, có thể một quán cà phê, một quán bia nào đó ở Hải Dương sẽ là nơi ghé chân của Nhớ. Rất khó liên hệ hình ảnh người thợ cấy thời nay so với thời trước, nhất là sau những giờ đổ mồ hôi trên đồng ruộng.

Tiền máy bay đi lại, tiền ăn ở khách sạn... đều được công ty thanh toán. Nhớ bảo, làm nông giờ dùng máy móc nên nhàn hơn nhiều so với thế hệ cha ông. Tuần trước, Nhớ còn đang “biểu diễn” máy sạ cụm, máy gặt, máy cày ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).

Ở miền Nam, có lẽ Nhớ đã đi gần hết các tỉnh miền Tây Nam bộ, vựa lúa của cả nước. Hai năm trước, chiếc máy sạ cụm từng được trình diễn ở Sóc Trăng. Cơ quan chuyên môn đánh giá máy tăng hiệu suất làm việc 40% so với máy cấy, có thể gắn với bất kỳ máy cấy nào đang có trên thị trường. Máy sạ được trình diễn là loại máy 4 bánh tự vận hành, có công suất từ 1ha/giờ.

Máy sạ cụm tăng hiệu suất làm việc 40% so với máy cấy, có thể gắn với bất kỳ máy cấy nào đang có trên thị trường. Ảnh: Trung Chánh.

Máy sạ cụm tăng hiệu suất làm việc 40% so với máy cấy, có thể gắn với bất kỳ máy cấy nào đang có trên thị trường. Ảnh: Trung Chánh.

Máy có 10 hộp đựng hạt giống, tương đương với 10 hàng sạ, khoảng cách sạ 25cm x 14cm. Số lượng hạt giống được sạ ở mỗi cụm từ 2 đến 30, tùy theo người sử dụng. Khi sử dụng máy sạ cụm, hạt giống được gieo trực tiếp lên bề mặt đất, giúp cung cấp tốt oxy cho rễ phát triển mạnh, làm cây lúa không bị đổ ngã.

Không chỉ lái máy sạ cụm, sửa chữa máy, Nhớ còn thành thạo dùng drone (thiết bị bay không người lái) phun thuốc cho cây lúa. Một chiếc drone như thế, công suất bằng 2 - 3 người phun bằng tay, thời gian lại chỉ một buổi cho vài ha.

Khắc phục điểm yếu khâu gieo sạ

Cách đây 4 năm, khi Bộ NN-PTNT tổ chức lễ phát động “Ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy lúa tại các tỉnh vùng ĐBSCL” được tổ chức tại Hậu Giang, nhiều nông dân trong vùng còn rất bỡ ngỡ với chiếc máy cấy lúa và càng xa lạ hơn với chiếc máy sạ lúa theo cụm. Khi ấy, chiếc máy được gọi là máy gieo khóm, không ít người còn lầm tưởng là máy để trồng cây khóm (dứa).

Máy sạ cụm được tích hợp với bộ phận bón vùi phân sẽ giúp giảm đáng kể lượng phân sử dụng và công lao động. Ảnh: Trung Chánh.

Máy sạ cụm được tích hợp với bộ phận bón vùi phân sẽ giúp giảm đáng kể lượng phân sử dụng và công lao động. Ảnh: Trung Chánh.

Họ bỡ ngỡ, xa lạ cũng phải. Vì từ trước tới nay, nông dân ĐBSCL chỉ quen với tập quán sạ lan, mật độ gieo sạ rất dày, lượng giống sử dụng lên đến 150 - 200 kg/ha. Rất ít nông dân tin rằng, khi áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy, lượng lúa giống có thể giảm xuống chỉ còn 80 - 100 kg, thậm chí máy cấy chỉ cần 60 kg/ha, nhưng lúa vẫn trúng mùa. Vì vậy, gieo cấy bằng cơ giới hóa được xác định là khâu yếu nhất trong quy trình canh tác lúa tại ĐBSCL. Các khâu từ làm đất, bơm tưới, chăm sóc đến thu hoạch và sấy khô… đều có tỷ lệ cơ giới hóa rất cao, đạt 80 - 100% thì gieo cấy bằng máy mới chỉ dừng lại ở mô hình trình diễn, đạt chưa tới 1 - 2%.

Tại huyện Giang Thành, một trong những địa phương sớm ứng dụng máy sạ cụm vào sản xuất lúa của tỉnh Kiên Giang, những chiếc máy ở đây luôn phải hoạt động hết công suất mỗi khi vào vụ. Ông Nguyễn Thành Được, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Giang Thành cho biết, 2 chiếc máy sạ cụm đầu tiên được ngành nông nghiệp hỗ trợ cho HTX trên địa bàn, đến nay đã qua 5 - 6 vụ sản xuất. Mỗi vụ, máy vừa gieo sạ cho các thành viên HTX vừa làm dịch vụ được trên 500ha. Nhu cầu của người dân về dịch vụ gieo cấy bằng máy ngày càng nhiều, số thiết bị hiện có chưa thể đáp ứng được.

Nhiều nông dân và lãnh đạo HTX hào hứng tìm hiểu chiếc máy sa cụm do Hàn Quốc sản xuất để mua về ứng dụng trên đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều nông dân và lãnh đạo HTX hào hứng tìm hiểu chiếc máy sa cụm do Hàn Quốc sản xuất để mua về ứng dụng trên đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh.

Một lần, tôi đi viết bài về mô hình máy sạ cụm tại nhà anh nông dân Tô Văn Chiến ở ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, mặc dù đã được gửi định vị địa điểm và số điện thoại chủ nhà, nhưng phải quanh đi quẩn lại mấy lần mới tìm ra cánh đồng nơi chiếc máy đang hoạt động.

Đến nơi, có rất đông bà con nông dân đang đứng quanh bờ xem chiếc máy lao đi trên mặt bùn, nhả lại phía sau những hàng lúa giống đã nảy mầm thẳng tắp. Nhìn cách gieo hạt đều như có bàn tay đặt để của con người, không ít nông dân cả đời gắn bó với cây lúa như không tin vào mắt mình. Khi bài viết được đăng lên, rất nhiều nông dân, giám đốc các HTX nông nghiệp đã gọi điện, hỏi tôi nơi cung cấp chiếc máy sạ cụm để tìm hiểu, đầu tư phục vụ sản xuất.  

Theo ông Được, hiện nay nông dân huyện Giang Thành gieo cấy hơn 29.000 ha lúa/vụ. Trong đó, có khoảng trên 10.000 ha sản xuất giống lúa ĐS1, nông dân sử dụng các biện pháp gieo sạ thưa như máy sạ cụm, máy bay phun hạt, kéo hàng… với lượng lúa giống chỉ từ 60 - 80/kg, diện tích còn lại cũng ở mức dưới 100 kg/ha. Hiệu quả của cơ giới hóa khâu gieo cấy, cùng với việc sử dụng giống cấp xác nhận cho sản xuất, đã giúp nông dân thay đổi hẳn tập quán sạ dày.

Máy sạ cụm có chi phí đầu tư và vận hành thấp, nhưng có được hầu hết ưu điểm của máy cấy lúa, các cây lúa thưa đều và nở bụi rất to, cho nhiều chồi hữu hiệu. Ảnh: Trung Chánh.

Máy sạ cụm có chi phí đầu tư và vận hành thấp, nhưng có được hầu hết ưu điểm của máy cấy lúa, các cây lúa thưa đều và nở bụi rất to, cho nhiều chồi hữu hiệu. Ảnh: Trung Chánh.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, những năm qua, đơn vị đã tích cực chỉ đạo việc thực hiện mô hình cấy lúa bằng máy, sạ lúa bằng máy sạ cụm trong chương trình khuyến nông. Đây là giải pháp giúp giảm lượng giống đáng kể và đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong canh tác lúa gắn với cánh đồng lớn.

Chỉ sau một thời gian ngắn, những chiếc máy cấy, máy sạ cụm đã có mặt ở hầu hết các địa phương trọng điểm về sản xuất lúa của ĐBSCL, được nông dân hào hứng đón nhận. Điều này thực sự đã tạo ra cuộc cách mạng giúp giảm lượng lúa giống gieo sạ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa.

Theo kết quả điều tra mật độ sạ vụ đông xuân 2021 - 2022 tại Kiên Giang cho thấy, nông dân đã có sự thay đổi đáng kể về giảm lượng giống gieo sạ, phổ biến là ở mức 80 - 100 kg/ha nếu ứng dụng cơ giới hóa. Còn nếu áp dụng các biện pháp sạ thưa thì chỉ ở mức 100 - 120 kg/ha.

Giảm hàng loạt chi phí sản xuất

Theo ông Ngô Văn Đây, nguyên Phó Văn phòng Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), hình thức sạ cụm bằng máy cơ giới có lượng hạt giống gieo sạ chỉ 50 - 60 kg/ha, tương đương mức 200 - 240 hạt giống/m2, cho năng suất cũng như hiệu quả kinh tế vượt trội so với cách xuống giống khác trước đây (cấy, sạ hàng, sạ lan…).

Mô hình trình diễn máy sạ cụm do hãng Yanmar sản xuất, giảm tới 50% lượng lúa giống gieo sạ và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với tập quán sạ lan. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình trình diễn máy sạ cụm do hãng Yanmar sản xuất, giảm tới 50% lượng lúa giống gieo sạ và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với tập quán sạ lan. Ảnh: Trung Chánh.

Hình thức sạ cụm cũng đã được Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (chương trình phối hợp giữa Trung trung Khuyến nông Quốc gia và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền) lồng ghép trong kế hoạch thực hiện năm 2022.

Hiện nay, máy sạ lúa theo cụm đang được nhiều doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất, cũng như nhập khẩu từ nước ngoài về phân phối ở thị trường Việt Nam. Máy có dạng nguyên chiếc gồm đầu máy và bộ phận sạ cụm hoặc chỉ là dàn sạ gắn vào đuôi máy kéo, giúp nông dân có nhiều lựa chọn với mức đầu tư khác nhau. Máy do Hàn Quốc sản xuất, được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng nhập khẩu và phân phối nhiều năm qua.

Từ năm 2016, Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã xác định được nhu cầu máy sạ cụm và lợi ích của nó như chi phí đầu tư và vận hành thấp, lại có được hầu hết ưu điểm của máy cấy lúa nên đã thiết kế, thử nghiệm và cải tiến với sự hợp tác của Trường Đại học Cần Thơ. Hiện nay, máy đang được sản xuất và sẽ đưa ra thị trường vào cuối năm 2022. Máy sạ cụm Yanmar ST10V là loại kết hợp với máy kéo được lắp từ những bộ phận gieo riêng biệt.

Mô hình sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm và máy cấy tại tỉnh Hậu Giang giúp nông dân giảm chi phí đầu tư từ 15 - 20%, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 4 - 5 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm và máy cấy tại tỉnh Hậu Giang giúp nông dân giảm chi phí đầu tư từ 15 - 20%, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 4 - 5 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Chánh.

Máy sạ cụm Yanmar đã được thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời cũng như trên ruộng sản xuất của các hộ dân tại huyện Thủ Thừa (Long An); huyện Tri Tôn và Vọng Thê (An Giang) huyện Hòn Đất (Kiên Giang).

Kết quả thực tế cho thấy, sử dụng máy sạ cụm giảm được lượng lúa giống khoảng 50%. Ngoài ra, máy còn giúp giảm được các chi phí sản xuất khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, tăng năng suất, hạn chế đổ ngã, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Khi gieo hạt, nếu được tích hợp với bộ phận bón vùi phân sẽ giúp giảm đáng kể lượng phân sử dụng và công lao động.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.