| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng mỗi năm nhờ giảm giống gieo sạ

Thứ Ba 14/06/2022 , 09:53 (GMT+7)

Kiên Giang Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có diện tích sản xuất lúa lớn nhất trong vùng đã thành công trong việc giảm giống gieo sạ từ 200kg xuống còn 80kg/ha.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang rất mừng vì thực hiện được việc giảm giống gieo sạ giúp tiết kiệm chi phí gần 1.200 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang rất mừng vì thực hiện được việc giảm giống gieo sạ giúp tiết kiệm chi phí gần 1.200 tỷ đồng/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giảm giống gieo sạ từ 200kg xuống còn 80kg/ha

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã gây áp lực cho người nông dân ĐBSCL trong sản xuất lúa, vì vậy các địa phương luôn khuyến cáo bà con nông dân giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành. Trong đó, giảm giống gieo sạ sẽ kéo theo được nhiều thứ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, nước tưới… Hiện nay, Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có diện tích lúa lớn nhất trong vùng đã và đang áp dụng thành công kỹ thuật giảm giống gieo sạ.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang cho biết: Mỗi năm tỉnh Kiên Giang sản xuất hơn 720.000 ha canh tác 3 vụ lúa trong năm. Để giúp nông dân giảm giống gieo sạ Liên minh Hợp tác xã tỉnh kết hợp cùng Sở NN-PTNT Kiên Giang thực hiện nhiều mô hình trình diễn, tư vấn kỹ thuật giúp cho bà con xã viên.

Thay vì trước đây bà con sử dụng lượng giống gieo sạ quá dày từ 200-220 kg/ha, giờ chỉ còn từ 80-120kg lúa giống/ha. Theo đó, đã tiết kiệm chi phí gần 1.200 tỷ đồng/năm từ việc giảm giống gieo sạ trong toàn tỉnh Kiên Giang. Từ việc giảm giống gieo sạ kéo theo giảm nhiều thứ khác, nhưng năng suất lúa vẫn từ bằng đến cao hơn so với tập quán sạ dày từ đó giúp tăng thêm lợi nhuận từ 2-3,5 triệu đồng/ha/vụ. Theo ông Dũng, hiện toàn tỉnh Kiên Giang có 452 Hợp tác xã nông nghiệp với gần 54.000 xã viên. Hiện nay 100% xã viên trong các Hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh đều áp dụng biện pháp kỹ thuật giảm giống gieo sạ.

Anh Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Hợp tác xã có 510ha canh tác lúa 3 vụ/năm, nhiều năm qua xã viên trong Hợp tác xã đều áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “ 1 phải 5 giảm”. Đặc biệt chú trọng ở khâu giảm giống và sử dụng giống chất lượng cao. Đây là khâu quan trọng nhất trong các khâu còn lại vì Hợp tác xã làm lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên phải đảm bảo cả chất lượng và năng suất. Giảm giống đã giúp lúa của các xã viên ít bị sâu bệnh, nhẹ chi phí phân, thuốc. Trung bình năng suất lúa vụ đông xuân đạt từ 950 -1,1 tấn/công, hè thu từ 700 - 800kg/công, lợi nhuận tăng từ 10-15%.

Ông Vũ Hùng Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 5B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang nói: Nhờ tăng cường cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nên toàn bộ diện tích lúa hè thu của Hợp tác xã đạt năng suất trên 6 tấn/ha. 

Giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật 

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết: Nhiều năm qua ngành nông nghiệp tỉnh liên kết với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang thực hiện chương trình kêu gọi giảm giống đã đem lại kết quả tốt từ đó giúp nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận là điều đáng mừng. Qua đánh giá từng mô hình, ruộng mô hình vụ đông xuân sạ dày 200kg giống/ha, cuối vụ số bông cao nhất nhưng các chỉ tiêu rất thấp, năng suất đạt 7,6 tấn/ha.

Còn ruộng sạ thưa từ 80-120kg giống/ha, các chỉ tiêu không có sự chênh lệch nhiều, nhưng năng suất cao hơn ruộng sạ dày 200kg là 0,1 tấn/ha và thấp hơn ruộng cấy 60kg là 0,2 tấn/ha. Điều quan trọng hơn là ruộng lúa cấy và sạ thưa giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 2-3 lần, giảm lượng phân bón, môi trường ít ô nhiễm và hạt gạo làm ra an toàn hơn.

Nhiều nông dân đã áp dụng rất thành công và tính toán chi phí hợp lý nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều nông dân đã áp dụng rất thành công và tính toán chi phí hợp lý nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, những năm qua Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang còn kết hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện nhiều mô hình canh tác lúa thông minh ở các huyện nhằm giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất để giảm chi phí. Nhiều nông dân đã áp dụng rất thành công và tính toán chi phí hợp lý nên đạt hiệu quả kinh tế cao.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Dũng khẳng định mô hình sạ thưa 80kg giống cho lợi nhuận cao nhất, đạt 20-21 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sạ 200kg là 4,45 triệu đồng/ha. Còn ruộng cấy máy dù chi phí ban đầu cao (khoảng 5 triệu đồng/ha, gồm cả lúa giống) nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế tốt.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.