| Hotline: 0983.970.780

Những triệu phú cam

Thứ Năm 10/07/2014 , 10:15 (GMT+7)

Cam là loại cây có múi được nông dân Hậu Giang lựa chọn để phát triển kinh tế vườn do mang lại giá trị kinh tế cao.

Đã có không ít nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ chuyên canh loại cây trồng này.

Chỉ với diện tích vườn 4.000 m2 trồng cam xoàn, mà mỗi năm gia đình anh Dương Văn Do ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, thu được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Anh đang cải tạo mở rộng thêm 1.000 m2 nữa để trồng cam.

Anh Do tâm sự: “Trước đây tôi trồng xen nhiều loại cây như xoài, sầu riêng, cam xoàn nhưng cho thu nhập thấp. Có thời gian tôi phải làm ăn tận Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 2006 tôi trở về quê thì thấy hầu hết những loại cây trong vườn đều cằn cỗi, chỉ riêng cây cam xoàn còn phát triển. Tôi nghĩ đây là loại cây phù với thổ nhưỡng của địa phương nên mạnh dạn cải tạo lại vườn để trồng”.

Nói là làm, sau khi đốn bỏ hết những cây tạp trong vườn, anh Do tiến hành gia cố lại bờ bao, đắp mô (khoảng cách 2,5 m/mô) và mua cây giống về trồng. Những năm đầu anh chăm sóc, bón phân và thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây vào mùa nắng. Khi cây đâm chồi non thì phun thuốc trừ sâu, rầy để hạn chế bị truyền bệnh. Đến năm thứ 3 mới bắt đầu để trái.

Theo kinh nghiệm của anh Do, muốn vườn cây cho trái đúng mùa vụ thì vào khoảng rằm tháng 10 bắt đầu xiết nước, rằm tháng 11 tưới nước trở lại. Chủ động bón phân cho cây 4 đợt/vụ vào thời kỳ 60, 90, 120 và 160 ngày sau khi đậu trái nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng nuôi trái.

Phun thốc trừ sâu khi ra chồi non, trừ bù lạch khi ra nhụy và trái non. Chăm sóc đến tháng 7 âm lịch năm sau thì bắt đầu thu hoạch.

Tại ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành, từ năm 2005 cho đến nay, bà con nơi đây đã chuyển từ trồng lúa, mía và xoài cho thu nhập thấp sang trồng cam sành. Bà Trương Ngọc Điệp, một nhà vườn khá thành công cho biết, khi trồng nên chọn cây giống ghép bo trên gốc cam mật (nếu mặt liếp cao) hoặc gốc chanh (liếp thấp).
Mật độ trồng trung bình 300 cây/1.000 m2. Sau khi trồng khoảng 30 tháng có thể để trái, nhưng tốt nhất là 36 tháng. Trung bình 1 gốc cam sành cho thu hoạch được 4 năm với lượng trái khoảng 120 kg, thu lợi nhuận 2 triệu đ/cây.

Anh Do cho biết, đến nay vườn cam xoàn của gia đình đã được 7 năm tuổi và đã có 3 năm cho thu hoạch trái. Với 550 gốc cam trồng trên diện tích 4.000 m2, năm 2012 anh thu hoạch được 12 tấn, giá bán 20.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 210 triệu đồng.

Năm vừa qua anh bán cho thương lái được 350 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi gần 300 triệu. Vụ cam 2014 chuẩn bị cho thu hoạch, đang hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Tương tự, nhiều nông dân xã Tân Thành, TX Ngã Bảy cũng trở nên giàu có nhờ trồng cam. Anh Lê Phước Hậu ở ấp Đông Bình có 1 ha trồng cam sành năm 2013 doanh thu nửa tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận 350 triệu đồng.

Anh Hậu chia sẻ: “Cũng như nhiều nông dân vùng này, trước đây tôi trồng xoài và mía, 1 ha đất mỗi năm chỉ cho thu nhập được 30 - 40 triệu đồng, nhưng giá cả bấp bênh, lợi nhuận không còn là bao. Chính nhờ trồng cam mà gia đình tôi mới có cuộc sống ổn định”.

Năm 2004, khi nhà nước đầu tư đê bao khép kín, anh Hậu đã mạnh dạn vay 7 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để đầu tư trồng cam. Sau 2 năm cây bắt đầu cho trái, nhưng để tránh cho cây bị mất sức, anh không dám để nhiều nên thu hoạch không được bao nhiêu, chỉ đủ tiền phân, thuốc.

Từ năm thứ 3 trở đi, vườn cây cho thu nhập ngày càng ổn định, thu lợi cả trăm triệu đ/năm.

Theo kinh nghiệm của anh Hậu, trồng cam sành quan trọng nhất là khâu chọn giống và cải tạo đất. Ngoài ra, phải biết cách sử dụng phân, thuốc phù hợp, nên bón phân hữu cơ là chính, còn phân hóa học chỉ sử dụng khi cây ra bông và nuôi trái nhưng liều lượng cần hạn chế.

Đồng thời phải thường xuyên cắt tỉa những cành hư. Trong vườn không để cỏ phát triển quá nhiều nhưng cũng không nên làm sạch nhằm tạo ẩm cho cây.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.