| Hotline: 0983.970.780

Nhuyễn thể của Quảng Ninh đã xuất khẩu trở lại

Thứ Năm 11/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Với những quyết sách kịp thời trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đến nay sản phẩm nhuyễn thể của tỉnh Quảng Ninh đã có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hoạt động kiểm hóa, XNK tại Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nhộn nhịp trở lại. Ảnh: Anh Thắng.

Hoạt động kiểm hóa, XNK tại Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) nhộn nhịp trở lại. Ảnh: Anh Thắng.

Tiêu thụ nhuyễn thể tăng trưởng trở lại

Sau thời gian khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện thị trường tiêu thụ nhuyễn thể của huyện Vân Đồn đã bắt đầu tăng mạnh trở lại. Đây là tín hiệu vui không chỉ với các hộ nuôi mà còn với địa phương và ngành thủy sản.

Tại khu vực nuôi nhuyễn thể của các hộ dân khu vực huyện Vân Đồn những ngày này, không khí ảm đạm của thời điểm bùng phát dịch đã biến mất, hoạt động mua bán ở Cảng Cái Rồng đang rất tấp nập.

Nhuyễn thể là đối tượng thủy sản được Bộ NN-PTNT xác định có vị trí thứ 3 sau tôm và cá tra để đưa vào nuôi trồng, phát triển kinh tế. Với ưu thế có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường, dễ nuôi, sản phẩm dễ bán, sản lượng cao, tỷ lệ sống cao… nên nhuyễn thể được nhiều tổ chức doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đưa vào nuôi trồng và ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ông Phạm Văn Toán ở thôn 9, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn chia sẻ: Tháng 3 trong năm là khoảng thời gian XNK mặt hàng hàu, hà tăng trưởng mạnh, nhưng khoảng thời gian đó hoạt động XK nhuyễn thể tạm thời ngắt quãng khiến người nuôi trồng thủy, hải sản như chúng tôi rất vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mặc dù được sự quan tâm của chính quyền, các doanh nghiệp đã cùng nhau giải cứu sản phẩm của người dân nhưng giá giảm mạnh, đến nay tôi cảm thấy rất vui vì thủy, hải sản của bà con đã được xuất khẩu trở lại.

Theo thống kê của huyện Vân Đồn, tính đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày các hộ nuôi, trồng nhuyễn thể trên địa bàn đều xuất bán ít nhất 140 tấn nhuyễn thể, tăng gấp 3 lần so với tháng 4.

Đặc biệt, đối với hàu Thái Bình Dương tăng lượng xuất bán từ 30 tấn lên 100 tấn/ngày, cao điểm lên tới 120 tấn.

Riêng ngao 2 cùi, thế mạnh của huyện Vân Đồn đã có thể xuất khẩu sang Trung Quốc trở lại từ ngày 10/5, sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT tháo gỡ khó khăn.

Nhờ vậy, nếu như trước đây người dân chỉ sản xuất, tiêu thụ cầm chừng theo các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nội địa, đến nay mỗi ngày có gần 40 tấn ngao 2 cùi được tiêu thụ, chủ yếu là xuất khẩu.

Với tiềm năng lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản, những năm qua các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chú trọng đầu tư và xây dựng mô hình để đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế phát triển mạnh mẽ, đem lại giá trị hiệu quả kinh tế cao.

Hỗ trợ thị trường cho người dân

Theo số liệu thống kê từ các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đúng đầu vụ thu hoạch nhuyễn thể xuân hè của các hộ dân, điều này ảnh hưởng xấu tới tình trạng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Khó càng thêm khó khi phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam khiến sản lượng lớn nhuyễn thể “nằm chờ” thu hoạch, kéo theo sức tiêu thụ nội địa trong lĩnh vực du lịch cũng giảm theo.

Tính đến cuối tháng 3/2020, sản lượng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh ước đạt gần 4000 tấn ngao 2 cùi và hơn 4.500 tấn hàu Thái Bình Dương, tập trung chủ yếu tại ba huyện Vân Đồn, Hải Hà và Quảng Yên.

Cùng thời điểm, một số sản phẩm sẽ vào vụ thu hoạch chính như tôm khoảng 400 tấn, hàu cửa sông 3.000 tấn (tại Quảng Yên) và các loại thủy sản khai thác khoảng 2.500 tấn... Tuy nhiên, không có đầu ra cho sản phẩm, thu hoạch thời điểm trên là điều người dân không mong muốn.

Ngay lập tức, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc, thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, những nỗ lực đã có kết quả.

Cụ thể, tiêu thụ nội địa đạt trên 2.500 tấn ngao 2 cùi (chiếm 62,5% sản lượng cần tiêu thụ, trong đó Vân Đồn trên 2.000 tấn, Hải Hà trên 500 tấn); hàu Thái Bình Dương đạt gần 3.000 tấn (chiếm tỷ lệ đạt khoảng 66,5% sản lượng cần tiêu thụ).

Người dân đã bắt đầu thu hoạch, sở chế nhuyễn thể để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Thắng.

Người dân đã bắt đầu thu hoạch, sở chế nhuyễn thể để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Anh Thắng.

Sở NN-PTNT cũng đã phối hợp với các sở ban ngành liên quan, thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó tập trung hỗ trợ các đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tập trung tháo gỡ khó khăn đối thị trường Trung Quốc. 

Đối với Lối mở Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái) qua cầu phao được khôi phục thông quan từ 25/2, các mặt hàng giới hạn trong thời gian đầu là hoa quả, thủy sản tươi sống, nông sản (trong đó ưu tiên 2 mặt hàng tinh bột sắn, hạt điều); từ giữa tháng 3 đến nay đã thông quan thêm các mặt hàng thủy sản ướp đá và mở rộng các loại nông sản (ớt, hồ tiêu, vừng, lạc).

Nếu như ngày đầu thông quan, lượng bột sắn chỉ đạt 150 tấn/ngày thì từ đầu tháng 3 đến nay đã đạt được 700 - 1.000 tấn/ngày, ngày cao điểm đạt trên 1.500 tấn.

Với những giải pháp tích cực, đột phá, khả năng sẽ tăng được trên 2.000 tấn/ngày nếu như bên Đông Hưng (Trung Quốc) đáp ứng được tiến độ giải phóng hàng. Lượng hoa quả mới chỉ được khoảng trên 10 Cont/ngày, thời gian 10 ngày gần đây tăng lên 20 Cont/ngày, chủ yếu là thanh long. Thủy sản tươi sống có tôm hùm sống, cua sống, cá đông lạnh.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất