| Hotline: 0983.970.780

Niềm riêng 'rét cong từng ngọn lửa tàn'

Thứ Bảy 02/11/2019 , 09:35 (GMT+7)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu của con người càng đa dạng hơn thì tâm tư của con người càng phong phú hơn.

12-07-24_bi_bien_bn_thng_du
Tập thơ “Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu.

Người sáng tác muốn chọn một điểm nhìn để đồng cảm với thiên hạ và để chia sẻ với đám đông, không hề đơn giản. Nhiều cây bút bất lực trước mênh mông thời cuộc, đành chui vào sự ủ dột cá nhân, để than trách thân phận ngọt lạt quẩn quanh vần điệu trầm bổng.

Phùng Hiệu thì khác, anh có riêng một thực tế sống động để tung tẩy những câu chữ trên từng trang đăm đắm lụy phiền trong tập thơ “Biên bản thặng dư” do NXB Hội Nhà Văn vừa ấn hành.

Phùng Hiệu có gì để làm thơ? Có nghề xây dựng! Phùng Hiệu từng xuôi ngược bao nhiêu công trường, trên vai anh có mồ hôi người thợ và trong tim anh có trắc ẩn thi sĩ. Vì vậy, Phùng Hiệu dễ dàng nhận ra nỗi buồn vướng vất giữa không gian yên ắng: “Trong khu rừng già cỗi cơn đau/ Những tán lá cao su ngủ quên trên mái nhà tạm bợ/ Nơi vách tường bằng đất/ Rét cong từng ngọn lửa tàn”.

Nơi ngỡ chừng không có sóng gió gì, cũng chính là nơi chúng ta thường xuyên bỏ quên những ngậm ngùi, những cay đắng, những gắng gượng, những tuyệt vọng của những mảnh đời hiu hắt cam chịu. Phùng Hiệu cho thơ đứng về phía những người lao động nghèo, những người không có khả năng chống đỡ ngang trái éo le, những người góp tay vào quá trình công nghiệp hóa nhưng lại nhận được quá ít từ thành tựu công nghiệp hóa.

Thơ về những con người lấm láp trên công trường, không phải dễ viết. Bởi lẽ, bóng của họ luôn nhòa trong nắng gắt, dáng của họ luôn mờ trong mưa bay. Bởi lẽ, ánh mắt của họ luôn e dè, bước đi của họ luôn vội vã. Bởi lẽ, hạnh phúc của họ luôn mong manh, câu chuyện của họ luôn khuất lấp. Bằng thái độ thiện chí và ấm áp, Phùng Hiệu đứng chung hàng ngũ với họ, Phùng Hiệu hát cùng họ những tiếng ca nghẹn ngào định mệnh trớ trêu. Đây là cái “Tết của người công nhân góa phụ” đắp đổi thiếu hụt: “Đêm giao thừa khói bếp lạnh như đông/ Nhìn lũ trẻ mơ về nhau chiếc áo/ Nơi chái bếp xuân về dăm ký gạo/ Với dưa cà cơm mắm đợi mùa sang”. Đây là nghề “Quét rác” của người phụ nữ khốn khó: “Chị quét mòn phố xá về đêm/ Những bước chân thưa trên con đường chạnh vắng…/ Đến cuối cuộc đời, người ta quét chị ra/ Vì ngỡ rác trong khu nhà ổ chuột!”. Và đây là “Sự mất tích của người công nhân” rơi từ tầng 18 xuống đất, ở một dự án cao ốc đang thi công: “Anh bị xóa tên/ Như chưa bao giờ hiện diện nơi đây/ Như chưa từng điểm danh quá khứ/ Chưa một lần trách nhiệm gọi tên anh”.

Đọc tập thơ “Biên bản thặng dư” của Phùng Hiệu, cảm giác nặng nề khó tránh khỏi. Thế nhưng, qua những câu phẫn nộ lại thấy vẻ đẹp của nước mắt, qua những lời ai oán lại thấy sức mạnh của tình thương. Thi ca sẽ chẳng có giá trị gì, nếu ý tứ không bênh vực nhân phẩm, nếu chữ nghĩa không cổ vũ lẽ phải. Thơ có nhiều cách để dự phần và để tồn tại. Dắt thơ lặn lội qua tăm tối cõi người, để thơ được bật sáng, cũng là một cách thú vị. Và Phùng Hiệu đã chọn lựa cách ấy, để bày tỏ sự thao thức nhà thơ.

(Kiến thức gia đình số 44)

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất