| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình cần chú trọng phát triển toàn diện

Thứ Ba 21/01/2014 , 09:05 (GMT+7)

Ngày 20/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình...

Ngày 20/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Bình, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo báo cáo của Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình. 
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 3 năm 2011-2013 đạt hơn 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với nhu cầu thị trường, trong đó công nghiệp – xây dựng chiếm 46,35%, dịch vụ chiếm 39,6%, nông lâm thủy sản chỉ còn 13,9%.

Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 còn 5,56%. Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, tạo sự chuyển biến toàn diện cả về tư tưởng, tổ chức, cán bộ, bám sát nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, trọng tâm là chỉ đạo khắc phục các yếu kém, khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)...

Nhờ vậy, tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân ổn định, lòng tin đối với Đảng được nâng lên, tạo sự nhất trí trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ninh Bình đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch 13/17 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, tạo niềm tin và khí thế mới trong toàn Đảng bộ và toàn quân, toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. 

Năm 2013, trong điều kiện khó khăn chung, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn đạt trên 15,5 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2012; kim ngạch xuất khẩu tăng 23,6%; doanh thu du lịch đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 15,2%. Ninh Bình được xếp trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới; đã có 3 xã thuộc huyện Yên Khánh được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Toàn Đảng bộ đã kết nạp được 2.268 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên hơn 62.000 đồng chí; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 85%. Chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tỉnh đã bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh gần 30 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đảm bảo mọi người mọi nhà đều có Tết. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những kết quả mà Ninh Bình đã đạt được trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố và tăng cường khối đoàn kết nhất trí.

Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát thấp, Ninh Bình đã có bước bứt phá trong quá trình phát triển đi lên, trở thành điểm sáng kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, Ninh Bình không được chủ quan, cần phát huy truyền thống, kinh nghiệm đã có, đoàn kết nỗ lực phấn đấu, khơi dậy tiềm năng thế mạnh để tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tổng Bí thư lưu ý, trước hết phải nhận rõ vai trò, vị trí của Ninh Bình, một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, diện tích hơn 1.400 km2, dân số trên 98 vạn người, với 3 vùng rõ rệt: đồi núi, đồng bằng và ven biển. Bên cạnh thế mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Ninh Bình cũng là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu di tích Đinh – Lê, Vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch sinh thái Tràng An... thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ.

 Tổng Bí thư chỉ rõ, Ninh Bình cần phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, coi trọng nông nghiệp, lưu ý phát triển công nghiệp, kinh tế ven biển, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ này, đồng thời sớm chuẩn bị hướng phát triển cho nhiệm kỳ tiếp theo.

 Tinh thần chung là bám sát quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, đồng thời bám sát tình hình thực tế để bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp, làm sao tránh xung đột giữa phát triển du lịch và công nghiệp, đồng thời với phát triển nông nghiệp. Yêu cầu chung là phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đồng thời có trọng tâm trọng điểm, tức là tập trung phát triển du lịch dịch vụ theo đúng tiềm năng thế mạnh, đồng thời coi trọng nông nghiệp, công nghiệp sạch, trình độ cao, chú ý đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm môi trường sinh thái. 

Tổng Bí thư chỉ rõ các giải pháp cần tập trung thực hiện là tiếp tục cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm, làm việc tại xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, một xã miền núi nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, trong quần thể du lịch Bái Đính, Tràng An.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đã tập trung chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế. Vốn là một xã nghèo, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đến nay khu vực du lịch - dịch vụ đã chiếm tới 66% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, Gia Sinh đã đạt 17/19 tiêu chí và đang phấn đấu để năm 2014 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.