| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận giữ vững chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Thứ Bảy 04/12/2021 , 14:42 (GMT+7)

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân, chất lượng tiêu chí ở các xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới ở Ninh Thuận luôn được duy trì, giữ vững.

Trên 377 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỉnh Ninh Thuận vẫn đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt kết quả cao. Các ngành, các cấp đã nỗ lực, lồng ghép các nguồn vốn tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn…

Nhờ vậy, chất lượng tiêu chí các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí.

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở NN-PTNT đi thăm cánh đồng sản xuất lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo Sở NN-PTNT đi thăm cánh đồng sản xuất lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động trên 377 tỷ đồng để thực hiện các nội dung của chương trình. Trong đó ngân sách Trung ương trên 6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 94 tỷ đồng, vốn lồng ghép 157 tỷ đồng, vốn tín dụng 96 tỷ đồng...

Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh đã phối hợp cùng các địa phương nhằm tổ chức rà soát, đánh giá việc duy trì, giữ vững chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2020 trở về trước để xây dựng giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí phù hợp với yêu cầu, tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, làng quê của bà con đồng bào Chăm ở Ninh Thuận ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, làng quê của bà con đồng bào Chăm ở Ninh Thuận ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, Sở đã phối hợp cùng các ngành, địa phương để tuyên truyền, vận động thành lập mới 5 Hợp tác xã và ước đến cuối năm sẽ thành lập thêm 1 Hợp tác xã khác để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng mới từ 6 - 7 Hợp tác xã trong năm. Về phát triển Hợp tác xã nông nghiệp điển hình kiểu mới, Ninh Thuận cũng đã chọn được 4 Hợp tác xã đảm bảo đủ điều kiện, đáp ứng tiêu chí tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” để xây dựng.

Trong giai đoạn 2021-2025, để thực hiện chỉ tiêu có thêm từ 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Sở NN-PTNT Ninh Thuận phối hợp cùng các địa phương rà soát, đăng ký 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Mỹ Sơn, Quảng Sơn, Hòa Sơn, Lợi Hải, Phước Minh và đến nay đã có 3 xã hoàn thành, đạt chuẩn gồm: Mỹ Sơn, Lợi Hải và Phước Minh. Các địa phường còn lạu dự kiến về đích vào năm 2022.

Lễ công bố xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới.

Lễ công bố xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong năm 2021, tỉnh Ninh Thuận đã thẩm định và công nhận 2 xã gồm Phước Thuận (huyện Ninh Phước), Thanh Hải (huyện Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, các xã Thành Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm), Tân Hải, Tri Hải, Xuân Hải (huyện Ninh Hải) đang xây dựng hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới và sẽ trình thẩm định trong tháng 12/2021. Còn 2 xã Phước Thái, Phước Hậu không đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, tiếp tục phấn đấu để hoàn thành trong năm 2022.

Còn đó những khó khăn

Theo ông Đặng Kim Cương, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay đó là Chương trình xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp như tỉnh, huyện, xã giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành. Điều này đã gây lúng túng trong việc triển khai, chỉ đạo thực hiện ở các địa phương.

Ngoài ra, nguồn vốn phân bổ từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho Chương trình rất thấp so với nhu cầu (6 tỷ đồng/200 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2021) và chỉ phân bổ vốn sự nghiệp, không có vốn đầu tư phát triển và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Các cháu mầm non được học tập, vui chơi ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp sau Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Các cháu mầm non được học tập, vui chơi ở ngôi trường khang trang, sạch đẹp sau Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn của 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia còn lại năm 2021 không được trung ương phân bổ nên cũng không có nguồn để lồng ghép thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Do nguồn vốn được phân bổ không như kế hoạch đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung của Vhương trình, nhất là về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình OCOP…

"Đặc biệt đến thời điểm hiện nay, Chương trình không được phân bổ vốn đầu tư phát triển dẫn đến không có kinh phí hỗ trợ các địa phương đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng thiết yếu theo kế hoạch. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… cũng hạn chế do sản xuất bị đình trệ, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn", ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận bày tỏ.

Đánh giá việc duy trì, giữ vững chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2020 trở về trước, kết quả cho thấy các xã hiện duy trì được các tiêu chí “cứng” thuộc nhóm I - Quy hoạch và nhóm II - Hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, trường học, hệ thống điện…

Tính đến hết năm 2020, trong tổng số 26 xã đạt chuẩn Nông thôn mới có 24 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó có 2 xã Phước Thuận, Thanh Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao); 2 xã không đạt 19 tiêu chí là xã Công Hải (đạt 18/19 tiêu chí ) và xã Phước Diêm (đạt 17/19 tiêu chí). Đặc biệt, xã Công Hải từ khi áp dụng Bộ tiêu chí mới từ năm 2017 đến 2020, không có năm nào duy trì được 19/19 tiêu chí.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.