| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận: Nhiều phương án sản xuất vụ hè thu

Thứ Ba 11/05/2021 , 09:29 (GMT+7)

Căn cứ tình hình thời tiết, tỉnh Ninh Thuận có phương án sản xuất vụ hè thu linh hoạt, hiệu quả, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp từng xứ đồng.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Ninh Thuận (Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận), hiện nay đơn vị đang quản lý 21 hồ chứa thuỷ lợi, với tổng dung tích thiết kế trên 194 triệu m3 nước. Tính đến đầu tháng 5, lượng nước trong các hồ tại Ninh Thuận còn lại khoảng 86 triệu m3, đạt gần 45% dung tích thiết kế. Đối với lượng nước tại hồ thủy điện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận, hiện còn trên 88 triệu m3/165 triệu m3, đạt hơn 51% dung tích thiết kế.

Nhiều hồ chứa thủy lợi ở Ninh Thuận mực nước đang xuống thấp. 

Nhiều hồ chứa thủy lợi ở Ninh Thuận mực nước đang xuống thấp. 

Theo dự báo của ngành khí tượng, lượng mưa từ nay đến tháng 8 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, thời gian mưa tập trung cuối tháng 5, đầu tháng 6 và tháng 8. Đặc biệt, mưa tiểu mãn khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận cho biết, sau khi tính toán thì nhu cầu nước sinh hoạt khoảng 11,14 triệu m3, trong đó nước hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước chạy máy của Nhà máy thủy điện Đa Nhim 10,24 triệu m3. Còn cấp nước từ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh khoảng 0,9 triệu m3. Đối với cấp nước cho gia súc, gia cầm nhu cầu là 1,41 triệu m3; cấp nước cho dịch vụ, du lịch và công nghiệp khoảng 0,35 triệu m3.

Trên cơ sở nguồn nước hiện có cùng với cân đối phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2021. Theo đó toàn tỉnh gieo trồng 26.146 ha, bao gồm lúa 13.194 ha, cây màu 12.505 ha và nuôi trồng thuỷ sản 446ha.

Theo ông Nguyễn Công Xưng, trong tổng số 26.146 ha cây trồng vụ hè thu thì đơn vị chúng tôi được UBND tỉnh giao đảm bảo nước tưới cho 21.030 ha. Diện tích còn lại không hưởng nước từ các công trình thuỷ lợi lớn được tận dụng từ ao, hồ sông suối và các công trình thủy lợi nhỏ do các địa phương quản lý.

Tuy nhiên căn cứ vào dự báo tình hình khí tượng trong thời gian tới, Công ty Thủy nông Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu linh động, nếu có mưa thì diện tích sẽ mở rộng thêm so với kế hoạch của UBND tỉnh ban hành.

Theo đó, công ty sẽ điều tiết cấp nước cho toàn bộ diện tích đất sản xuất thuộc khu tưới của các đập dâng Sông Pha và Nha Trinh - Lâm Cấm được lấy nước từ hồ thủy điện Đơn Dương theo đúng kế hoạch, với tổng diện tích tưới hơn 14.753 ha.

Đối với 21 hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận sẽ điều tiết nước sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu theo 3 phương án. Phương án thứ nhất, từ nay đến ngày 31/5 nếu không có mưa tiểu mãn, tổng dung tích của các hồ đạt dưới 50% dung tích thiết kế, thì vụ hè thu công ty sẽ điều tiết nước ở 14 hồ để cấp nước tưới cho 6.179,62ha cây trồng.

Phương án 2, nếu từ nay đến 31/5 có mưa tiểu mãn bổ sung lượng nước đến, tổng dung tích hồ chứa đạt trên 50% dung tích thiết kế, thì vụ hè thu công ty sẽ điều tiết nước ở 17 hồ chứa để cấp nước cho hơn 7.658 ha cây trồng.

Tỉnh Ninh Thuận đã lên 3 phương án điều tiết cấp nước sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu.

Tỉnh Ninh Thuận đã lên 3 phương án điều tiết cấp nước sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu.

Phương án 3, nếu từ nay đến ngày 31/5 có mưa tiểu mãn bổ sung lượng nước đến, tổng dung tích của các hồ đạt trên 75% dung tích thiết kế, vụ hè thu công ty sẽ điều tiết cấp nước cho toàn bộ khu tưới của 19/21 hồ chứa (trừ hồ CK7 và Ma Trai) để cấp nước tưới cho hơn 10.217 ha cây trồng.

Ngoài ra, công ty  còn tập trung điều tiết nước cho đập thời vụ và một số trạm bơm trên sông với tổng diện tích là 485,71ha. Khi đó tổng diện tích tưới vụ hè thu của Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận theo phương án 3 đạt trên 25.456ha, nâng diện tích sản xuất toàn tỉnh lên trên 30.000 ha.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận trong vụ hè thu là ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm, nguồn nước cho cây trồng lâu năm. Sau đó, căn cứ diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương để chủ động có phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp tình hình sản xuất cụ thể từng xứ đồng; đồng thời ứng phó với việc sản xuất lệch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Vùng cao thay đổi thói quen thả rông gia súc

Chăn nuôi gia súc có chuồng trại giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh.

Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh trên tôm hùm

KHÁNH HÒA Người nuôi cần tuân thủ điều trị bệnh cho tôm hùm theo đúng phác đồ đã được cơ quan nhà nước công nhận và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm