| Hotline: 0983.970.780

Níu giữ nghề dệt truyền thống Đồng Lương

Thứ Tư 06/12/2023 , 07:59 (GMT+7)

Dệt thổ cẩm Đồng Lương đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, nghề truyền thống địa phương đang đối diện với nhiều khó khăn, thử thách.

Phụ nữ khó lấy chồng nếu không biết dệt

Bà Lương Thị Xuyến nghỉ chức Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) năm ngoái. Tuy nhiên, vì là người có uy tín trong làng, nên lãnh đạo xã vận động bà tiếp tục công tác thêm vài năm nữa.

Ngồi kế bên, cán bộ văn hóa xã Lê Văn Thịnh mách nhỏ vào tai chúng tôi: “Xã động viên bà Xuyến ở lại để vừa thực hiện nhiệm vụ công tác hội, nhưng quan trọng hơn, bà là hạt nhân nòng cốt trong việc khôi phục lại làng nghề dệt truyền thống của người Mường tại xã đã có từ hàng trăm năm nay”.

Ở xã Đồng Lương, bà Xuyến biết dệt thổ cẩm từ năm 13 tuổi và được xem là người am hiểu nhất về nghề truyền thống ở địa phương. Bà Xuyến cho biết, trang phục người Mường ở Lang Chánh, Ngọc Lặc, Bá Thước đều có nét tương đồng và được tạo bởi gần chục món đồ, gồm áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu. Đi kèm là bộ trang sức gồm có hoa tai, vòng cổ, vòng tay... Riêng áo của phụ nữ Mường có nhiều loại nhưng thường là áo khóm, khi mặc vừa chấm eo, áo có thể dùng màu vải xanh lam, hồng, trắng, xanh lơ.

Bà Lương Thị Xuyến lưu giữ hàng trăm mét vải dệt thổ cẩm đã có tuổi đời cách đây mấy chục năm. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Lương Thị Xuyến lưu giữ hàng trăm mét vải dệt thổ cẩm đã có tuổi đời cách đây mấy chục năm. Ảnh: Quốc Toản.

Trong căn nhà khang trang vừa xây cất, bà dành riêng một góc trong phòng khách để trưng diện hàng trăm tấm vải mang đặc trưng của người Mường ở xứ Thanh từ xưa đến nay. Số vải còn lại bà cất giữ cẩn thận trong tủ. Để minh chứng cho lời nói, bà Xuyến nhả vội miếng trầu đã nhạt vị, lom khom vào nhà xách bao tải quần áo cũ to quá khổ người, đặt dưới nền gạch rồi cẩn thận lấy ra từng món đồ được gấp nếp gọn gàng. Bà Xuyến say sưa giới thiệu từng món đồ mang đậm tính đặc trưng của người Mường từ thời bà con xuân sắc cho đến khi tóc đã điểm bạc cho các vị khách.

Bà Xuyến khoe với chúng tôi chiếc váy nhuộm từ cây tràm có tuổi đời mấy chục năm nay. Bà giữ nó bên mình như vật bất ly thân vì đó là của hồi môn mẹ chồng tặng bà khi về làm dâu: “Cả làng này chỉ còn tôi có chiếc váy này. Nếu tìm thấy người thứ 2 có tấm vải này thì tôi chịu thua. Để làm chiếc váy đó, mẹ tôi phải lặn lội lên núi đá mất nửa ngày để hái lá tràm. Lá sau khi lấy về được rửa sạch sẽ và vò nát rồi ủ trong ống nứa hoặc ống vầu từ 3 - 4 tháng. Sau khi nước ngâm lá chuyển thành màu tím đậm mới lấy ra để ngâm vải. Mấy chục năm qua đi, chiếc váy vẫn còn mới như thuở ban đầu”.

Thi thoảng bà Xuyến lại lấy vải ra phơi để tránh ẩm mốc. Ảnh: Quốc Toản.

Thi thoảng bà Xuyến lại lấy vải ra phơi để tránh ẩm mốc. Ảnh: Quốc Toản.

Trong làng, bà Xuyến thuộc dạng lão làng với tay nghề dệt đến mức tinh xảo. Dạo trước, chỉ nhìn lướt qua mẫu, bà có thể dệt cả mét vải trong ngày. Chả riêng gì bà, hầu hết con gái trong làng thời đó đều được bố, mẹ, ông, bà truyền thụ nghề từ khi còn nhỏ.

“Theo phong tục của người Mường, con gái khi lấy chồng phải tự tay dệt từ 6 - 12 món đồ, gồm chăn, quần áo, khăn, gối... để vừa mặc, vừa tặng cho gia đình nhà chồng. Cũng chính vì thế mà lúc bấy giờ những cô gái Mường hầu hết đều biết dệt vải thành thạo. Trang phục truyền thống của phụ nữ Mường hội tụ tất cả sự khéo léo của người con gái Mường, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, thêu thùa và dệt thổ cẩm. Con gái trong làng thời đó không biết dệt thì khó lấy chồng lắm”, bà Xuyến kể.

Chiềng Khạt là một bản người dân tộc Mường ở xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh). Trải qua nhiều thế hệ, nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp mang bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số qua nghề dệt thổ cẩm. Theo chia sẻ từ những nghệ nhân, để có được những tấm thổ cẩm ưng ý phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỷ mỉ, cần cù trong từng chi tiết. Điều đặc biệt để tạo nên thổ cẩm đẹp đó chính là sự công phu qua bàn tay của người phụ nữ nơi đây.

Làng nghề cần trợ lực

Ở bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, con em của đồng bào dân tộc Mường đến tuổi trưởng thành hầu như lựa chọn lập nghiệp hoặc kiếm việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhiều trẻ vị thành niên chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu về nghề nghề dệt thủ công truyền thống của cha ông để lại, nên hầu như họ không quan tâm mấy đến nghề này. Bởi vậy, ở bản, số người theo nghề dệt chủ yếu là người trung niên hoặc tuổi đã cao.

Để khôi phục làng dệt, bà Xuyến cùng cán bộ hội phụ nữ thôn, xã, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động chị em tham gia tổ dệt của bản. Tổ dệt bản Chiềng Khạt xã Đồng Lương thành lập năm 2017, ban đầu có khoảng 30 thành viên và 1 nhóm trưởng quản lý, tiếp nhận đơn đặt hàng từ doanh nghiệp để làm ra các sản phẩm theo yêu cầu. Mục đích của tổ dệt là hướng tới việc bảo tồn, kết hợp lan tỏa văn hóa truyền thống của người Mường tới bạn bè, du khách gần xa và nâng cao thu nhập cho chị em.

Từ khi tổ dệt đi vào hoạt động, một số doanh nghiệp đã đặt hàng, đồng thời quảng bá để tiêu thụ sản phẩm. Từ đó một số mặt hàng chủ lực như váy, khăn, áo, tấm đắp, túi… được tiêu thụ khá nhiều, giúp chị em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.

Các thành viên tổ đều tự bỏ tiền đầu tư khung cửi, sưu tầm, học hỏi, thiết kế mẫu mã. Ngoài các mẫu họa tiết truyền thống, cổ xưa, tổ dệt truyền thống còn tự sáng tạo ra nhiều mẫu hoa văn khác xoay quanh những loài cây, hoa, động vật, phong cảnh, thể hiện đậm nét hóa nét văn hóa của người Mường qua từng nét chỉ dệt. Các mẫu hoa văn thổ cẩm của người Mường là sự kết hợp hài hòa giữa các màu sắc chủ đạo gồm đen, đỏ, vàng, xanh… được đan xen hài hòa, tạo nên những tấm vải mang đặc sắc văn hóa của người Mường Lang Chánh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hiện nay nghề dệt thổ cẩm tại xã Đồng Lương đang đối diện với nhiều khó khăn, thử thách. Dọc thôn Chiềng Khạt vẫn còn lác đác vài khung cửi, nhưng chẳng còn tấp nập như xưa. Nhiều người vẫn mong muốn gắn bó với nghề, nhưng do thu nhập hạn chế, trong khi có thời điểm đơn hàng không đồng đều khiến nhiều người không còn giữ được kiên nhẫn với nghề. Chỉ sau một vài năm, quá nửa số thành viên đã nghỉ để tìm kiếm việc làm mới.

Chị Phạm Thị Chiến kiếm thêm thu nhập từ dệt thổ cẩm mỗi khi nông nhàn. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Phạm Thị Chiến kiếm thêm thu nhập từ dệt thổ cẩm mỗi khi nông nhàn. Ảnh: Quốc Toản.

Phòng khách của gia đình chị Phạm Thị Chiến chất đống hàng chục bao tải lúa, bên cạnh là khung cửi dệt. Buổi sáng, chị Chiến ra đồng lo việc đồng áng, tối đến tranh thủ dệt vải kiếm thêm thu nhập. Người phụ nữ trung tuổi là một trong số ít học viên xuất sắc được chọn vào nhóm dệt sau khi được đào tạo bài bản. Nhưng với thu nhập hạn chế, trong khi công sức, thời gian bỏ ra nhiều khiến chị không thể dành hết thời gian, tâm trí cho nghề.

“Một mét vải dệt thủ công chúng tôi được trả công hơn 100 nghìn đồng. Ai khéo léo, nhanh tay thì một ngày chỉ dệt được tầm 30 - 40cm vải. Tính ra một ngày mỗi người chỉ nhận được vài chục nghìn tiền công. Thu nhập thấp nên nhiều người cũng không mấy mặn mà”, chị Chiến chia sẻ.

Bà Lê Thị Tiền, tổ trưởng tổ dệt xã Đồng Lương cho biết, mong muốn của nhóm dệt là được đầu tư, mở rộng quy mô, có không gian trưng bày sản phẩm, tại các điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Có như vậy hoạt động sản xuất, trình diễn và mua bán thổ cẩm mới trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của cộng đồng, từ đó chị em mới có thêm thu nhập và gắn bó với nghề.

“Bây giờ dệt thủ công khó cạnh tranh với dệt công nghiệp. Vải vóc dệt công nghiệp được con buôn bán tràn lan, bắt mắt, được khách hàng ưa chuộng, nên nghề dệt thủ công khó cạnh tranh nổi với họ. Mặt khác, nhiều khi đơn hàng không đều, nên thu nhập của chị em còn hạn chế. Dù thu nhập thấp, nhưng một số chị em xác định gắn bó với nghề dệt truyền thống vì mục đích cao cả hơn là truyền dạy cho thế hệ sau về nghề truyền thống của tộc Mường. Nếu chỉ làm để kiếm tiền chắc nhiều người không đủ sức theo”, bà Tiền chia sẻ.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm