| Hotline: 0983.970.780

Chuyện bắt vợ của người Lào

Chủ Nhật 29/09/2019 , 07:10 (GMT+7)

Khi mùa vụ đã gặt xong, những đợt gió heo may từ phương Bắc tràn về khiến lũ trẻ chăn trâu đốt rơm hun chuột và sưởi ấm trên khắp cánh đồng, đàn ông lên rừng kiếm củi, phụ nữ mang khung cửi ra dệt vải và nhồi đệm bông lau chuẩn bị đón Tết.

Đấy là khi mùa bắt vợ của dân tộc Lào đã đến, mùa bắt vợ từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 2 âm lịch, tục bắt trộm vợ của người Lào đã có từ bao đời nay…

10-31-45_1
Dòng Nậm Mu trước bản Phiêng Hào.

Tôi bàng hoàng khi nghe tin ông Lò Tiến Ban dân tộc Lào bản Phiêng Hào, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu mất. Vừa hôm nào tôi còn ngồi uống rượu với ông, vậy mà giờ ông đã thành người thiên cổ. Tuy vậy, những câu chuyện của ông kể cho tôi nghe về dân tộc Lào và tục bắt vợ thì tôi vẫn còn nhớ như in.

Đã lâu lắm tôi mới được ngồi uống rượu với, nên ông bảo phải uống thật say, uống hết đêm, chưa say chưa về. Ông kể cho tôi nghe về cuộc thiên di của dân tộc Lào, trước đây có nguồn gốc ở phía Nam Trung Quốc, qua những cuộc chiến tranh sắc tộc một bộ phận di cư xuống Bắc Lào, một bộ phận di cư xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam, còn một bộ phận khác di cư ra đảo Hải Nam. Các cụ kể lại, gia tộc chúng tôi trước đây ở đảo Hải Nam, sau đó di cư vào đất liền trên 7 chiếc thuyền gỗ, với 5 dòng họ, nhưng bị gió bão đánh đắm 4 thuyền, nên chỉ còn lại 3 thuyền cập được vào bờ. Chẳng biết vì sao họ lên được tới Phong Thổ, rồi xuôi dòng Nậm Mu về cư trú tại đây.

Theo Lò Xôm Hải, hiện đang là phó Chủ tịch xã Mường Khoa anh cũng là dân tộc Lào người bản Phiêng Sản cho tôi biết: Xã Mường Khoa có hơn 500 hộ người Lào sống dọc suối Nậm Mu ở các bản Nà Cại, Nà Còi, Phiêng Hào, Nà Nghè, Phiêng Sản, Nậm Cung 2, Phiêng Xe với khoảng trên 2.500 khẩu. Ngoài ra ở xã Phúc Khoa (tách ra từ xã Mường Khoa) còn có một bản người Lào, đó là bản Co Ngựu có vài chục hộ.

10-31-45_2
Thiếu nữ Lào.

Khuya lắm rồi ông Ban vẫn say sưa kể về dân tộc mình, ông rót thêm rượu vào chén của tôi, thì bất chợt nghe tiếng chân chạy rầm rập, tiếng người nói rất to, tiếng xe máy gầm rú chạy ràn rạt trên con đường phía sau nhà, ánh đèn xe loang loáng cắt đứt câu chuyện của tôi với ông. Vợ ông chạy vội xuống sàn, nghe tiếng người nói lao xao, một lúc sau bà quay lại bảo: Người ta đến bắt trộm vợ, không biết người bản nào đến bắt… Ông Ban cười bảo: Bây giờ đang là mùa đám thanh niên đi bắt trộm vợ, hồi đầu năm bản Phiêng Hào có gần chục đứa con gái bị bắt. Ngày xưa anh đi ở rể, còn bây giờ đám thanh niên không muốn ở rể thì đi bắt trộm vợ thôi…

Để hiểu thêm tục bắt trôm vợ, tôi theo Lò Xôm Hải về bản Phiêng Sản quê anh, Chúng tôi rẽ vào nhà Lò Văn Đôi ở ngay đầu bản, Hải chỉ người đàn ông đang ngồi chống cằm trước sân nhà Đôi, gương mặt buồn rầu ngóng về con đường sau núi hun hút gió: Đây là anh Lò Văn Sòi, con gái anh ấy tên là Lò Thị Đôi bị thằng Lò Văn Phôm ở bản Co Ngựu bắt trộm về làm vợ đêm qua…

10-31-45_3
Đường vào bản Phiêng Sản.

Tối qua Sòi đi uống rượu ở nhà bạn, say quá khuya mới về tới nhà, anh vừa chợp mắt thì nghe nhiều tiếng người nói ngoài đầu sàn, hình như mọi người đang giằng co nhau cái gì đó, một lúc sau thì nghe bốn năm cái xe máy cùng nổ, chạy như rồ dại lên con đường trên núi.

Vợ anh là Lò Thị Pheng giật mình trở dậy, chị ra ngoài sàn ngó lên đường rồi quay vào vén màn nơi con Đôi ngủ, nhưng không thấy Đôi ở đó. Pheng lay Sòi dậy: Con Đôi nhà mình chắc bị người ta bắt về làm vợ rồi. Sòi nhỏm dậy hỏi: Ai bắt nó? Vợ Sòi lắc đầu, chỉ con đường men theo sườn núi: Không biết, chắc không phải là người trong bản mình. Buổi tối tôi nghe có tiếng người gọi, nghĩ bạn nó rủ đi chơi, ai ngờ nó rủ con mình ra khỏi nhà để bắt trộm về làm vợ…

Sáng ra vợ chồng Sòi mới được mọi người quanh đó cho biết, đêm qua hơn chục thanh niên bản Co Ngựu đi trên 6 chiếc xe máy đến bản Phiêng Sản, mọi người nghĩ thanh niên bản nọ đến chơi bản kia là chuyện bình thường, ai nghĩ họ đi bắt trộm vợ đâu. Bây giờ Sòi đã hiểu những gì đã diễn ra đêm qua, anh đang đợi tin từ phía bản Co Ngựu.

Thấy Sòi cứ ủ rũ bên chiếc điếu thuốc lào, Lò Văn Đôi cười bảo tôi: Vợ thằng Sòi cũng là người Co Ngựu đấy, nó có chịu đi rể đâu, cũng bắt trộm vợ nó về đấy chứ…Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Thật à, ngày trước Sòi cũng đi bắt trộm vợ à? Sòi gật đầu xác nhận, anh nhệch miệng cười như mếu rồi liên tục rít thuốc lào, giọng khàn khàn: Ngày xưa mình yêu cô ấy, cô ấy cũng yêu mình, thế mới bắt trộm được nó về làm vợ chứ…

10-31-45_4
Lò Văn Sòi có con gái là Lò Thị Đôi bị Lò Văn Phôm bắt làm vợ.

Nghe vậy, Lò Văn Đôi cười an ủi: Chúng nó yêu nhau mới chịu để người ta đến bắt về. Ngày trước mày đi bắt vợ cũng thế thôi, vợ mày có yêu mày mới chịu ra ngoài nhà cho mày bắt chứ? Nghe mọi người nói, mày cõng nó chạy ra đường rồi đưa lên ngựa bắt nó về đây. Vợ mày không chịu, nó giãy giụa mấy lần suýt rơi xuống vực, gần sáng mới mang được nó về bản, có đúng không? Sòi gật đầu.

Đôi rót cho tôi chén nước thành thật: Chú ạ, vợ mình cũng là người Co Ngựu cùng bản với vợ thằng Sòi đấy. Thằng Sòi đi bắt vợ còn mượn được ngựa, anh em nhà nó có ngựa mà. Còn mình thì phải cõng, mình cõng cô ấy ra ngoài, nặng bỏ cha, cô ấy lại giãy không chịu đi, thực ra thì cũng muốn đi rồi, nhưng mà cứ giãy. Mấy người giúp mình vừa xốc nách vừa đỡ vai, cõng ra tới đầu bản thì mệt quá không đi được nữa, cô ấy hỏi: Không cõng được nữa à, để tôi đi bộ về nhà anh hay sao? Mọi người thay nhau cõng, về tới suối Hô Be thì chẳng ai còn sức để cõng nổi cô ấy qua suối nữa, bọn mình phải chặt cây làm cáng. Ngồi trên cáng cô ấy vẫn còn giãy, mình bảo: Cô giãy ngã xuống suối không ai vớt lên đâu…

10-31-45_5
Lò Văn Đôi (phải) bắt Lò Thị Pỏm làm vợ, giờ đã có đàn con cháu.

Nghe Đôi kể lại chuyện đi bắt vợ, vợ Đôi là Lò Thị Pỏm cười: Anh này thích cháu quá, đêm nào cũng đến chơi. Cháu bảo: Anh thích tôi, sao không bắt về đi, thế là đêm sau anh ấy rủ người tới bắt luôn. Mới đầu cháu không thích anh ấy đâu, nhưng mà anh ấy thích cháu quá, nên đành ở lại làm vợ anh ấy thôi…

Khi đi bắt vợ, người con trai và người con gái phải yêu nhau, không yêu nhau thì không thể bắt được, nếu cô gái không yêu khi bắt về cô ấy không chịu, cứ kêu khóc mãi, buộc người con trai phải thả cô ấy về nhà mình. Trước khi đi bắt vợ, nhà trai phải họp bàn anh em trong gia đình về người con gái mình bắt. Tất cả mọi người trong gia đình đồng ý thì mới tổ chức bắt.

10-31-45_6
Chàng trai cùng cô vợ bị bắt về nhà vợ thông báo chuyện bắt vợ của mình.

Đêm trước đi bắt vợ, người con trai ngầm báo cho cô gái biết đêm sau sẽ đến bắt cô về làm vợ. Phải đợi đến khuya mới bắt, khi mọi người đã đi ngủ cả, người con trai ám hiệu gọi cô gái ra ngoài sàn, có thể là thổi sáo hoặc tiếng chim hót, bây giờ là nháy điện thoại di động…khi cô gái ra khỏi nhà, người con trai kéo đi, nếu cô gái không chịu đi thì chàng trai phải cõng, cõng không được thì mọi người xúm vào khiêng. Những người đi bắt giúp, họ đến chơi ở những gia đình bên cạnh, khuya họ mới ra về đứng đợi ngoài đầu bản chờ ám hiệu của chàng trai.

Trước đây thì cõng hoặc khiêng, đường xa, nhà có ngựa thì lấy ngựa chở cô gái về, bây giờ có xe máy thì dùng xe máy để chở cô gái, nhưng phải có người ngồi kèm phía sau, phòng cô gái chạy trốn trở về. Khi đưa cô gái về tới nhà trai, họ đã chuẩn bị một căn buồng cho cô ấy vào trong đó, mọi người bắt gà mổ uống rượu ăn mừng “chiến thắng”.

10-31-45_7
Bữa cơm nhà trai đãi nhà gái thông báo việc bắt vợ.

Gia đình cô gái có thể biết con gái mình bị ai bắt trộm ngay đêm ấy, có nhà chỉ biết chàng rể sau 3 ngày khi nhà trai mang gà và rượu đến thông báo cho gia đình nhà vợ biết. Hai gia đình uống rượu, bàn bạc chuyện cưới xin cho đôi vợ chồng trẻ. Hôm đó, đôi trai gái ấy cùng về, họ mổ gà làm cơm để hai gia đình ăn uống bàn bạc. Người được mời đến, phía nhà gái gồm những người lớn tuổi trong họ tộc, phía nhà trai có bố của chàng trai và những người anh em ruột thịt…

(Kiến thức gia đình số 39)

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.