| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực bảo vệ an toàn hồ đập: Khởi động 'đại dự án' sửa chữa hồ đập

Thứ Hai 04/07/2016 , 06:01 (GMT+7)

Một “đại dự án” về sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập (WB8), với nguồn kinh phí 443 triệu USD, phạm vi “phủ sóng” 34 tỉnh trong cả nước, chủ yếu sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được Bộ NN-PTNT khởi động tại Hà Nội.

“Mặc áo giáp” cho 450 công trình cấp bách

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, từ năm 2012 đến nay, vấn đề đảm bảo an toàn hồ đập bắt đầu “nóng” lên, kể cả nghị trường Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương hoàn thiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

11-07-57_1
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội nghị Khởi động dự án WB8

 

Theo đó, mục tiêu của dự án là cải thiện an toàn hồ chứa và các công năng thiết kế của hồ chứa thông qua sửa chữa, nâng cấp, trang bị quan trắc, lập kế hoạch vận hành và bảo trì. Đồng thời, tăng cường thể chế về quản lý an toàn đập, hoàn thiện, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý lũ ở cấp lưu vực và cơ chế phối hợp vận hành hồ chứa thông qua cải thiện năng lực dự báo, xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp và đào tạo tăng cường năng lực.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT vừa khởi động dự án “Sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập” (dự án WB8) nhằm hỗ trợ Chương trình. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chia sẻ: “Mới đầu dự thảo dự án, Bộ NN-PTNT cũng không dám mơ về một nguồn vốn quá lớn nên đặt mục tiêu cố gắng đạt được 250 triệu USD. Nhưng rất may, bà Victoria Kwakwa (khi đó là Giám đốc WB tại Việt Nam) đã chủ động kiến nghị tăng nguồn vốn ưu đãi lên trên 400 triệu USD”.

Theo tài liệu chính thức về dự án mà PV Báo NNVN nhận được, tổng mức đầu tư của dự án là gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 425 triệu USD; vốn đối ứng trong nước là 630 tỷ đồng, tương đương 28 triệu USD. Thời gian thực hiện đự án từ năm 2016 - 2022.

Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, dự án này không chỉ sửa chữa, nâng cấp cho 450 hồ đập có nguy cơ mất an toàn tại 34 tỉnh, thành trên cả nước. Nó tiếp cận theo một cách làm bài bản hơn, đó là nâng cao năng lực quản lý vận hành cho tất cả các địa phương (tức là có cả giải pháp phi công trình) bằng cách trang bị, hỗ trợ dự báo, giám sát và vận hành hồ chứa.

Khoảng 182.000ha đất nông nghiệp đảm bảo đủ nước

Ông Achim Fock, Giám đốc WB tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia có mạng lưới hồ đập lớn nhất thế giới. Mạng lưới đó đã và đang hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là những người nông dân sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, giúp họ bảo vệ sinh kế và phát triển sản xuất.

Chúng ta biết rằng, Việt Nam là quốc gia rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu do đặc điểm địa hình cũng như địa lý. Chính vì thế, những thất bại về an toàn đập, hồ chứa sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong vòng 5 năm qua, khoảng 30 hồ đập bị hư hại và gây ra nhưng thiệt hại lớn về con người và kinh tế. Tổn thất bởi những thiên tai và hư hại của hồ đập gây ra lên tới 18,7 tỷ USD (từ năm 1995 - 2002).

450 hồ đập cần sửa chữa được liệt kê vào danh sách của dự án, 3,5 triệu người dân phụ thuộc vào các công trình này. Dự án cũng huy động một đội ngũ đông đảo các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật quốc tế có nhiều kinh nghiệm tham gia, từ đó tăng cường năng lực và thể chế bền vững trong quản lý, bảo vệ an toàn đập.

Tại hợp phần 1 (khôi phục an toàn hồ đập), thực hiện dự án này, các đập có nguy cơ sự cố cao sẽ được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp để khôi phục các nhiệm vụ theo thiết kế, tăng cường ổn định, đảm bảo thoát lũ và giảm thiểu rủi ro, nâng cao mức an toàn, được xác định bằng chỉ số rủi ro trước và sau dự án. Đồng thời, một số đập lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng được lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp.

Khoảng 718 hồ chứa thủy lợi được thiết lập hệ thống giám sát, hỗ trợ vận hành và cảnh báo lũ. Khoảng 4,1 triệu người và 182.000ha đất nông nghiệp được hỗ trợ bảo đảm cung cấp nước. Ngoài ra, dự án cũng thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) và triển khai thực hiện các hoạt động M&E hàng năm trong quá trình thực hiện dự án.

Tại hợp phần 2 (quản lý an toàn hồ đập), dự án trang bị thiết bị giám sát, vận hành liên hồ chứa và cảnh báo thiên tai trên các lưu vực; trang bị công cụ hỗ trợ cho các đơn vị quản lý an toàn đập; cải thiện thể chế và chính sách an toàn đập; hỗ trợ kỹ thuật kiểm tra, giám sát an toàn đập và đào tạo, truyền thông nâng cao năng lực và kỹ năng ứng phó với sự cố đập và rủi ro thiên tai.

11-07-57_2
Thi công công trình hồ chứa Nước Trong (Quảng Ngãi) phục vụ tích nước chống hạn cho vùng hạ du (6/2015)

 

Ông Phạm Hùng Cường, Đội trưởng dự án của WB cho biết, dự án được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam. Đích thân nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo hướng triển khai dự án là giao vốn cho các địa phương chủ động thực hiện. Các tỉnh cố gắng không lập các BQL dự án mới (trừ các địa phương chưa có), mà sử dụng và hoàn thiện các BQL dự án hiện có, hoàn thiện thêm để đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao.

Dự án cũng đưa ra một cách làm mới, đó là xây dựng một khung an tòa đập để sàng lọc các công trình cấp bách cần ưu tiên sửa chữa, nâng cấp và xác định được rủi ro là gì để đưa ra những giải pháp kỹ thuật phù hợp.

Thiết lập đa dạng cơ chế chống tham nhũng

Theo đại diện Bộ Tài chính, đây là dự án đầu tiên phía Việt Nam thực hiện vốn vay nước ngoài áp dụng cơ chế tài chính cho các địa phương vay lại và số lượng tỉnh trong dự án lớn nhất từ trước đến nay.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có 2 công văn gửi các tỉnh tham gia dự án đề nghị gửi hồ sơ về việc thẩm định khả năng trả nợ. Nhưng đến nay còn 7 tỉnh chưa gửi hồ sơ. Đề nghị các tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ để dự án sớm có hiệu lực và giải ngân đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Hồng Phương, Q. Trưởng ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, chủ dự án, nhận định: "Kết quả của dự án sẽ góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề về an toàn đập, các vấn đề về vận hành quản lý hồ chứa, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, hệ thống giám sát, cảnh báo và cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thiên tai".

Để chống tham nhũng và kịp thời giải quyết khiếu nại về các hành vi tham nhũng, Bộ NN-PTNT đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam minh bạch hóa và công khai các báo cáo tài chính của toàn dự án cũng như các đơn vị thực hiện lên một trang web; đồng thời thành lập một đường dây nóng tại các BQL dự án cho bất kỳ cá nhân nào kiếu nại. Số đường dây nóng sẽ được ghi rõ, nổi bật trong hồ sơ mời thầu cũng như trên các bảng thông báo tại văn phòng chủ đầu tư.

Dự án cũng xem xét để mở rộng hoạt động này tới các tin nhắn SMS. Trong suốt quá trình khiếu nại, danh tính của những người cung cấp thông tin sẽ dược đảm bảo giữ bí mật. Sau khi nhận được báo cáo, WB có quyền tiến hành điều tra và áp dụng hướng dẫn về gian lận, tham nhũng nếu thấy thích hợp.

+ Ngoài hai hợp phần khôi phục an toàn đập và quản lý an toàn đập, dự án còn hai hợp phần bổ sung đó là quản lý dự án. Theo đó, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả hỗ trợ thực hiện dự án và giám sát độc lập của bên thứ ba; kiểm tra dự án; đào tạo năng lực quản lý dự án cho các chủ đầu tư, BQL dự án cấp Trung ương và cấp tỉnh trong và ngoài nước; cung cấp các trang thiết bị, tài chính, hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

+ Thực hiện dự án này, các địa phương chịu trách nhiệm bố trí 100% vốn đối ứng (khoảng 6,3%) cho tiểu dự án. Yêu cầu phải bố trí đầy đủ và kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vốn đối ứng dành cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn vật nổ và các hoạt động khác không sử dụng vốn WB.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Bình luận mới nhất