| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới - động lực phát triển vùng biên

Nỗ lực đưa các xã biên giới về đích

Thứ Bảy 08/07/2023 , 17:04 (GMT+7)

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đặc thù biên giới, kinh tế xã hội Tây Ninh chỉ thực sự phát triển khi bắt tay xây dựng NTM.

Đổi thay căn cứ ‘R’ trái tim Cách mạng

48 năm sau chiến tranh, từ huyện biên giới nghèo, Tân Biên - căn cứ ‘R’ trái tim của Cách mạng từng làm kẻ thù khiếp vía, nay không ngừng thay da đổi thịt nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một góc trung tâm xã Tân Lập hôm nay.  Ảnh: Lê Bình.

Một góc trung tâm xã Tân Lập hôm nay.  Ảnh: Lê Bình.

Tân Biên có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc thù với 93km đường biên giới, trong số 10 xã, thị trấn của Tân Biên có 3 xã biên giới tiếp giáp với 8 xã thuộc 4 huyện, 3 tỉnh với Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn huyện có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 1 cửa khẩu phụ.

Dưới sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, KT-XH của Tân Biên đã và đang đạt những thành tựu quan trọng.

Hệ thống đường giao thông, công sở, bệnh viện, trường học được xây dựng khang trang. Diện tích sản xuất nông nghiệp được phủ xanh bằng những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao… đã từng bước thay đổi diện mạo huyện biên giới, đời sống nhân dân Tân Biên nâng lên rõ rệt.

Về Tân Lập - một trong những điển hình về xây dựng nông thôn mới của Tây Ninh vào những ngày này, khi những ruộng lúa, ngô, vườn cây ăn trái đang vào mùa thu hoạch chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi của người dân nơi đây khi vừa được mùa được giá. Niềm vui nhân đôi khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây chuẩn bị đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới nâng cao, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những bước đổi thay của vùng an toàn khu, căn cứ cách mạng năm xưa.

Trường tiểu học Tân Lập được công nhận trường chuẩn quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Trường tiểu học Tân Lập được công nhận trường chuẩn quốc gia. Ảnh: Trần Trung.

Đến thăm vườn mít Thái siêu sớm của anh Nguyễn Văn Trường, ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập đang vào vụ, không giấu được niềm vui khi xã nhà được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, anh Trường chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới Tân Biên, hơn ai hết, anh đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này.

Theo anh Trường, trước đây anh chủ yếu canh tác lúa và hoa màu. Từ khi có chương trình nông thôn mới, đường sá cũng như các công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư, người dân nơi đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước hình thành các vùng chuyên canh, tạo thương hiệu cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vườn mít của anh Nguyễn Văn Trường ở ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập. Ảnh: Lê Bình.

Vườn mít của anh Nguyễn Văn Trường ở ấp Tân Đông 1, xã Tân Lập. Ảnh: Lê Bình.

Theo đó, từ hai bàn tay trắng, nhờ tư duy sản xuất nhạy bén, đến nay gia đình anh Trường đã sở hữu hơn 40ha canh tác mít thái siêu sớm đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương.

“Giống mít Thái này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Nếu được chăm sóc tốt, mít sẽ cho trái quanh năm nên cạnh tranh được về giá. Vài năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với mít Thái tăng cao nên khâu tiêu thụ mít Thái rất dễ dàng, thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Ðể tận dụng nguồn nước từ thủy lợi, nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tôi đang xây dựng hệ thống tưới tự động và áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất”, anh Trường chia sẻ.

Anh Trường phấn khởi bên vườn mít được mùa được giá. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trường phấn khởi bên vườn mít được mùa được giá. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đào Văn Sớt - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết thêm, năm 2010, khi Tân Lập được Huyện ủy Tân Biên chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Với lộ trình và giải pháp phù hợp, năm 2015, Tân Lập được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại hành trình, Tân Lập tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn được hoàn thiện ở mức cao hơn trên cơ sở huy động các nguồn hỗ trợ và đóng góp của nhân dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các tuyến giao thông tiếp tục được đầu tư xây dựng. Toàn bộ các tuyến đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ xóm đều được bê tông hóa; 5/5 ấp có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 100%. Thu nhập của người dân trong xã đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm.

Tân Lập đặt mục tiêu xây dựng NTM thông minh. Ảnh: Lê Bình.

Tân Lập đặt mục tiêu xây dựng NTM thông minh. Ảnh: Lê Bình.

“Sau khi đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, Tân Lập đang hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh theo hướng nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Đặc biệt quan tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt nhấn mạnh.

UBND huyện Tân Biên vừa công bố Quyết định phê duyệt Đề án nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Tân Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90%. Đến năm 2030 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng NTM không có điểm kết thúc

Điểm nổi bật Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tây Ninh là 20/20 xã biên giới đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và đang trên đà xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phát huy kết quả đạt được, Tây Ninh tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân ở nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Tây Ninh tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân ở nông thôn. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân ở nông thôn. Ảnh: Trần Trung.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, điểm nhấn kế hoạch sẽ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, tỉnh đăng ký thực hiện 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Nông nghiệp du lịch được xem là 'chìa khóa' đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Ảnh: Lê Bình.

Nông nghiệp du lịch được xem là "chìa khóa" đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Ảnh: Lê Bình.

Đó là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương tại huyện Dương Minh Châu; xây dựng, phát triển du lịch sinh thái vườn gắn với cảnh quan thiên nhiên và đặc sản miền quê ở huyện Gò Dầu; du lịch sinh thái Khu Di tích lịch sử Đồng Rùm, huyện Tân Châu; Khu Du lịch sinh thái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh, thành phố Tây Ninh; du lịch nghỉ dưỡng nông trang dọc sông Vàm Cỏ Đông” ở thị xã Hòa Thành; du lịch trải nghiệm nông trang ở thị xã Trảng Bàng; xây dựng, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và du lịch về nguồn Khu căn cứ cách mạng miền Nam - Trung ương Cục miền Nam, tại huyện Tân Biên.

“Với phương châm có điểm khởi đầu, không điểm kết thúc, Tây Ninh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.