| Hotline: 0983.970.780

Nợ nần và lệ thuộc

Thứ Sáu 05/07/2013 , 09:32 (GMT+7)

Cái nghèo vẫn còn bám riết những người nông dân ở vùng cao Lạc Sơn, Hoà Bình. Nhiều gia đình phải mua chịu từ cân muối, gói mỳ chính vì không có tiền. Nợ càng lâu, đại lý, hàng quán tính lãi càng cao. Bối cảnh đó sinh ra những mảnh đời quanh năm ăn chịu.

Cái nghèo vẫn còn bám riết những người nông dân ở vùng cao Lạc Sơn, Hoà Bình từng ngày, từng giờ. Nhiều gia đình phải mua chịu từ cân muối, gói mỳ chính vì không có tiền. Nợ càng lâu, đại lý, hàng quán tính lãi càng cao. Bối cảnh đó sinh ra những mảnh đời quanh năm ăn chịu.

>> 7 năm chưa được miếng thịt
>> Tràn lan hàng dởm, đồ ôi
>> Mua vay, bán trả
>> Chợ quê, những ngày buồn

Không nợ lấy gì mà ăn?

Ngọc Sơn, cái tên xã như muốn gieo vào lòng người những liên tưởng về sự trù phú, giàu sang. Nhưng, đây lại là một trong những địa phương điển hình cho sự nghèo khó của nông thôn Việt.

Ông Chủ tịch xã Bùi Văn Dương bảo: “Một nửa xã này là hộ nghèo. Đời sống của người dân dựa chủ yếu vào nông nghiệp, nhưng lại không cấy được lúa mà chỉ trồng ngô vì đất đai khô cằn. Vào giáp hạt, nguy cơ thiếu ăn lại gõ cửa mỗi gia đình”.

Cái nghèo bao phủ gần kín bầu trời Ngọc Sơn, nhưng đọng lại đậm đặc nhất trong gia đình chị Bùi Thị Niến, 37 tuổi, ở xóm Điện. Nhà chị nổi tiếng vì đói ăn, vì quanh năm phải ký nợ từ hạt muối đến cân gạo.


Mẹ con chị Bùi Thị Niến quanh năm phải mua chịu gạo của đại lý

Thậm chí, có người còn nói vui rằng, nếu tổ chức một cuộc bình chọn xem ai là người được ký vào sổ sách nhiều nhất xóm, thì chưa chắc đó là ông trưởng xóm mà phải là chị Niến.

Chồng mất sớm, chị một nách hai con nhưng không có một tấc ruộng. Mỗi vụ ngô, chị lên nương gieo 2 kg giống. Mùa nào ông trời cho lộc thì thu về hơn tấn. Dính sâu bọ hoành hành thì không đủ tiền trả nợ phân, đạm.

Bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ chị để dành được đồng tiền thừa sau khi bán ngô. Bởi tất cả được mang đi trả nợ cho anh em, họ hàng và các đại lý đã chịu những tháng trước.

“Cực lắm chú ơi! Năm nào cũng thiếu gạo ăn, có khi phải nhịn đói. Phải đi mua chịu đại lý của bà Mai ở xóm Đào. Bình thường, yến gạo giá chỉ 80.000 - 90.000 đồng, nhưng vì mình ký nợ thời gian 3 tháng nên giá đẩy lên 135.000 đồng. Nếu được gạo ngon thì cam lòng, nhưng đằng này vừa cứng vừa hôi. Vẫn phải mua thôi, không thì biết lấy gì mà ăn bây giờ!”, chị Niến kể khổ.

Chị Niến nợ nhiều quá nên có lúc đại lý không bán chịu vì sợ chị không trả được. Thế là chị lại tất tưởi đi hết nhà này qua nhà khác nài nỉ họ bán cho mình.

Hai năm trước, Nhà nước cho chị vay 5 triệu đồng không tính tiền lãi. Mua được con bê cái, suốt ngày chăn thả ngoài đồng năm này qua năm khác nó mới đẻ con. Tưởng rằng đời sống từ đây sẽ khấm khá hơn, thì đùng một cái bò mẹ mắc tiêu chảy chết. Bán chỉ được 7 triệu đồng. Thế là bao nhiêu công sức đổ xuống sông, xuống biển. Gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo.


Quầy thịt của bác Hôn ế ẩm

Cách đó vài bước chân là gia đình bà Bùi Thị Lương, 48 tuổi (chị gái của chị Niến). Nếu chị Niến nghèo 10 thì bà Lương nghèo 8 vì thiếu đất sản xuất. Vợ chồng bà Lương ly hôn đã lâu.

Trong nhà có anh con trai đến tuổi trưởng thành, sức dài vai rộng nhưng mỗi tháng đi làm thuê, làm mướn cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng mang về. Mùa giáp hạt năm nào bà cũng phải xuống đại lý nhà bà Tám dưới trung tâm xã mua chịu hàng tạ gạo.

Bà Lương tâm sự: “Mình đã nợ của người ta thì phải bị lệ thuộc, không được mua ở chợ phiên dù giá cả bao giờ cũng rẻ hơn đại lý. Nếu lén mua bên ngoài, chủ nợ trông thấy lại nói chẳng ra gì”.

Anh Bùi Văn Tiên, Trưởng xóm Điện, không giấu nổi nỗi buồn khi nói về mức chi tiêu của bà con: Xóm có tổng cộng 40 hộ thì 20 hộ thuộc diện nghèo, còn lại là cận nghèo. Nếu chỉ tính riêng những gia đình quanh năm phải chịu nợ đại lý từ gói mì chính, chai nước mắm với mức lãi cao thì không dưới 10 nhà.

Còn số hộ phải ký nợ vật tư nông nghiệp như giống, thuốc BVTV và phân đạm thì gần như toàn bộ. Không có tiền mua thịt, cá, sữa, trẻ em nơi đây thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Thế nên, phải 3 năm bố mẹ mới cai sữa cho con.

Đại lý chèn ép

Bản thân anh Tiên không ít lần chứng kiến tình huống chủ đại lý bắt ép người mua chịu hàng của mình với giá cả cao hơn thị trường. “Không nông dân không biết mình đang bị lợi dụng đâu. Chỉ vì cái nghèo đẩy họ vào hoàn cảnh như vậy thôi”, anh Tiên nói.

Ở xã Ngọc Sơn, không chỉ riêng xóm Điện, cảnh chạy ăn từng bữa cũng trở nên rất đỗi bình thường ở xóm Khú. Trưởng xóm Bùi Văn Nê chia sẻ: Thu nhập bình quân đầu người của xóm thuộc loại thấp nhất xã với 6 triệu đồng/người/năm.

Đến mùa giáp hạt, khoảng 40-50% hộ dân trong xóm phải ký nợ hàng hoá ở các đại lý với giá đắt hơn nhiều so với giá thị trường. Có gia đình đời ông, đời bố nghèo khó, đến đời con cũng quẩn quanh trong cảnh đói ăn, kém mặc vì không có đất.

Vụ chiêm năm nay, nhà ông Bùi Văn Nê thu hoạch được khoảng 7 tấn ngô (xếp vào diện nhiều nhất xóm), nhưng gia đình lại đông con, nhiều cháu nên chẳng thấm tháp gì.

“Trên này ăn khoẻ lắm. Mỗi người phải mất 20 – 25 kg gạo/tháng. Mỗi lần bán ngô cho thương lái xong, tôi không dám cầm tiền trong tay mà ngay lập tức mua 5-6 tạ gạo về nhà tích trữ. Nếu không, lúc đi chợ nhìn thấy thịt, cá thèm quá mà mua quá tay thì dở lắm. Nhưng, tích nhiều gạo quá cũng chết vì nó mốc. Nhà toàn phải ăn gạo mốc thôi”, ông Nê cho biết.

Ở xóm Khú, bất cứ hộ nào cũng phải mua chịu phân bón, ngô giống của thương lái nên phải bị ép giá cao cắt cổ. Ông Nê bảo: Bình thường, giá 1 yến phân NPK chỉ khoảng 40.000 đồng, nhưng nếu nợ từ tháng 2 đến tháng 6 (tức là từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch ngô) đại lý đẩy giá lên 48.000 – 50.000 đồng. Hỏi nông dân lãi lời được là bao?

Cả xóm có 79 hộ với 325 nhân khẩu, nhưng chỉ có duy nhất anh Bùi Văn Phúc đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm (nhưng chưa tìm được việc làm). Còn lại, không có nhà nào đủ điều kiện kinh tế cho con đi học quá THPT.

Chợ trung tâm Ngọc Sơn là nơi giao lưu, buôn bán hàng hoá của nhân dân 3 xã Ngọc Lâu, Ngọc Sơn và Tú Do. Nhưng, ông Chủ tịch xã Bùi Văn Dương cũng phải thẳng thắn nhận định rằng: “Tình hình buôn bán không nhộn nhịp lắm. Mỗi đợt thu thuế môn bài chỉ khoảng 10 triệu đồng. Những thứ đồ rẻ tiền luôn bán chạy. Ví dụ như gà đông lạnh ấy, chẳng biết họ vận chuyển từ đâu? Để từ bao giờ? Nhưng giá rẻ hơn gà thịt của mình nên dân mua nhiều”.


Chưa đến 10 giờ, chợ trung tâm Ngọc Sơn đã vắng hoe vắng hoắt

Ngồi tâm sự với bà Tám (chủ đại lý tạp hoá) tại chợ trung tâm xã một buổi chiều, tôi phần nào hiểu được phần nào nỗi niềm của người buôn bán.

Bà kể: Tôi mới rời Vụ Bản (Nam Định) lên đây làm ăn được 6 năm. Nhưng số tiền dân nợ đã lên đến 200 triệu (đồng) rồi. Từ năm 2010 trở về trước, ngô, sắn được mùa được giá, dân nợ bao nhiêu đến vụ thu hoạch trả tất tần tật. Nhưng mấy năm nay khó đòi quá, tôi buộc phải yêu cầu khách mua chịu ký vào sổ nợ.


Bà Tám đã chán cảnh cho nông dân nợ lắm rồi

Trước đây, chỉ có 1-2 đại lý tạp hoá, dân mua nhà này thì tránh nhà nọ. Nhưng giờ thương lái khắp nơi đổ về đây buôn bán, dùng đủ mọi chiêu trò để giành giật khách. Nhiều trường hợp khách mua chịu nhà mình nhưng trả tiền tươi nhà khác. Nếu có cơ hội kiếm việc khác, tôi chấp nhận bỏ nghề buôn bán cho đầu óc thanh thản.

Tình cảnh của bác Hôn, bán thịt lợn trước cổng chợ cũng chẳng khá khẩm gì. Mỗi ngày bác mổ 1 con lợn, mười người mua thì 3 người ký nợ, chờ đến vụ thu hoạch ngô mới lấy được tiền.

“Bán cho người mua chịu thì giá phải tính cao hơn, nhưng cũng chỉ đủ trả tiền lãi ngân hàng thôi chú ạ. Số tiền dân nợ nhà tôi cũng trên 20 triệu đồng rồi. Nếu cho tôi lựa chọn, thà lãi ít nhưng có tiền ngay bao giờ chẳng sướng hơn”, bác Hôn nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất