| Hotline: 0983.970.780

7 năm chưa được miếng thịt

Thứ Năm 04/07/2013 , 10:11 (GMT+7)

Ở những miền quê nghèo thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, có không ít người quanh năm không nhìn thấy chợ, hoặc 2-3 tháng mới đi chợ một lần mua cân muối, gói mì chính, và chút mỡ lợn. Với họ, đến chợ là đến chỗ xa hoa...

Ở những miền quê nghèo thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, có không ít người quanh năm không nhìn thấy chợ, hoặc 2-3 tháng mới đi chợ một lần mua cân muối, gói mì chính, và chút mỡ lợn. Với họ, đến chợ là đến chỗ xa hoa...

>> Tràn lan hàng dởm, đồ ôi
>> Mua vay, bán trả
>> Chợ quê, những ngày buồn

Ba năm đi chợ một lần

Đã gần 3 năm trôi qua, hôm nay chị Đinh Thị Nhiên (35 tuổi, ở xóm Ngau, xã Phú Vinh) và đứa con gái 6 tuổi mới tìm được lý do để đi chợ phiên Phú Cường.


Chợ phiên Phú Cường

Xuất phát từ 5 giờ sáng, cả hai mẹ con vác bụng đói (từ 10 giờ sáng hôm qua chưa được ăn gì) đi bộ quãng đường hơn 2 km đến chợ. Gần tới nơi, chị Nhiên quay lại phía tôi phân trần: “Con bé muốn đi học. Phải mua túi sách cho con thì tôi mới đi, chứ không cũng ở nhà. Vét hết số tiền công làm cỏ ngô từ đầu năm được 100.000 đ, coi như cũng tạm đủ để thực hiện ước nguyện của con. Nhưng sợ nhất là khi nhìn thấy đồ ăn ngon, quần áo đẹp, nó lại khóc lên đòi mẹ mua”.

Rút kinh nghiệm lần đi chợ trước, sau khi mua xong chiếc cặp sách giá 90.000 đ cho con, cầm số tiền thừa ít ỏi, chị Nhiên chỉ dám lượn sát mép đường mua 6 quả chuối bị nẫu (giá 2.000 đ/3 quả) và 3 lạng vải vụn 6.000 đ rồi vội vã quay lưng.

Bé Khiêm cứ đứng tần ngần hướng ánh mắt trong trẻo về phía những gian hàng bánh rán, đồ chơi trẻ em. Chị Nhiên bế con lên, vỗ vai dỗ dành: “Hôm nào đi làm thuê có tiền mẹ mua cho nhé”. Sao chị không đưa cháu thăm thú một vòng quanh chợ?, tôi hỏi. Vào làm gì hả chú? Có còn đồng nào nữa đâu. Chỉ tủi thân thêm thôi.

Đời sống đói kém của hai mẹ con chị Nhiên đã chạm đến đáy của xã hội rồi. Chồng chị, anh Đinh Công Tuất, 40 tuổi - mắc bệnh tim, đau dạ dày, không làm được gì giúp vợ con nên phải bỏ về bên nội nhờ người nhà chăm sóc, được một thời gian thì bỏ vợ luôn.

Không mảnh đất cắm dùi, mẹ con chị Nhiên phải nhờ cậy sự cưu mang của người anh ruột Đinh Công Hiên mới có căn nhà rách nát để ở. Muốn có cái ăn, chị phải đi làm cỏ ngô, cỏ mía thuê cho các hộ dân trong làng. Nhưng chết nỗi, bé Khiêm còn nhỏ quá, chẳng ai chăm sóc, đỡ đần nên mỗi tháng chị chỉ dám bỏ con ở nhà đi làm được 2-3 ngày công (khoảng 200-300 ngàn đồng).


Ba năm nay, chị Nhiên mới có tiền đi chợ mua cho đứa con gái chiếc cặp sách
 và mấy quả chuối nẫu

Mỗi ngày, chị Nhiên nấu một chén gạo cho 2 mẹ con ăn 1 bữa. Có hôm không có gì ăn, chị phải bế con đi chơi cho đỡ đói. Từ 10 giờ sáng hôm qua chưa có gì bỏ bụng, nhưng chị bảo vẫn chịu đựng được 4-5 tiếng nữa, trưa nay cái Khiêm ăn hoa quả là no rồi. Tối mới nấu cơm. Nhiều đêm bụng đói cồn cào, nhưng chị vẫn phải nằm im cho con ngủ.

“Với chị, ngày có 1 bữa cơm ăn là hạnh phúc nhất rồi chú ạ. Có hôm còn phải đi xin rau dền, rau ngót ăn thay cơm cơ. Chỉ khổ cái Khiêm thôi, ăn cơm, ăn cháo chay mãi nó không chịu được. Nhiều hôm nó khóc bảo: Ăn thế này con không ăn được đâu, rồi bỏ bát xuống bàn trèo lên giường nằm, nước mắt chảy ròng ròng”, chị Nhiên đau đớn kể.

Nhà chị thuộc diện hộ nghèo. Tết đến, chính quyền hỗ trợ 200.000 đ. Nhưng tiền ấy chị không dám tiêu một đồng vì phải để dành mua gạo ăn. Mọi sinh hoạt vẫn như ngày thường.

Mấy tháng trước, anh Hiên nối cho chị Nhiên đường dây điện để thắp bóng đèn. Nhưng chị nhất quyết không dùng vì sợ tốn tiền, mỗi ngày chỉ đốt đèn dầu khoảng 20 phút cho con ăn rồi hai mẹ con trèo lên giường ngủ từ 7 giờ tối. Tôi hỏi:

- Bao lâu rồi chị chưa ăn thịt?

- Từ lúc tôi cưới năm 2006 đến giờ đã được miếng nào đâu.

- Chẳng lẽ không có ai mời ăn cỗ?

- Họ biết mình không có tiền nên họ không mời.

- Thế chị còn nhớ thịt lợn, thịt gà mùi vị thế nào không?

- Không nhớ ra nữa vì lâu quá rồi không được ăn. Phải được ăn thì mới có cảm giác thơm, chua, cay hay thế nào chứ.

- Sao chị không đi bắt tép?

- Ở vùng này không có sông, suối gì đâu.

- Vậy thì đi soi nhái?

- Soi nhái phải đi vào ban đêm, tôi không có đèn pin…

Chị Nhiên trả lời ngắn gọn nhưng mỗi câu nói chất chứa vô vàn khổ ải, đớn đau.

Không ai chợ búa gì cả

Ông Đinh Xuân Thuỷ, Bí thư Chi bộ thôn Ngau, tâm sự: Ở cái làng này toàn là hộ nghèo và cận nghèo. Thế nên, đâu phải chỉ có gia đình chị Nhiên là tận khổ. Như nhà ông Đinh Công Bộng (53 tuổi) ấy, không có đất đai gì cả, con thì mới lên 10, cả năm may ra được đi chợ sắm Tết thôi. Thỉnh thoảng hết gạo ông lại sang nhà tôi nhờ trợ giúp.

Dân không có tiền nên ăn uống rất tạm bợ. 3-4 năm trước kinh tế ổn định thì chợ đông. Nhưng mấy năm nay nông dân khổ quá! Mía mất mùa, sắn, ngô xuống giá thê thảm. Ngân hàng cho vay nhiều nhất 15 triệu đồng, trong khi mỗi lần lấy phân bón hết 5-6 triệu, phải vay ngoài với lãi suất cao nên không ai chợ búa gì cả.



Người nông dân xã Ngọc Mỹ, Tân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn nghèo

Có đi chợ cũng chỉ bán là chính, được bao nhiêu tiền đem trả nợ chứ mua thì hiếm lắm. Hôm nay vợ tôi mang 2 con lợn đi chợ bán, thương lái nằng nặc chỉ trả tối đa 60.000 đ/kg nên lại phải mang về. Bà nhà tôi bảo nhiều người bán quá, trong khi người mua chẳng thấy đâu.

Một năm có 365 ngày, tính ra hơn 1.000 bữa ăn. Hộ nào được ăn 70 bữa cơm có thịt thì được xếp vào loại “giàu” trong làng rồi. Trước đây, thỉnh thoảng còn có bà hàng thịt, hàng cá mò vào từng ngõ rao bán. Bây giờ may lắm có cô bán cá khô.

Sợ ra chợ

Chuyến đi thực tế về với những xã nghèo huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hoà Bình) lần này, đâu đâu tôi cũng gặp những gia đình “sợ” chợ. Sợ chợ… vì họ không có tiền mua hàng hoá. Sợ chợ… vì nhìn thấy đồ ăn ngon không kiềm chế được cơn thèm.

Gia đình chị Bùi Thị Dịn ở xóm Cóc I, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc là trường hợp điển hình. Nhà chị có 4 người. Đứa con lớn học hết lớp 6, đứa nhỏ hết lớp 3. Mọi nguồn thu trông chờ vào hơn 1,3 sào ruộng và một ít nương rẫy.

Chị Dịn nhẩm tính: Vụ lúa chiêm được 3 tạ thóc, đủ ăn 3 tháng. Vụ lúa mùa được 1,5 tạ thóc, đủ ăn khoảng 45 ngày. Ngoài ra, mỗi năm gia đình cũng làm nương được khoảng 4 tấn sắn và 2 tạ ngô. Trừ bỏ tiền phân, giống, đổi hết số sắn, ngô kia lấy gạo ăn vẫn không đủ.


Trưởng xóm Bùi Thanh Tiền đến thăm gia đình chị Dịn

Anh Bùi Văn Diến, chồng chị Dịn - phải đi làm phụ hồ dưới thị xã Mường Khến để bù đắp thiếu hụt, công 80.000 - 90.000 đ/ngày nhưng tháng chỉ được 7 ngày, tháng được 10 ngày.

Căn nhà nhỏ 26 m2 của chị được Nhà nước làm cho năm 2008, chứ trước đây nó rách nát, chật chội như cái lều. Điện vẫn chưa kéo về nhà, những ngày nắng nóng, mấy mẹ con chỉ biết dội nước ngập đầu cho mát.

Chị bảo: “Mặc rách, ở khổ thì còn chịu được, chứ đói ăn thì không còn gì khổ bằng. Nhiều khi đi xát gạo, biết mình nghèo đói họ sợ mình quỵt nợ nên kiếm đủ lí do từ chối, ngồi chờ từ sáng đến tối vẫn không được, phải vác lúa về. Nghĩ mà ức phát khóc”.

Cách 2 - 3 tháng chị Dịn mới xuống chợ 1 lần. Nhưng, chẳng khi nào trong túi chị cầm đến 100.000 đ. Mua được 2 cân muối, gói mì chính 1kg giá 60.000 đ, 10.000 đ mỡ và 2 gói bim bim làm quà cho con. Cứ cho đủ bấy nhiêu thứ vào làn là lập tức quay về. Còn thịt ư? Thèm lắm nhưng phải chờ đến Tết, Nhà nước cho tiền thì mới mua 1-2 kg ba chỉ lợn.

Tôi hỏi chị 10 năm nữa gia đình mình có thoát nghèo được không? Chị bảo: “Hai vợ chồng tôi bất lực rồi, cầm cự được đủ ăn đã là tốt chứ đừng nói đến chuyện để dành. Chỉ mong mươi, mười lăm năm nữa các cháu nó lớn, xin được việc làm thì may ra được mở mày mở mặt”.

Hoàn cảnh của gia đình chị Dịn cũng giống như rất nhiều hộ nghèo trong xóm Cóc I, Cóc II. Với họ, đi chợ là tới chốn bỏ tiền, chỉ cần “vung tay quá chán” 1 lần là quanh năm nhịn ăn trả nợ.

Ông Bùi Thanh Tiền, trưởng xóm Cóc I, cho biết:

Toàn xóm có 81 hộ thì 45 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Không có hộ khá, giàu. Bữa ăn của người dân gần như quanh năm là rau. Thế nên ngày thường tuyệt đối không có người đi chợ. Đến kỳ chợ phiên cũng chỉ lác đác vài người có bẻ được măng, hái được mận rừng, trái cây xuống bán kiếm vài đồng lẻ thôi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm