“Nợ nước non” là tập 1 trong bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trân trọng khắc họa khát vọng dấn thân của vĩ nhân Hồ Chí Minh. “Nợ nước non” vừa được ra mắt tại Hà Nội, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
“Nợ nước non” bắt đầu bằng bối cảnh chàng thanh niên Văn Ba bước chân lên con tàu ở cảng Sài Gòn, và lặng nhớ phút giây chia tay người cha. Nguyên văn lời tạ từ: “Dạ, thưa cha! Con sắp lên đường đây ạ. Dù chưa hình dung được phía trước rồi sẽ thế nào, là vạn dặm, muôn muôn dặm, nhưng con nhất định phải đi và sẽ tìm được điều cần tìm”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng cách nhập đề của tiểu thuyết “Nợ nước non” rất ấn tượng: “Hình ảnh ấy đã dựng nên một cách kỳ vĩ cho một chuyến đi. Nó xứng đáng với cuộc ra đi của một con người vĩ đại, xứng đáng với sự khởi đầu một lịch sử của một dân tộc bị áp bức đau thương”.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ năm nay 62 tuổi, quê quán Nghệ An. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có học hàm Phó Giáo sư và có học vị Tiến sĩ văn chương. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nguyên là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ dự kiến viết bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” gồm 3 tập, mỗi năm phát hành một tập. “Nợ nước non” là tập 1, viết về thời thanh niên của Nguyễn Ái Quốc. Tập 2 sẽ viết về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng, đây là giai đoạn có nhiều công trình nghiên cứu nhưng thể hiện trong văn học lại chưa nhiều. Tập 3 sẽ viết về việc Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng và dừng lại ở chiến thắng Điện Biên Phủ.
Riêng về “Nợ nước non”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Trong tác phẩm của tôi có đoạn bà Hoàng Thị Loan ru Bác. Bà hát: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Sau này, cũng trong tác phẩm, Nguyễn Tất Thành gặp cha mình khi cụ Sắc đang làm tri huyện Bình Khê, cụ nói với con trai nước mất đi tìm cha làm gì, phải đi tìm nước”.
Song song với “Nợ nước non” xuất hiện trong văn học, vở kịch hát “Nợ nước non” cũng được đưa lên sân khấu. Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng “Nợ nước non” kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví giặm xứ Nghệ; ca Huế, bài Chòi khu 5 và dân ca Nam bộ.
Vở kịch hát “Nợ nước non” do Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên làm đạo diễn, Hoàng Song Việt chuyển thể kịch hát, với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ. Vở kịch hát “Nợ nước non” ra mắt khán giả vào tối 19 và 20/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trước vở kịch hát "Nợ nước non", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ từng có nhiều kịch bản sân khấu được yêu thích như "Hừng đông", "Thầy Ba Đợi", "Hoa lửa Truông Bồn", "Huyền thoại Gò Rồng Ấp", "Ngàn năm mây trắng"...