“Nếu tôi mua bổ sung sữa trước khi bình sữa trong tủ lạnh của mình cạn, hóa đơn lại khó chi trả thêm chút ít”, Leibel Sternback, một cố vấn tài chính, nói với tạp chí Wall Street Journal.
Vợ anh, Sammi Sternback, kiểm tra tủ lạnh mỗi khi chồng trở về sau chuyến mua sắm thực phẩm cuối tuần và chỉ ra những món đồ mà anh không nên mua.
Cặp đôi đến từ Plainview, New York, đều 35 tuổi, dành trung bình 350 USD mỗi tuần để mua hàng tạp hóa, tăng gần 60% so với mức 220 USD vào một năm trước. Leibel cho biết họ phải bỏ qua rau củ và thức ăn chế biến sẵn để tiết kiệm tiền, nhưng hóa đơn hàng tháng vẫn cao hơn mức mà họ mong muốn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo ngày 13/9 của Bộ Lao động, và gia đình Sternbachs phải chấp nhận từ bỏ những thói quen cũ để thích ứng.
Với Leibel đó là ít babka hơn. Đây là một loại bánh mỳ ngọt mà anh rất yêu thích. Với Sammi, cô phải “cai” những miếng bánh Kit Kat thơm ngon. Dù vậy, cô vẫn giấu một ít sôcôla Dove sâu bên trong tủ bếp phòng khi quá thèm. “Bạn vẫn phải sống chứ”, cô nói.
Vấn đề mà nhà Sternback đang gặp phải cũng là tình trạng tương tự ở vô vàn gia đình Mỹ khác. Arne Boudewyn, quản lý cấp cao tại ngân hàng Wells Fargo, khuyên các cặp vợ chồng nên dành thời gian một lần mỗi tháng để cùng xem xét các chi phí gia đình, trong đó có thực phẩm. “Bạn không muốn có những cuộc trò chuyện này trên lối đi cửa hàng tạp hóa”, ông nói.
Ruth Abolofia, 39 tuổi, đến từ Waltham, bang Massachusetts, đang ở nhà nuôi ba con, tất cả đều chưa đến 10 tuổi. Cô quyết tâm phải có thực phẩm tươi cho cả nhà, nhưng điều này vô hình chung lại tạo áp lực đối với ngân sách hàng tạp hóa của gia đình, vốn đã tăng lên 1.000 USD một tháng từ mức dưới 900 USD một năm trước.
Chồng cô, Jay Abolofia, 37 tuổi, đã càu nhàu khi cô mua 6 hộp việt quất giá 3 USD mỗi hộp.
“Nhưng sau đấy anh ấy vẫn ăn một ít”, cô nói.
Nhiều cuộc cãi vã về chi phí gia đình trong nhà Abolofia đã kết thúc trong bế tắc. Lạm phát khiến họ không có nhiều lựa chọn cắt giảm chi tiêu. Vì vậy, thay vào đó, họ chấp nhận tăng mức ngân sách thực phẩm của mình.
Nhằm bù đắp thâm hụt, gia đình Abolofia chọn cách giảm số lần ra ngoài ăn uống.
“Chúng tôi đang cố gắng hợp tác với nhau hơn”, Jay cho hay.
Dan Wykoff, 42 tuổi, giám đốc tài chính của một công ty công nghệ, vẫn không hiểu bằng cách nào những món nướng có đường vào được tủ thức ăn của gia đình dưới vỏ bọc là đồ ăn sáng. Vợ anh, Kristin Wykoff, 43 tuổi, thỉnh thoảng vẫn nhắc anh rằng 4 đứa con của họ, đưa lớn nhất 16 tuổi, có những món ăn yêu thích riêng và đôi khi vẫn cần được thưởng thức chúng, ngay cả nếu chúng có tốn kém hơn bây giờ.
Vợ cũng khuyên anh hạn chế cái mà anh gọi là “chứng nghiện giả” đối với Cocacola không đường. Thay vì mua 12 lon giá 6,49 USD một tuần, giờ đây anh mua cách tuần. “Tôi sẽ sống sót thôi”, Dan nói.
Scott Sturgeon tỏ ra khó chịu mỗi khi vợ anh, Jenny Sturgeon, một y tá, trả 10 USD cho hơn 100 gram hạt thông. “Đừng hiểu lầm tôi, một chút hạt thông thực sự có thể nâng tầm món salad”, anh nói.
Nhưng bỏ ra 10 USD cho 100 gram hạt thông thì “thật nực cười”, Scott, 34 tuổi, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính, cho hay. Hóa đơn hàng tạp hóa cho gia đình ba người của anh rơi vào khoảng 767 USD một tháng, tăng 20% so với năm ngoái.
Cặp đôi đã đạt được một thỏa hiệp. Jenny, 31 tuổi, đồng ý chỉ mua hạt thông một lần mỗi tháng. “Tôi không thích những bữa ăn nhạt nhẽo,” cô nói.
Gia đình Sturgeons cũng quyết định mua sắm hầu hết hàng tạp hóa của họ tại Aldi, một chuỗi siêu thị giảm giá. Cặp đôi ước tính họ có thể tiết kiệm khoảng 100 USD một tháng nhờ cách làm này.
Scott cho biết ạnh không còn cách nào khác là từ bỏ những lon bia lạnh yêu thích, giá từ 5 đến 6 USD mỗi lon.
Dù vậy, anh vẫn tự cho phép bản thân thả lỏng đôi chút. Nếu có kế hoạch làm vườn vào sáng thứ 7, anh sẽ tự thưởng cho mình một lon bia trong giỏ hàng. Vợ anh đôi khi cũng làm anh ngạc nhiên bằng một lon bia thưởng.
“Chúng tôi rất yêu nhau và hóa đơn hàng hàng hóa cao sẽ không thay đổi được điều đó”, anh nói.