| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài cuối] Người trồng rừng mong những tuyến đường lâm nghiệp

Thứ Năm 11/07/2024 , 10:24 (GMT+7)

Trồng rừng nguyên liệu là cứu cánh của miền núi Nghệ An, tuy nhiên do ngốn nhiều chi phí liên đới nên dòng tiền thực nhận của các chủ rừng bị thâm hụt thấy rõ.

Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng không cao do chi phí phát sinh quá lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng không cao do chi phí phát sinh quá lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Tiền bay theo gió

Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu được giao quản lý khoảng 18.860 ha nhưng diện tích rừng trồng chỉ nhỉnh hơn 300 ha chút đỉnh. 2/3 số này phân cho người lao động tại đơn vị trực tiếp quán xuyến, còn lại giao khoán hết cho dân theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP.

Diện tích ít ỏi nhưng phân bổ không tập trung, không đều, đan xen lại hạn chế về đường đi lối lại khiến công tác trồng rừng nơi đây gặp nhiều trắc trở.

“Hạ tầng phục vụ sản xuất lâm nghiệp gần như bằng không thành thử công cán vận chuyển cây giống, vật tư đầu vào đến khi khai thác bị đội lên cao, đồng nghĩa giá trị thu về giảm xuống. Nôm na 1 ha keo khi hết chu kỳ cho tổng thu tầm 70 – 80 triệu đồng, trừ chi phí mở đường chỉ còn loanh quanh tầm 50 triệu mà thôi. Muốn phát triển nghề rừng thì đòi hỏi phải có hạ tầng tương xứng, cụ thể là xây mới hệ thống đường lâm nghiệp. Đó là vấn đề cốt lõi để nâng cao giá trị rừng trồng”, Trưởng ban Trần Ngọc Kiên bộc bạch.

Đường vận chuyển gỗ nguyên liệu khi thu hoạch là nỗi ám ảnh của người trồng rừng Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga. 

Đường vận chuyển gỗ nguyên liệu khi thu hoạch là nỗi ám ảnh của người trồng rừng Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga. 

Tận dụng diện tích rừng trồng ít ỏi, Ban đã xây dựng kế hoạch, phân bổ cho tổng cộng 23 lao động để cải thiện nguồn thu, tính ra mỗi người được chia bình quân chừng 6 ha. Quy đổi ở mức 50 - 70 triệu/ha cho chu kỳ 5 năm, đồng nghĩa mỗi năm chỉ bỏ túi tầm 10-15 triệu/ ha.

Từ những rào cản nêu trên, ông Kiên thừa nhận kinh tế từ trồng rừng lúc này không nhiều, có chăng là gom góp thêm đôi đồng để trang trải cho cuộc sống thường nhật. Điều này đúng bởi lẽ trồng rừng là chu kỳ dài hơi, thường dao động 5 – 7 năm mới kết tinh thành quả, ấy là khi sự thể xuôi chèo mát mái, bằng không gặp sự cố ngoài ý muốn, hay tác động ngoại cảnh (thiên tai, gió lốc…) thì nghiễm nhiên mất trắng.

Chẳng nói đâu xa, Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu đang trải qua cơn đau đầu kinh niên xoay quanh diện tích 20 ha keo già cỗi nằm sâu tít tắp trong tiểu khu 196 ở bản Mây của xã Châu Phong. Hỏi ra mới biết toàn bộ cây ở khu vực này đã thừa độ tuổi khai thác từ lâu nhưng do cung đường quá trắc trở, đi lại mất thời gian, tính toán lời lỗ nhận thấy thu không bù chi nên chẳng ai thèm ngó đến.

Cơ cực trong việc tìm đầu ra buộc đơn vị này phải cắt giảm chi phí chăm sóc, tưới tắm thường xuyên nên chất lượng rừng trồng ngày một giảm xuống. Cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu nhẩm tính, bình quân rừng tốt cho năng suất 150 - 170 tấn/ ha nhưng vùng này tốt lắm chỉ đạt 110 -120 tấn/ ha mà thôi. Mỗi tấn keo quy đổi giá thành 1 triệu đồng, vị chi Ban đang “treo” lơ lửng giữa rừng khoảng 2 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu giới thiệu cung đường khổ ải, nơi đang 'giam' của đơn vị này 2 tỷ đồng. Ảnh: Việt Khánh. 

Lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu giới thiệu cung đường khổ ải, nơi đang "giam" của đơn vị này 2 tỷ đồng. Ảnh: Việt Khánh. 

Lãnh đạo một chủ rừng tại Nghệ An chia sẻ thêm, trường hợp có tuyến đường lâm nghiệp hoàn chỉnh chỉ cần thuê mướn nhân công chặt hạ keo xuống bãi với mức 230.000/ tấn là xong, cứ thế đút túi ngon ơ hơn 700.000 đồng/ tấn. Tuy nhiên do hầu hết các cung đường đều trong cảnh “chắp vá”, qua thời gian, nắng mưa đã xuống cấp trầm trọng nên chí ít phải "3 tăng" mới hoàn tất, vô hình trung biến công sức của người trồng rừng trở nên bèo bọt.

Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước còn trầy trật thì những hộ nhận khoán với diện tích khiêm tốn chắc hẳn sẽ khốn đốn gấp bội phần. Nằm trong số này, gia đình chị Lô Thị Thành, trú tại bản Đôm, xã Châu Phong hiểu thấu cảm giác túi tiền bị “chia năm xẻ bảy”.

Vần vã với xe keo từ sáng đến giờ, mồ hôi vã ra như tắm làm ướt đẫm chiếc áo công nhân đã cũ mèm, hướng ánh nhìn vào khoảng không xa xăm, chị Thành giãi bày: “Nhà tôi có 2,5 ha keo, gia đình phải bỏ ra 35 triệu đồng để mở tạm đường vận xuất, ấy là chưa kể công cán phát dọn, chi phí vận chuyển giống, trồng cây, trỉa cành, đào hào, bón phân. Mỗi thứ một chút, tất thảy đè nặng lên đôi vai của người trồng rừng, trừ ngược xuôi chỉ lãi đâu đó 8 – 10 triệu/ ha/ năm thôi”.

Cấp thiết

Gia đình bà Vi Thị Soa tại bản Đôm chỉ có độc 1 ha keo tại vùng Huôi Đốm, cách khu dân cư chừng 1.500 mét nhưng đường dốc đứng, ghập ghềnh hết nấc. Dưới dạng mở tạm nên tuổi thọ cung đường không cao, nền đất vốn dĩ “mềm” như bún, qua nhiều bận oằn mình hứng chịu gió bão, mưa xa trông não nề thấy rõ. Bà Soa quả quyết, mỗi lần khai thác lại phải chi một khoản kha khá điều động máy móc đến san ủi, lu lèn.

Trăn trở đằng đẵng bao năm rồi, bà Soa cũng như hàng ngàn, hàng vạn hộ trong diện giao khoán đều mong mỏi được Nhà nước quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống đường lâm nghiệp, có như thế mới an tâm gắn bó với nghề.

Bà Vi Thị Soa cũng như số đông hộ giao khoán mong mỏi Nhà nước có chính sách đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Vi Thị Soa cũng như số đông hộ giao khoán mong mỏi Nhà nước có chính sách đầu tư hệ thống đường lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Tâm tư, nguyện vọng rất chính đáng nhưng xét tất cả các yếu tố không dễ thực hiện, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của Trung ương, của địa phương vốn ưu tiên cho công tác “điện – đường – trường – trạm”, cũng như phân bổ cho các đầu mục thiết yếu rồi mới đến lượt khía cạnh lâm nghiệp.

Tổng quan là thế, khi xét chi li càng khó hơn. Thứ nhất, rừng rú độ dốc cao, nguy cơ sạt lở lớn, chi phí đầu tư phát sinh gấp nhiều lần so với điều kiện bình thường. Thứ hai, liên quan đến đất rừng phải tiến hành bóc tách, chuyển đổi mục đích sử dụng, quy trình phức tạp, mất thời gian. Thứ ba nữa, hiện trạng đất giao khoán đa phần phân tán, nhỏ lẻ, tựu chung rất khó tiếp cận định mức hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp áp dụng cho khu vực trồng rừng sản xuất đáp ứng quy mô tập trung từ 500 ha trở lên (Điều 17 Nghị định 58/2024/NĐ-CP)…

Theo kết quả rà soát, thống kê của Sở NN-PTNT, Nghệ An có tổng diện tích rừng trồng trên 224.000 ha, bệ phóng này giúp địa phương đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp thời gian qua. Điển hình như năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 348,5 triệu USD, tăng 68,35% so với năm 2021. Con số này còn ấn tượng hơn nhiều nếu hạ tầng cơ sở ngành lâm nghiệp được đầu tư tương xứng, đặc biệt là hạ tầng lâm sinh phục vụ cho vùng nguyên liêu.

Vận chuyển trên những tuyến đường 'chắp vá' là lực cản của nghề trồng rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Vận chuyển trên những tuyến đường "chắp vá" là lực cản của nghề trồng rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định xây dựng những tuyến đường lâm nghiệp sẽ nâng cao rõ rệt giá trị rừng trồng. Đơn cử như Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu có một số diện tích áp dụng trồng rừng gỗ lớn, kết hợp hiện trạng đường vận xuất thuận lợi có thể đạt lợi nhuận đến 250 triệu đồng/ ha. Khác biệt rất lớn.

Từ nhu cầu cấp thiết đặt ra, Sở NN-PTNT Nghệ An đã đề xuất ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo bố trí kinh phí để tu sửa, làm mới khoảng 20km đường lâm nghiệp để thí điểm trước mắt.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.