| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài 4] Nước mắt rơi trên những cánh rừng vàng

Thứ Năm 27/06/2024 , 06:48 (GMT+7)

Nghệ An có nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt chưa biết xử trí ra sao. Động đến là phạm pháp mà giữ khư khư thì dân đói, chung quy một vòng luẩn quẩn.

Người dân miền núi phải có đất canh tác để ổn định sinh kế, đó là điều bất di bất dịch. Ảnh: Việt Khánh.

Người dân miền núi phải có đất canh tác để ổn định sinh kế, đó là điều bất di bất dịch. Ảnh: Việt Khánh.

Khó hài hòa giữa giữ rừng và phát triển kinh tế

Rừng Nghệ An trải dài rộng khắp nhưng chưa đảm bảo được cơm ăn áo mặc cho đồng bào vùng cao, nơi vốn dĩ còn thiếu thốn trăm bề. Điều này bắt nguồn  từ việc chưa tìm ra lời giải cho hàng trăm ngàn ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, phân bổ ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong…   

Rừng tự nhiên là “rừng cấm”, mỗi tác động khi chưa được phép đều đồng nghĩa với hành vi phạm pháp, chủ trương này xuyên suốt từ năm 2017 đến nay khi  Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chính thức có hiệu lực (mới đây Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 61-KL/TW yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm).

'Khát' đất sản xuất là nguồn cơn dẫn đến những hành vi phá rừng tại huyện Con Cuông. Ảnh: Việt Khánh.

"Khát" đất sản xuất là nguồn cơn dẫn đến những hành vi phá rừng tại huyện Con Cuông. Ảnh: Việt Khánh.

Thông điệp rất rõ ràng, cả hệ thống chính trị phải tập trung bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên. Ngặt nỗi nhu cầu sử dụng đất sản xuất của người dân vùng cao quá lớn, qua từng năm áp lực càng thêm chất chồng, dần dà dẫn đến hành vi phá rừng trái luật. Qua theo dõi nổi lên một số vụ việc bị khởi tố hình sự, riêng xử lý vi phạm hành chính nhiều vô kể.

Đơn cử như địa bàn huyện Con Cuông, điểm nóng về phá rừng tự nhiên trong vài ba năm trở lại đây. Ý thức được tài nguyên rừng đang bị xâm hại, tương lai sẽ đối diện với muôn vàn hệ lụy, nguy cơ, cả hệ thống chính trị thể hiện quan điểm cứng rắn, kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che cho việc làm phạm pháp. Dù vậy trên thực tế máu rừng “vẫn chảy”, nhiều trường hợp biết tỏng vướng vòng lao lý, thậm chí đi tù mọt gông nhưng vẫn chấp nhận. Quả thực, bí bách từ đói nghèo thật khó lường hết được hành vi.

Ghi nhận tại Con Cuông có 2 phương thức phạm tội chính nhưng điểm chung là liên quan đến các đối tượng nhận khoán bảo vệ theo Nghị định 163/NĐ-CP. Thứ nhất là người dân trực tiếp xâm lấn trên diện tích được giao, hai là bán trao tay “không văn tự” cho những trường hợp ở ngoài địa bàn. Mục đích chính là từng bước biến rừng tự nhiên thành rừng trồng vì mục tiêu kinh tế, điều này vô hình trung gây ra áp lực ngàn cân cho chính quyền sở tại và cơ quan chức năng.

Đây là bài toán nan giải của huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là bài toán nan giải của huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thái Minh Hiệp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Con Cuông thừa nhận thực trạng mua bán “chui” kéo dài dai dẳng: “Nói là chuyển nhượng nhưng thực chất chỉ bên mua và bên bán biết, họ thậm chí chẳng cần giấy viết tay xác thực, đôi bên ngấm ngầm thống nhất thành thử rất khó để nắm bắt. Phần nhiều khi bị phát giác và tiến hành điều tra mới biết đôi bên đã giao dịch, chuyển nhượng từ lâu. Vấn đề này Hạt đã nhiều lần tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ giá trị của công tác giữ đất, giữ rừng”.

Xác nhận với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vi Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khẳng định tài nguyên rừng là vô giá, mất rừng là mất tất cả. Chủ trương của Con Cuông là tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, muốn làm được phải nhìn vào rừng, phải giữ rừng:

“Quan điểm trên dưới xuyên suốt nhưng rất khó xử lý triệt để khi rừng núi bao la mà lực lượng lại quá mỏng, nhiều vụ việc diễn ra ở khu vực vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, khó phát giác. Tình trạng mua bán trao tay là lịch sử để lại, chủ mưu đa phần là người ngoài địa bàn, họ bỏ tiền trước đó rồi nên tìm cách để gỡ gạc, hơn nữa lợi nhuận từ việc trồng keo cũng lớn.

Thông qua công tác tuyên truyền, cả người mua lẫn người bán đều biết rõ hành vi phạm pháp, trường hợp vượt quá khung xử lý hành chính sẽ bị tiến hành xét xử lưu động. Không riêng gì chủ rừng hay đối tượng mua rừng trái phép, ngay cả người đứng đầu cấp xã nếu vi phạm, có dấu hiệu buông lỏng sẽ bị quy trách nhiệm, xử lý nghiêm”, ông Quý nhấn mạnh.

Trong cái lý có cái tình, đành rằng hành vi phá hoại rừng cần được xử lý nghiêm nhưng “khư khư giữ rừng nghèo để ôm bụng đói” cũng không phải là giải pháp hoàn hảo. Ở trong cuộc chính huyện Con Cuông “thấm” hơn ai hết, chẳng thế đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất được giảm tỷ lệ che phủ rừng từ 86% xuống cận kề mức 82%, qua đó tăng thêm một phần đất sản xuất để bà con tận dụng canh tác, kiếm kế sinh nhai.

Vòng luẩn quẩn

Một vài cá thể xâm hại đến tài nguyên rừng có thể quy kết do chính quyền và cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, hoặc chưa làm tròn trách nhiệm được giao. Nhưng vi phạm với tần suất dày đặc, như thể “đến hẹn lại lên” là điều đáng phải suy ngẫm. Đặc biệt là khi các đối tượng đa phần là dân nghèo, cuộc sống thường nhật còn khốn khó trăm bề.

Trông chờ vào đôi đồng nhận khoán bảo vệ không phải là lời giải cho bài toán khó. Ảnh: Việt Khánh.

Trông chờ vào đôi đồng nhận khoán bảo vệ không phải là lời giải cho bài toán khó. Ảnh: Việt Khánh.

Thực chất vấn nạn này là có nguyên do, cần biết trước khi Chỉ thị 13 ra đời quy định pháp luật vẫn cho phép cải tạo rừng nghèo để trồng rừng kinh tế, nhưng tất cả đảo lộn từ năm 2017 khi chủ trương “đóng cửa rừng” có hiệu lực. Giữ rừng nhưng không cậy nhờ được vốn rừng khiến đời sống của số đông không đảm bảo, trong tình cảnh bí bách nhiều hộ sẵn sàng “vượt rào” bất chấp vướng tù tội.

Lấy luôn huyện Con Cuông làm lát cắt, chủ trương chung của huyện là xử lý nghiêm, vụ việc nào đủ khung sẽ tiến hành khởi tố. Đau đáu hơn cả là vụ xét xử lưu động vợ chồng ông Vi Văn Hằng, thường trú tại bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục do hành vi lấn chiếm, phát rừng trái phép trong diện tích của Ban quản lý rừng phòng hộ. Bản thân Vi Văn Hằng bị tuyên 7 năm tù giam, vợ ông, bà Vi Thị Bích nhận bản án 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Kết thúc phiên tòa những giọt nước mắt đã rơi.

Khi cơ quan chức trách đặt câu hỏi với người phạm tội: Là người trực tiếp tham dự phiên xét xử lưu động trước đó, biết phá rừng trái phép là phạm pháp, phải chấp hành án tù sao vẫn làm?

“Thưa, tôi biết rõ nhưng sẵn sàng đi tù để vợ con ở nhà có đất trồng keo”, câu trả lời dứt khoát của Vi Văn Hằng khiến nhiều người phải đắn đo, trăn trở.

Cuộc sống của đồng bào chỉ đảm bảo khi có đủ quỹ đất canh tác cần thiết. Ảnh: Việt Khánh. 

Cuộc sống của đồng bào chỉ đảm bảo khi có đủ quỹ đất canh tác cần thiết. Ảnh: Việt Khánh. 

Tổng quan chung vùng cao Nghệ An thực sự “khát” đất sản xuất. Không ngẫu nhiên mà đến những kỳ hội họp, tiếp xúc cử tri là đồng bào bản địa đều chủ động đưa ra kiến nghị nhằm mổ xẻ, chất vấn. Họ thắc mắc, băn khoăn vì sao rừng nghèo để không mà dân không được canh tác? Đáp lại, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nhấn mạnh quy định hiện hành chưa cho phép.

Lấy chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng làm đối chứng, trong phạm vi thụ hưởng trong lưu vực của Nhà máy Thủy điện Chi Khê (Con Cuông, Nghệ An), hộ tham gia nhận khoán chỉ hưởng định mức chi trả bọt bèo 13.000 đồng/ ha/ năm, áp dụng bù giá cũng chỉ nâng lên mức 200.000 đồng (bù đắp chỗ này sẽ hao hụt chỗ khác - PV), đồng nghĩa hộ gia đình được giao khoán bảo vệ tối đa 30 ha cũng chỉ thực nhận 6 triệu đồng/ năm, ấy là chưa kể nhiệm vụ tuần rừng gian nan, vất vả vô cùng. 

Xét theo góc độ kinh tế đơn thuần có thể hiểu được phần nào hành vi, nếp nghĩ của đồng bào miền núi. Trường hợp đủ điều kiện trồng rừng nếu chăm bẵm tốt, biết tận dụng nhân lực sẵn có, biết lấy công làm lãi thì mỗi ha mang lại doanh thu bình quân từ 60 - 80 triệu đồng, trừ chi phí lãi tầm phân nửa. Với chu kỳ kéo dài 4 - 5 năm, mỗi hộ chỉ cần sở hữu vài ha rừng trồng đã có trong tay lưng vốn kha khá, chung quy gấp hàng chục lần so với định mức hỗ trợ của Nhà nước.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

HANE trao tặng 1,5 triệu cây xanh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa

HANE vừa tổ chức lễ trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và dân huyện đảo Trường Sa 1,5 triệu cây xanh, góp phần 'Xanh hóa Trường Sa' giai đoạn 2024 - 2030.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất