| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài 3] Trầy trật trồng rừng thay thế

Thứ Tư 26/06/2024 , 06:20 (GMT+7)

Thực trạng khốn khó tại Nghệ An cho thấy chủ trương trồng rừng thay thế ít nhiều đã lỗi thời, triển khai có phần 'gượng ép' khiến tình hình chung rối tung rối mù.

Áp lực chất chồng

Trên danh nghĩa là chủ động đăng ký tham gia nhưng phải thẳng thắn thừa nhận các chủ rừng trên địa bàn Nghệ An không mấy “mặn mà” với công tác trồng rừng thay thế. Với diễn biến xuyên suốt những năm rồi, thấy rằng quan điểm trên không sai.

Năm 2022 Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương đăng ký thực hiện trên quy mô 100 ha. UBND tỉnh phê duyệt đợt 1 gồm 4 xã Yên Thắng (23,39 ha), Lượng Minh (8,51 ha), Hữu Khuông (26,11 ha), Nhôn Mai (9 ha). Đợt 2 bổ sung gần 33 ha thuộc địa bàn xã Nhôn Mai.

Trồng rừng thay thế luôn là nhiệm vụ hóc búa đối với các chủ rừng tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Trồng rừng thay thế luôn là nhiệm vụ hóc búa đối với các chủ rừng tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Sau khi hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt, Ban đã thông báo đến toàn thể cán bộ công nhân viên đăng ký thực hiện nhằm tăng thêm nguồn thu, dù vậy tham vọng trên sớm bị dội một gáo nước lạnh. Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam nhiều điểm trồng mới không đạt chất lượng, đặc biệt có những khu vực mất trắng toàn bộ. Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ  Tương Dương thừa nhận do nhiều yếu tố tác động, chủ quan có, khách quan có.  

Như xã Hữu Khuông chỉ trồng được 13,77 ha/ 26,11 ha kế hoạch, phân nửa còn lại không thể thực hiện vì nguồn gốc là khu vực… nghĩa trang của người dân. Sự tắc trách của tổ tư vấn thiết kế và Đoàn thẩm định hiện trường đã “báo hại” chủ đầu tư, dẫu muốn hay không về sau phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, đành phải loại trừ diện tích này ra do đồng bào bản địa kịch liệt phản đối.

Tại xã Yên Thắng dù phủ sóng toàn bộ 23,39 ha nhưng kết quả nghiệm thu thấp lè tè, chỉ đạt 0,93 ha, tương đương 0,04%, đồng nghĩa hầu hết cây trồng bị chết sạch bách. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc Ban chưa chủ động được nguồn giống nên phải cung ứng ở xa nhưng chất lượng không đảm bảo, kết hợp điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại địa phương (ít mưa, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp) dần dà dẫn đến thất bại toàn diện.

Tại khu vực xã Lượng Minh diễn biến cũng khá tương đồng khi mất trắng toàn bộ 8,51 ha. Đáng chú ý các lô, khoảnh được phê duyệt có hệ thực bì dày đặc, dù mất nhiều công sức xử lý nhưng chẳng ăn thua. Tiến hành trồng mới không được bao lâu thì chuối rừng, nứa tép đã phục hồi, mọc nhanh như thổi, chẳng mấy mà chèn ép, lấn át hoàn toàn không gian, hệ quả là cây mới chết sạch sau đó không lâu.

Địa điểm được phê duyệt trồng rừng thường xa tít mù khơi, đi lại cực kỳ khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Địa điểm được phê duyệt trồng rừng thường xa tít mù khơi, đi lại cực kỳ khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

“Của đau con xót”, tiếc công tiếc của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương đã chủ động lập Đoàn tiến hành kiểm tra, đánh giá kỹ lượng hiện trường 8,51 ha tại xã Xá Lượng, kết quả cho thấy điều kiện thực địa không cho phép trồng rừng trở lại, mặt khác hộ nhận khoán không đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục cáng đáng (trước đó cá nhân người lao động tự bỏ vốn). Trên cơ sở khách quan, đề xuất cho phép được hoàn trả vốn nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Trăn trở ngày cũ chưa qua thì nỗi lo ngày mới đã đến khi Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương tiếp tục được “ấn” thêm gần 73 ha nữa, diện tích này nằm trong kế hoạch trồng mới của năm 2024. Để độc giả có góc nhìn tổng quan nhất, chúng tôi đã tiếp cận với những cán bộ thuộc Trạm bảo vệ rừng Xá Lượng, nơi được giao trồng, quản lý, chăm sóc trực tiếp hơn 19 ha.

Ngày nào bộ phận chuyên môn của Trạm bảo vệ rừng Xá Lượng cũng phải di chuyển qua cung đường này. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày nào bộ phận chuyên môn của Trạm bảo vệ rừng Xá Lượng cũng phải di chuyển qua cung đường này. Ảnh: Việt Khánh.

Giữa trưa nhưng tiết trời hanh hao, nắng nhẹ, anh Lữ Ngọc Quảng, thuộc bộ phận tổ chỉ đạo trồng rừng khuyên: “Thời tiết đang ủng hộ, nếu các anh muốn lên điểm trồng rừng nên di chuyển luôn cho kịp, bằng không khi mặt trời đứng bóng chẳng lết nổi đâu”.

Nắng cũng như mưa, vốn dĩ thường ngày đều phải qua cung đường lầy lội, thông thạo địa hình như lòng bàn tay nên Quảng gợi ý dùng 2 xe gắn máy để dề bề di chuyển. Từ trạm bảo vệ rừng đến khu vực trồng mới dài chừng 4 - 5km, thoạt nghe tưởng bở ăn nhưng thực tế không phải vậy. 

Mở đầu tuyến là cung đường đất mềm như bún, xe di chuyển đến đâu chực lún đến đó, vào sâu một chút lại chi chít điểm gồ ghề, lởm chởm đá sắc nhọn, đan xen là những vũng lầy sâu hoắm do nước ứ đọng lâu ngày. Đó mới chỉ là gia vị khai màn, cung đường khổ ải chính thức hiện hình khi xuất hiện những khe suối băng cắt qua, trên bề mặt nước vẫn chảy xiết, dưới chân ngổn ngang sỏi đá bám đầy rong rêu, bánh xe chạm vào không đủ lực ma sát nên lật nghiêng, lật ngả.

Leo dốc là một nhẽ, trên đà lao xuống phải đặc biệt cảnh giác đề phòng, bằng không chẳng may mất lái, mất phanh thì nguy cơ đâm sầm vào ta-luy dương là điều khó tránh, nguy nan hơn cả là lao xuống vực sâu thăm thẳm.

Nhọc nhằn hì hục, đánh vật mãi, khi đồng hồ điểm đúng 12h chúng tôi mới lóp ngóp đến được lán trại dựng tạm của anh em giữ rừng, lúc này mồ hôi vã ra như tắm, mặt đỏ phừng phừng, miệng khô rông rốc. Cạn sức rồi nhưng hành trình chưa kết thúc, từ đây đến điểm trồng phải cuốc bộ chừng 10 – 15 phút nữa, nghĩ đến thôi đã nhụt chí mất rồi.

Là người trong cuộc, anh Lữ Ngọc Quảng thừa hiểu công tác trồng rừng thay thế không hề giản đơn. Ảnh: Việt Khánh.

Là người trong cuộc, anh Lữ Ngọc Quảng thừa hiểu công tác trồng rừng thay thế không hề giản đơn. Ảnh: Việt Khánh.

Cán bộ Lữ Ngọc Quảng tiến tới động viên, phần như muốn giãi bày những vất vả, gian truân của công việc thường nhật: “Khó nhọc là vậy nhưng anh em tại trạm phải luân phiên nhau túc trực, ngày nào cũng di chuyển lên đây kiểm tra, quán xuyến. Giai đoạn mới trồng, cây còn non càng phải quan tâm đặc biệt, nếu lơ là sẽ bị gia súc thả rông phá sạch bách”.

Cần một phương án mở

Đánh giá về công tác trồng rừng thay thế, lãnh đạo một chủ rừng (xin được giấu tên) thừa nhận quá khó nhọc, vừa tốn kém công sức lại hao tổn tiền của nhưng mức độ khả thi không cao.

Thứ nhất, trồng mới mục đích chính là bảo vệ, gia tăng vốn rừng nên chương trình thiên về trồng cây bản địa, cây dài ngày chứ không ưu tiên những những cây mọc nhanh như keo, lát. Vòng đời của cây bản địa lại kéo dài lê thê, có khi 20 năm, 30 năm chưa kịp khép tán, trong khi chu kỳ đầu tư chỉ kéo dài trong vài năm ngắn ngủi. Diện tích trồng mới chưa thành rừng lấy cơ sở đâu để đánh giá, nghiệm thu? Mặt khác, đối tượng trực tiếp tham gia xoay đâu ra kinh phí để tiếp tục đầu tư dàn trải?

Chương trình không khuyến khích trồng các loại cây phát triển kinh tế như keo hay lát, điều này cũng kéo theo nhiều áp lực cho đơn vị thực hiện. Ảnh: Việt Khánh.

Chương trình không khuyến khích trồng các loại cây phát triển kinh tế như keo hay lát, điều này cũng kéo theo nhiều áp lực cho đơn vị thực hiện. Ảnh: Việt Khánh.

Thứ hai là quỹ đất có thể tận dụng trồng rừng đa phần nằm xa lắc xa lơ, có những điểm trồng cung đường di chuyển dài đằng đẵng trên dưới 15 km, ngặt nỗi đơn giá, định mức hỗ trợ theo quy định chỉ “quy tròn” trong phạm vi 2 km, thành thử tốn kém, phát sinh ra sao chủ rừng phải nai lưng ra gánh.  

“Tại địa bàn miền núi bà con vẫn duy trì thói quen thả rông gia súc trong rừng sâu, không ai quán xuyến chúng sẽ tác động nghiêm trọng đến vốn rừng. Muốn bảo vệ phải xây dựng hệ thống rào che ngăn trâu, bò tác động, ngặt nỗi trong kế hoạch đầu tư trồng rừng thay thế lại không phân bổ kinh phí cho đầu mục này.

Người làm chính sách phải am hiểu thực tế, nếu chỉ xây dựng chung chung theo lý thuyết sáo rỗng chỉ khổ anh em cơ sở mà thôi. Họ cứ nghĩ địa điểm trồng rừng nằm sát bên vệ đường, đưa giống về phủ lên là xong, thực tế không phải vậy. Nào đâu đã hết, đã trồng rừng là phải phát quang, mở đường đi lối lại nhằm dễ bề cho quá trình di chuyển, khai thác về sau, có điều với tính chất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần đến cơ chế đặc thù mới được phép tác động, tựu chung không đơn giản đâu”, người này bộc bạch thêm.

Kinh phí rào che không có trong hạng mục phê duyệt, buộc chủ rừng phải tự chi nhằm ngăn trâu, bò phá hoại. Ảnh: Việt Khánh.

Kinh phí rào che không có trong hạng mục phê duyệt, buộc chủ rừng phải tự chi nhằm ngăn trâu, bò phá hoại. Ảnh: Việt Khánh.

Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, Sở NN-PTNT Nghệ An đã nhiều lần nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác trồng rừng thay thế, cụ thể như sau: Quỹ đất trống quy hoạch cho rừng phòng hộ, đặc dụng chủ yếu tập trung tại các huyện vùng núi cao (Kỳ Sơn hơn 63%, Tương Dương 17%, Quế Phong 14%), diện tích này cách xa đường giao thông, nằm sâu, tiếp giáp với rừng tự nhiên; phân bổ ở những nơi có độ dốc lớn, địa hình chia cắt bởi dông núi, khe suối; diện tích nhỏ lẻ, manh mún...

Cùng với đó, quy định đối với trồng rừng phòng hộ, đặc dụng cần ưu tiền trồng cây bản địa, khả năng thành rừng thấp. Kết hợp việc chậm thực hiện thanh, quyết toán vốn … đã kéo theo tâm lý ái ngại của các chủ rừng, phần lớn không dám đăng ký do lo ngại khó hoàn thành.

Xem thêm
Trồng thảo quả dưới tán rừng, tăng thu nhập, bảo vệ rừng

YÊN BÁI Nhiều hộ dân huyện vùng cao Mù Cang Chải phát triển cây thảo quả dưới tán rừng cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/ha/năm, hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường rừng.

Khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai

Rừng bị thiệt hại nặng, gãy đổ hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) thì khai thác, tận thu toàn bộ.

Lại cháy rừng Nghi Lộc

Nghệ An Chưa đầy 1 tuần, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 vụ cháy rừng, vụ cháy rừng lần này xảy ra vào buổi trưa khi nắng nóng gay gắt.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất