| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài 2] Mòn mỏi 'ngóng' sổ đỏ

Thứ Ba 25/06/2024 , 08:30 (GMT+7)

Nghệ An sở hữu diện tích rừng lớn nhất cả nước nhưng việc phân định mốc giới chưa rạch ròi, đây là nguồn cơn dẫn đến tranh chấp leo thang ở nhiều điểm, nhiều vùng.

Toàn tỉnh Nghệ An có hàng chục ngàn ha đất rừng thuộc diện tranh chấp. Ảnh: Khôi An.

Toàn tỉnh Nghệ An có hàng chục ngàn ha đất rừng thuộc diện tranh chấp. Ảnh: Khôi An.

Đất đai trong diện tranh chấp nghiễm nhiên không đủ điều kiện tiến hành đo đạc, cắm mốc nhằm tạo hành lang pháp lý để cấp quyền sử dụng. Hiện các chủ rừng tại Nghệ An đang lo ngay ngáy vì điều này.

Tai bay vạ gió

Ngoại trừ 2 Công ty lâm nghiệp là Sông Hiếu và Con Cuông, cơ bản các chủ rừng là tổ chức Nhà nước trên địa bàn Nghệ An đều “khát” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như nhau, tất cả chờ đợi mòn mỏi một danh phận đúng nghĩa hàng chục năm rồi.

Sau nhiều năm trì hoãn, đến nay các cấp, ngành tỉnh Nghệ An mới rục rịch bắt tay làm trên diện rộng, có điều án ngữ trước mắt là bức tường thành quá cao.

Đơn cử như Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương, đơn vị này đang được giao quản lý khoảng 86.600 ha, phân bổ khắp 16 xã, thị trấn nhưng chủ yếu rải ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở. Dự kiến phải thiết kế đến 968 mốc giới mới lấp đầy diện tích bạt ngàn nêu trên, "vẽ" ra như thế nhưng rất khó hoàn thành.

Với tư cách chủ rừng, BQLRPH Tương Dương đối diện với muôn vàn áp lực trong quá trình xác định mốc giới. Ảnh: Khôi An.

Với tư cách chủ rừng, BQLRPH Tương Dương đối diện với muôn vàn áp lực trong quá trình xác định mốc giới. Ảnh: Khôi An.

Đầu tiên phải nhắc đến sự nhập nhằng trong việc phân định ranh giới, điển hình là diện tích 200 ha tại 5 xã Hữu Khuông, Yên Tĩnh, Nhôn Mai, Mai Sơn, Xá Lượng của 83 hộ dân đang sử dụng, trái khoáy ở chỗ trên cơ sở pháp lý quỹ đất này thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ. Tương tự là những điểm C5 (vùng sản xuất tự phát của người dân) với tổng quy mô gần 14 ha, dù cho đơn vị chủ quản đã ra sức tuyên truyền, vận động di dời nhưng chưa mang lại kết quả. Liệu rằng khi tiến hành xác định rạch ròi, thực trạng “1 thửa nhất 2 chủ sở hữu” sẽ được xóa nhòa?

Những vấn đề trên dù cấp bách nhưng chưa “thấm” vào đâu so với thực trạng xâm lấn, xâm canh tại các vùng giáp ranh ở tiểu khu 681 của xã Lưu Kiên, tiểu khu 547, 560 xã Lượng Minh và tiểu khu 525 xã Nhôn Mai.

Nội dung này tồn tại dai dẳng hàng chục năm rồi, tỉnh Nghệ An, 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn đã ngồi lại với nhau không biết bao nhiêu bận nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ngay trong lần “hiệp thương” gần nhất, dù lãnh đạo 2 huyện cơ bản đã đồng thuận nhưng đại diện 2 xã Mường Lống, Nậm Càn kiên quyết không xác nhận vào nội dung biên bản làm việc (?!)

Hai xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (Tương Dương) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Khôi An.

Hai xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (Tương Dương) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ảnh: Khôi An.

Quá trình phân định tuyến địa giới hành chính ròng rã qua năm này sang năm khác khiến các bên liên quan thực sự mệt mỏi. Bức bí ra sao cứ nhìn vào hành trình “định danh” hàng trăm ha rừng của 2 xã Nhôn Mai (Tương Dương) và Mường Lống (Kỳ Sơn) sẽ rõ.

Nhằm nỗ lực sớm xóa bỏ những rào cản, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, sơ bộ định hình 3 khu vực riêng biệt. Trong đó khu số 1 (gồm khoảnh 1 tiểu khu 532 ; khoảnh 6, 7 tiểu khu 525) xen giữa bản Huồi Vi cũ của xã Mường Lống và bản Phia Òi cũ của xã Nhôn Mai.

Vị trí đầu tiên kéo từ đỉnh dông sang phía bản Phia Òi (khoảnh 1 tiểu khu 532) với diện tích khoảng 60 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất và ngoài lâm nghiệp, nơi này nhân dân 2 bản của 2 xã vẫn sản xuất, chăn nuôi xen lẫn. Thời điểm kiểm tra ghi nhận khoảng 30 ha là rừng tự nhiên phục hồi, số còn lại là đất trống, trên đất mọc nhiều cỏ tự nhiên để phục vụ chăn thả gia súc (trâu, bò ngựa) của người Mường Lống tràn sang.

Vị trí còn lại rộng trên 173 ha, kéo từ đỉnh dông sang phía khe chính thuộc khoảnh 6, 7 của tiểu khu 525, toàn bộ khu vực thuộc quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định 48/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, đã giao cho  Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương quản lý. Tuy nhiên, hiện trạng thực tế cho thấy khoảng 123 ha là đất trống không có rừng (có cỏ tự nhiên để phục vụ chăn nuôi) được các số hộ dân của xã Mường Lống tận dụng chăn thả gia súc, làm rẫy, dựng lán trại, trồng cây ăn quả.

Khu vực số 2 (khoảnh 1, 3, 5 tiểu khu 525) là mặt giáp khe chính rộng 145 ha, nơi này người dân Mường Lống đang chăn nuôi, hiện trạng là rừng tự nhiên phục hồi, toàn bộ thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương.

Khu vực số 3 quy mô lên đến gần 200 ha, hiện trạng là rừng tự nhiên trên núi đá, lèn đá với độ dốc cao, nơi đây có nhiều cây gỗ rừng tự nhiên lớn, cảnh quan rất đẹp, an ninh rừng ổn định. Phía huyện Tương Dương khẳng định, nhờ nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban quản lý rừng phòng hộ mới giữ được hiện trạng rừng tốt như hôm nay.

Tương tự là diễn biến ở 2 xã Nhôn Mai và Mường Lống, sự thể kéo dài dai dẳng hàng chục năm rồi. Ảnh: Khôi An. 

Tương tự là diễn biến ở 2 xã Nhôn Mai và Mường Lống, sự thể kéo dài dai dẳng hàng chục năm rồi. Ảnh: Khôi An. 

Trước sau huyện Tương Dương giữ vững lập trường, rằng địa giới hành chính theo bản đồ 364 là cơ sở pháp lý cao nhất, xét theo đây ranh giới nghiễm nhiên thuộc về họ. Bấy lâu nay người dân Mường Lống vẫn qua xâm canh, thực trạng kéo dài qua nhiều thế hệ. Biết rõ bất cập nhưng xét thấy “trong cái lý có cái tình” nên chấp nhận điều chỉnh bằng việc cắt hơn 173 ha diện tích của xã Nhôn Mai về cho xã Mường Lống.

Tưởng như động thái hài hòa sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt dai dẳng, nào ngờ phương án mở không nhận được sự đồng thuận khi phía Mường Lống mong muốn có quỹ đất gấp 3 lần con số đề xuất. Không tìm thấy sự đồng điệu cần thiết, sụ thể chính thức đóng băng từ đây.

Lý giải nguyên nhân, ông Và Chá Xà Chủ tịch UBND xã Mường Lống nói thẳng: “Biết bao thế hệ người dân Mường Lống đã sống, đã sản xuất từ năm 1949 đến nay, hiện nhà cửa, trâu bò, các điểm C5 vẫn hiển diện trên mảnh đất ấy. Giá trị lịch sử còn đó nhưng Bản đồ 364 lại bác bỏ, xác định địa giới thuộc về huyện Tương Dương. Dân bản không đồng tình với cách lập luận ấy nên lãnh đạo cấp xã không thể kí vào biên bản làm việc được”.  

Bất nhất số liệu thực tế, lần mò dò dẫm từng bước

Đất đai chỉ được bàn giao trên giấy tờ chứ không qua thực địa là nguồn cơn của tình trạng quản lý lỏng lẻo, giao khoán sai đối tượng, chuyển nhượng trái phép… tại các đơn vị chủ rừng. Sự thể kéo dài làm kìm hãm, xáo trộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa đang lãng phí trầm trọng nguồn tài nguyên quốc gia.

Nhân buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Sở NN-PTNT thẳng thắn nêu bật tình hình: “Hiện nay phần lớn các chủ rừng là tổ chức nhà nước (đặc biệt là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) được giao quản lý diện tích rừng và lâm nghiệp rất lớn, song hầu hết chưa được cắm mốc phân định các loại rừng ngoài thực địa. Trên cơ sở đó, đề nghị tỉnh xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành tham mưu bố nguồn kinh phí cắm mốc, phân định ranh giới các loại rừng ở thực địa để các đơn vị thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao”.

Số liệu quản lý đất lâm nghiệp của ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên vênh nhau khoảng... 25.000 ha. Ảnh: Việt Khánh.

Số liệu quản lý đất lâm nghiệp của ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên vênh nhau khoảng... 25.000 ha. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ tính chất cấp bách, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị liên quan phải khẩn trương xắn tay vào cuộc, riêng Sở TN-MT được giao tư cách chủ trì.

Kế hoạch đợt 1 triển khai cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất… cho 11 chủ rừng là tổ chức nhà nước, tổng hòa là vậy nhưng để làm được chẳng dễ dàng gì, nhất là khi diện tích quản lý, sử dụng của các tổ chức rất mơ hồ, tính chính xác không cao. Chính ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận số liệu về đất lâm nghiệp của các ngành chưa “khớp”, qua đối chứng chênh nhau khoảng… 25.000 ha.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.