Anh Lê Anh Tuấn, cán bộ phụ trách kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo cho một doanh nghiệp ngoài Bắc đã quyết định chuyển vào Đà Lạt để phát triển nghề này, cho biết: “Đà Lạt là nơi lý tưởng để phát triển loại cây dược liệu này.
Do khí hậu miền Bắc nóng lạnh khá thất thường nên đông trùng hạ thảo phát triển tương đối chậm, tỉ lệ hư hỏng khá cao, chi phí đầu tư lớn vì phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị sưởi ấm hoặc làm mát".
Trước khi quyết định đầu tư tại Đà Lạt, anh Tuấn đã được Cty "biệt phái" vào Đà Lạt “nằm vùng” suốt 5 năm, mục đích để nghiên cứu cách nuôi trồng đông trùng hạ thảo theo hướng công nghiệp nhân tạo mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng của dược liệu như trong tự nhiên.
Theo anh Tuấn, Đà Lạt có khí hậu mát mẻ, nhiệu độ quanh năm luôn dao động từ 15-25 độ C, độ ẩm tương đối cao, đó là điều kiện lý tưởng để nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Chi phí SX cũng thấp hơn ngoài Bắc rất nhiều. Sau một thời gian làm thử nghiệm, theo dõi sự phát triển của đông trùng hạ thảo khi được nuôi trồng ở đây, doanh nghiệp nơi anh Tuấn làm việc quyết định vung tiền tỉ đầu tư phát triển loại dược liệu này tại Đà Lạt với quy mô lớn.
Khu nuôi trồng đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp tại khu quy hoạch Yersin, phường 9, TP Đà Lạt, được chia thành 3 khu chính gồm: khu nguyên liệu tạo giống (nhà ủ, cấy giống…), khu nuôi trồng và khu thành phẩm với đầu tư quy mô bài bản, rộng hơn 2 ha.
Các công đoạn chọn, nhân giống, cấy truyền giống và nuôi lớn cây đều được thực hiện khép kín ngay tại đây. Sau hơn 90 ngày sẽ cho ra đời những cây đông trùng hạ thảo “Made in Vietnam” chất lượng không thua kém đông trùng hạ thảo nhập từ Hàn Quốc.
Quá trình SX đông trùng hạ thảo khá kỳ công. Ấu trùng được sử dụng ở đây là nhộng tằm, được xay nhuyễn sau đó ủ trong gạo và nước dừa cùng các chất dinh dưỡng để tạo thành giá thể cho cây nấm ký sinh phát triển thành đông trùng hạ thảo.
Nấm ký sinh cũng được lai tạo và nuôi trong môi trường dinh dưỡng từ 3-5 ngày trước khi được cấy vào “giá thể ấu trùng”. Sau 19-25 ngày ủ để hình thành cây sẽ được đưa ra ngoài nuôi trong nhà lưới 2-2,5 tháng ở nhiệt độ tối ưu là 18-22 độ C, độ ẩm 85-90% và ánh sáng khoảng 2.000 lux.
Theo giải thích của anh Tuấn, trong tự nhiên đông trùng hạ thảo là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi với ấu trùng của một loài côn trùng. Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất.
Đông trùng hạ thảo được xem là dược liệu quý hơn nhân sâm với rất nhiều công dụng cho sức khỏe con người. Thường được tìm thấy vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 - 5.000 m của Trung Quốc.
Hiện nay, đầu ra cho đông trùng hạ thảo của Cty anh Tuấn làm việc khá ổn định, 50% sản lượng được bán cho các DN dược phẩm trong nước và 50% được xuất sang các thị trường EU, Nhật Bản, Đức… với giá bán khoảng 120 triệu đồng/kg khô.
Trong chuyến tham quan mô hình này mới đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đông trùng hạ thảo là đỉnh cao của nông nghiệp công nghệ cao. Sau thành công của nông nghiệp công nghệ cao về rau, hoa, cá nước lạnh… thì việc nhân giống và nuôi trồng dược liệu này tại Đà Lạt chính là tiền đề để hướng tới xây dựng trung tâm đông trùng hạ thảo của Việt Nam và Đông Nam Á tại Lâm Đồng trong tương lai”.