Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là gì? Đó là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus.
Thường gặp nhất là sâu non của loài Hepialus armoricanus. Ngoài ra còn 40 loài khác thuộc chi Hepialus cũng có thể bị Cordyceps sinensis ký sinh. Vào mùa đông nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng.
Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm (stroma) hình trụ thuôn nhọn. Chỉ phát hiện được ĐTHT vào mùa hè ở một số cao nguyên cao hơn mặt biển từ 3.500 đến 5.000 m. Đó là các vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hi, Cam Túc, Vân Nam... (Trung Quốc).
Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối (biomass) của ĐTHT có 17 acid amin khác nhau, có D-mannitol, có lipid, có nhiều nguyên tố vi lượng (Al, Si, K, Na...).
Quan trọng hơn là trong sinh khối ĐTHT có nhiều chất hoạt động sinh học mà các nhà khoa học đang phát hiện dần dần ra nhờ các tiến bộ của ngành hoá học các hợp chất tự nhiên. Nhiều hoạt chất này có giá trị dược liệu thần kỳ. Trong đó phải kể đến acid cordiceptic, cordycepin, adenosine, hydroxyethyl-adenosine. Đáng chú ý hơn c là nhóm hoạt chất HEAA (Hydroxy-Ethyl-Adenosine- Analogs).
ĐTHT còn có chứa nhiều loại vitamin (trong 100 gr ĐTHT có 0,12 gr vitamin B12; 29,19 mg vitamin A; 116,03 mg vitamin C. Ngoài ra còn có vitamin B2 (riboflavin), vitamin E, vitamin K...). Chi nấm Cordyceps có tới 350 loài khác nhau, chỉ riêng ở Trung Quốc đã tìm thấy 60 loài. Tuy nhiên cho đến nay người ta mới chỉ nghiên cứu nhiều nhất được về 2 loài Cordyceps sinensis (Berk.) Sacc. và Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link.
Loài thứ hai được gọi là Dõng trùng thảo, ta dịch là Nhộng trùng thảo (vì phát triển trên nhộng tằm). Sưu tập giống của chúng tôi (Bảo tàng giống chuẩn quốc gia VTCC) hiện đã có tới trên 5.000 chủng vi sinh vật, nhưng mỗi lần có thêm được một chủng vi sinh vật mới là một lần chúng tôi thêm một hy vọng có thể đóng góp cho đất nước một sản phẩm mới.
Viện Vi sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc có cho chúng tôi một chủng Cordyceps sinensis, nhưng rất tiếc khi kiểm tra lại ADN thấy chưa đúng nên chưa thể đưa vào SX. Bạn nào đủ sức khỏe đi Tây Tạng lấy mẫu (lượng oxy ở đây khá thấp) tôi sẵn sàng hướng dẫn cách bảo quản để đưa về nước tiến hành phân lập loài Cordyceps sinensis. Tôi từ lâu rất muốn đi làm việc này nhưng sức khỏe không cho phép. Các bạn trẻ ở Viện tôi phần lớn lại là nữ, không thể đi được (!).
Ai sang Trung Quốc cũng muốn mua làm quà một ít ĐTHT vì danh tiếng của loại dược liệu này quá lớn và đem tặng ai cũng quý. Một viện nghiên cứu Công nghệ sinh học ở Trung Quốc đã giới thiệu cho chúng tôi việc phân lập thành công nấm Cordyceps sinensis trong ĐTHT và chứng minh được mọi dược liệu đều nằm trong phần Hạ thảo chứ không hề có gì trong phần Đông trùng. Vậy là họ đã có trong tay một của quý.
Những lần sang Trung Quốc gần đây tôi đã thấy những viên nang ĐTHT trong các ống thuốc hay vỉ thuốc rất đẹp và với giá rẻ hơn rất nhiều so với mẫu ĐTHT tự nhiên mà chúng ta vẫn thấy bán ở Bắc Kinh và một số thành phố khác.
Tôi được tham dự một Hội nghị quốc tế về Công nghệ sinh học ở Thái Lan và tôi rất ngạc nhiên khi thấy không chỉ có các báo cáo rất sâu về ĐTHT của các nhà khoa học Trung Quốc mà còn có các báo cáo sâu hơn nữa về ĐTHT của các nhà khoa học Mỹ. Vì sao chúng được coi như một trong những loại thần dược nổi tiếng khắp thế giới?
Sách y học cổ truyền của Trung Quốc từ xa xưa đã coi ĐTHT là vị thuốc có tác dụng “Bổ phế ích can, bổ tinh điền tuỷ, chỉ huyết hoá đàm”, “Bổ phế ích thận, hộ dưỡng tạng phủ”, “Tư âm tráng dương, khư bệnh kiện thân”; là loại thuốc “Tư bổ dược thiện”, có thể chữa được “Bách hư bách tổn”.
Tôi rất ngạc nhiên khi cơ quan quản lý nào đã cho phép gọi Nhộng trùng thảo là ĐTHT? Tôi nghĩ chúng ta có đầy đủ các cơ quan nghiên cứu vi sinh vật học, có đầy đủ trang thiết bị để giải trình tự ADN giúp định tên chính xác các loài vi sinh vật. Vì sao các cơ quan quản lý không yêu cầu xác minh tên loài trước khi cho phép SX, lưu hành và tuyên truyền rộng rãi với tên thương phẩm là ĐTHT? Sản phẩm nuôi cấy ở Trung Quốc là các sản phẩm lên men với các nồi lên men lớn từ chủng Cordyceps sinensis (Berk.)Sacc. chứ hoàn toàn không phải là chủng Cordyceps militaris (L. ex Fr.) Link. Đây là chuyện quan trọng liên quan đến đông đảo người tiêu dùng, tôi trân trọng đề nghị Bộ KH-CN cùng Bộ Y tế cần lập nhóm thẩm định với sự tham gia của Hội Các ngành Sinh học Việt Nam để tránh sự ngộ nhận của đông đảo người tiêu dùng. |
Mặt khác các nghiên cứu cổ truyền cũng như các thực nghiệm hiện đại đều xác định ĐTHT hầu như không có tác dụng phụ đối với cơ thể người và động vật. Liều uống ĐTHT an toàn đối với chuột thí nghiệm là trên 45 gr/1kg thể trọng. Các nghiên cứu y học và dược học đã chứng minh được các tác dụng sau đây của ĐTHT:
1- Chống lại tác dụng xấu của các tân dược đối với thận, thí dụ đối với độc tính của Cephalosporin A.
2- Bảo vệ thận trong trường hợp gặp tổn thương do thiếu máu.
3- Chống lại sự suy thoái của thận, xúc tiến việc tái sinh và phục hồi các tế bào tiểu quản ở thận.
4- Làm hạ huyết áp ở người cao huyết áp.
5- Chống lại hiện tượng thiếu máu ở cơ tim.
6- Giữ ổn định nhịp đập của tim.
7- Tăng cường tính miễn dịch không đặc hiệu.
8- Điều tiết tính miễn dịch đặc hiệu.
9- Tăng cường năng lực thực bào của các tế bào miễn dịch.
10- Tăng cường tác dụng của nội tiết tố tuyến thượng thận và làm trương nở các nhánh khí quản.
11-Tăng cường dịch tiết trong khí quản và trừ đờm.
12- Làm chậm quá trình lão hoá của cơ thể.
13- Hạn chế bệnh tật của tuổi già.
14- Nâng cao năng lực chống ung thư của cơ thể.
15- Chống lại tình trạng thiếu oxygen của cơ thể.
16- Tăng cường tác dụng lưu thông máu trong cơ thể.
17- Hạn chế tác hại của tia gamma đối với cơ thể.
18- Tăng cường tác dụng an thần, trấn tĩnh thần kinh.
19- Tăng cường việc điều tiết nồng độ đường trong máu.
20- Làm giảm cholesterol trong máu và chống xơ vữa động mạch.
21- Xúc tiến tác dụng của các nội tiết tố (hormone).
22- Tăng cường chức năng tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng.
23- Ức chế vi sinh vật có hại, kể cả vi khuẩn lao.
24- Kháng viêm và tiêu viêm.
25- Có tác dụng cường dương và chống liệt dương.
Vì ĐTHT thu nhặt từ thiên nhiên chỉ có hạn, môi trường tự nhiên thích hợp cho sự phát triển của ĐTHT lại toàn là các vùng núi non và cao nguyên hiểm trở, xa xôi, cho nên càng ngày càng khan hiếm và khó mua. Vì đã chứng minh các hoạt chất đều tập trung trong nấm Cordyceps sinensis cho nên nếu thấy con sâu khô nào đã rụng mất râu (chính là nấm Cordyceps sinensis ) thì chả còn tác dụng gì nữa đâu!
Thật tiếc khi có người đã gọi loài nấm Nhộng trùng thảo Cordiceps militaris, nhưng lại gọi là ĐTHT (!). Chúng tôi luôn bảo quản từ lâu chủng nấm này và cung cấp giống cho bất kỳ ai với giá chỉ khoảng... 5 USD (!).
Nhộng trùng thảo cùng chi với ĐTHT, nhưng khác loài và giá trị dược liệu thì hoàn toàn không thể so sánh được với ĐTHT. Môi trường nuôi cấy rất rẻ tiền, chỉ cần trộn gạo với nước theo tỷ lệ 1:1, phân vào các bình tam giác rồi khử trùng, cấy giống, nuôi cấy trong phòng có nhiệt độ 20 - 25 độ C với độ ẩm không khí khoảng 75 - 80%. Sau khoảng 20 ngày thấy bào tử chuyển màu vàng da cam là có thể thu hoạch (không cần đến hơn 3 tháng).
Cũng đã có đơn vị mua Nhộng trùng thảo khô ở Trung Quốc rồi nghiền thành bột và đóng viên để tiêu thụ ở Việt Nam với tên thương phẩm là ĐTHT (!). Vì giá rất rẻ nên ở Trung Quốc người ta không chế biến thành các viên thuốc mà chỉ mua cân về nấu ăn như... nấu canh. Còn ĐTHT với các tác dụng như nói trên thì rất đắt, mỗi 100 gr khoảng 200 - 250 con (sâu + nấm) giá khoảng 100 triệu đồng.