Nhiều người cho rằng, đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành cây cỏ nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên theo giới khoa học, đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng.
Cuối mùa thu đầu đông, chúng ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả, mọc thành dạng cây cỏ.
Trên thế giới, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200 mét thuộc dãy núi Himalaya và vùng Tây Tạng. Mỗi năm sản lượng thu được chỉ 80 kg nên giá thành rất cao từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng một kg. Trên thị trường Hà Nội, nấm đông trùng hạ thảo chủ yếu là do nuôi trồng.
Nhóm khoa học Viện Bảo vệ thực vật đã nhập giống nấm với chi phí hơn 1.000 USD một mẫu để nhân nuôi và nghiên cứu.
Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đông trùng hạ thảo chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao, trong đó nhóm tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch.
Sau khi nhập giống về, nhóm tập trung nghiên cứu công nghệ nuôi trồng, trong đó đi sâu tìm hiểu về thành phần môi trường dinh dưỡng; các yếu tố tác động như sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng; từ đó tạo điều kiện trong phòng thí nghiệm phù hợp cho nấm phát triển.
Các nhà khoa học nuôi đông trùng hạ thảo bằng hai phương pháp ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng và nuôi trực tiếp trên ký chủ là con nhộng tằm. "Với ký chủ là nhộng tằm, chúng tôi có thể chủ động được nguồn cung cấp và nó là loài côn trùng làm thức ăn cho con người nên không gây hại", ông Nhạ nói.
Trong môi trường nhân tạo, có hai thành phần dinh dưỡng chính là dinh dưỡng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển và giá thể để đỡ thường là gạo lứt. Các nhà khoa học đã khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong với thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện.
Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên môi trường nhân sinh khối. Ảnh: Phạm Nhạ
Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ.
Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì Viện chỉ bán 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg.
Các chuyên gia cảnh báo, hiện trên thị trường có tới 70% là hàng giả nấm đông trùng hạ thảo và đối tượng sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn nên khó có thể phân biệt hàng thật giả.