| Hotline: 0983.970.780

Nôn nao vụ nuôi tôm đầu năm

Thứ Hai 20/02/2023 , 13:53 (GMT+7)

Ở Sóc Trăng dân nuôi tôm ven biển sốt sắng vào vụ thả nuôi, mặc dù vật tư thủy sản đầu vào tăng lên nhưng dấu hiệu thị trường chuyển biến khả quan.

Thu hoạch tôm vận chuyển về nhà máy chế biến thủy sản tại Sóc Trăng Ảnh Hữu Đức

Thu hoạch tôm vận chuyển về nhà máy chế biến thủy sản tại Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Giá tôm kích hoạt vào vụ

Tại Sóc Trăng và một số vùng nuôi tôm thẻ các tỉnh lân cận tôm thẻ nguyên liệu đột ngột giữ giá tăng nhẹ và hút hàng. Trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán, các đại lý thu mua bán tôm về nhà máy chế biến thủy sản báo loại tôm thẻ cỡ lớn giá tăng khá.

Tuần trước, tôm cỡ 40-90 con/kg giá tăng 2.000-19.000 đồng/kg, riêng tôm cỡ 20 con/kg giá cao hơn 46.000 đồng/kg, loại 50-80 con/kg giá thấp hơn 4.000-9.000 đồng/kg. Còn tôm các cỡ còn lại không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Một số đại lý và thương lái tôm chạy hàng chợ nội địa, cho rằng giá tôm thẻ tưởng chừng như sau tết sẽ khó tăng giá do đầu vụ thả nuôi. Hơn nữa, vì tôm mới vào vụ, thu hoạch ít và nhất là các nhà máy chế biến tôm đang hạ mức thu nguyên liệu khi thị trường xuất khẩu báo hiệu chững lại.

Nhưng không, thực tại lại khác. Tôm thẻ cỡ nhỏ 100 con/kg thương lái thu gom 100 ngàn đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ  5.000-10.000 đồng/kg, tôm cỡ 50 con/kg trên mức 130 ngàn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ khoảng 10.000 đồng/kg.

Dân thương lái bán tôm tươi chuyên chạy hàng ra các tỉnh phía Bắc cho biết thêm, do vừa qua đợt lạnh nhiều và kéo dài ra những ngày sau tết ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Lúc đó khu vực này chưa có tôm thu hoạch.

Nhu cầu tiêu dùng tôm tươi chợ nội địa còn cao. Loại tôm chạy oxy cỡ 20 con/kg bán giá lên tới 400.000 đồng/kg, trong khi tôm đông đá cỡ này giá 350.000 đồng/kg. Còn tôm cho ngủ đông mua từ tôm oxy (qua nhà máy cấp đông rời) chất lượng ngon như tôm tươi, chuyển đi máy bay cũng hút hàng khá mạnh.

Theo giám đốc một công ty chế biến xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng, đầu năm nay  trong tình hình hợp đồng xuất khẩu ít, nhưng không phải không có đơn hàng nên một số nhà máy vẫn phải giữ nhịp độ thu mua nguyên liệu, duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân công nhân. Đồng thời, công ty xúc tiến tìm kiếm đối tác, hợp đồng mới. Do vậy về mặt này, khi tôm nguyên liệu duy trì mức giá tốt sẽ tác động tích cực đến người nuôi tôm vào vụ sản xuất đầu năm.

Tôm chậm vào vụ

Theo người dân nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ vùng ven biển Đông từ Sóc Trăng về Bạc Liêu, trong tháng đầu năm nay tôm vào vụ chậm do độ mặn thấp. Người nuôi tôm Sóc Trăng còn do dự vì thời tiết xuất hiện vài cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng không khí lạnh kéo dài, lo ngại tình hình dịch bệnh…nên đa số hộ nuôi tôm lo cải tạo, làm vệ sinh ao nuôi, chờ điều kiện thời tiết, môi trường nước tốt để vào vụ.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bước qua tháng 1/2023, vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh mới lần lượt vào vụ thả giống. Hiện nay độ mặn mới bắt đầu tăng, đã có trên 700ha đã vào vụ thả nuôi, hơn 36% so với cùng kỳ. Tôm đang tiến triển bình thường, ổn định, chưa phát sinh diện tích tôm nuôi thiệt hại.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả ở ĐBSCL Ảnh Hữu Đức

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả ở ĐBSCL. Ảnh: Hữu Đức.

Thời vụ thả nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL từ tháng 1 đến tháng 6. Trong đó các trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có điều kiện nối tiếp vụ 2 có thể kéo dài đến cuối tháng 9. Tuy nhiên trong tháng 1/2023 vừa qua, kết quả quan trắc một số vùng nuôi tôm độ mặn thấp nhất khoảng 2‰.

Dân nuôi tôm thẻ nước lợ cho rằng, theo kinh nghiệm nếu nuôi trong ao đất nội đồng độ mặn cần 5-7‰, nuôi tôm thẻ trong ao lót bạt công nghiệp phải trên 10‰. Nuôi tôm sú độ mặn cao hơn từ 15-25‰. Bên cạnh đó biên độ chênh lệch nhiệt độ ngày-đêm khá cao thả tôm sẽ rủi ro cao.

Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường, cập nhật thông tin thời tiết và cảnh báo dịch bệnh đến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều năm tỉnh Sóc Trăng duy trì ổn định vùng nuôi tôm nước lợ trên 53.000ha, trong đó có khoảng 4.000 nuôi tôm tập trung ở các trại nuôi ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 9% diện tích.

Năm 2022, ĐBSCL có diện tích nuôi tôm nước lợ 516.000ha, tương đương so với năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 436.000, tôm thẻ chân trắng 80.000 ha. Sản lượng tôm cả năm 670.000 tấn, trong đó tôm sú 201.000 tấn, sản lượng tôm thẻ là 469.000 tấn.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.