| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND Tỉnh Sóc Trăng

Nhiều ưu đãi thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Thứ Sáu 29/04/2022 , 09:01 (GMT+7)

Tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều thành tựu 30 năm phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng trao đổi với báo Nông Nghiệp Việt Nam...

Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hoàng Vũ

Ông Trần Văn Lâu – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hoàng Vũ

Sóc Trăng sau 30 năm tái lập tỉnh đã phát huy thế mạnh sản xuất (SX) nông nghiệp trên nền hệ sinh thái phong phú, đa dạng... tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng liên tục?

Tỉnh Sóc Trăng đạt được thành tựu trên, trên cơ sở quy hoạch các vùng SX theo hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt. Những năm qua tỉnh đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như đầu tư hệ thống thủy lợi ở các vùng SX trọng điểm, xây các đê, cống ngăn mặn, trữ ngọt… Ngoài ra tỉnh còn triển khai một số dự án theo từng lĩnh vực như: Dự án phát triển lúa đặc sản, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ khoa học vào SX (gồm 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm), SX các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, tổ chức liên kết… Từ đó, sản lượng lúa toàn tỉnh vượt trên 2 triệu tấn/năm. Đến năm 2021 lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm gần 74% sản lượng lúa toàn tỉnh.

Về dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, tỉnh từng bước nâng chất, cải tạo, trồng mới, diện tích cây ăn trái gần 29.000 ha. Tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các HTX sản xuất cây ăn trái đặc sản. Trong đó, năm 2021, sản phẩm bưởi và vú sữa tiêu thụ trên 1.400 tấn, tăng 61% cùng kỳ, trong đó xuất khẩu 213,7 tấn.

Thủy sản là thế mạnh của tỉnh, do vậy tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông. Tỉnh đã triển khai và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả từ Dự án phát triển nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD). Đến năm 2021 sản lượng thủy sản đạt gần 340.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 183.200 tấn. Nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả được nhân rộng như: Nuôi tôm lót bạt 2 giai đoạn, mô hình nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, cá chẽm, mô hình nuôi ao đất truyền thống, mô hình nuôi ao đất có hố xiphong, ao tròn lót bạt nổi.

Một số DN nuôi tôm trên địa bàn còn ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nuôi tôm với mật độ cao. Đến nay hiện có tổng diện tích nuôi tôm lót bạt trên 4.000 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, góp phần tạo vùng nguyên liệu sạch, cung cấp các nhà máy chế biến xuất khẩu. Hơn nữa, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 13 Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu với quy mô gần 162.000 tấn/năm. Các nhà máy được đầu tư chiều sâu với các trang thiết bị hiện đại nên đóng góp phần lớn trong tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có 38 DN, cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhỏ, lẻ phục vụ nhu cầu nội địa và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản khác với công suất ước khoảng 250 tấn/năm và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu thủy sản đạt 63 tấn/năm… Các DN cơ sở nầy đã góp phần rất lớn vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Năm 2021 vừa qua lần đầu tiên Sóc Trăng đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt trên 1 tỷ USD. Trong giai đoạn mới, tỉnh định hướng như thế nào để phát huy tối đa tiềm năng kinh tế?

Hiện nay, tỉnh đang tiến hành xây dựng các phương án để tích hợp chung vào Quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có phương án phát triển thủy sản trong quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm) ứng dụng công nghệ cao, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và nuôi quảng canh bền vững. Phổ biến áp dụng mô hình nuôi thả thủy sản tuần hoàn nguồn nước, sử dụng các chế phẩm công nghệ sinh học giúp nông dân nuôi thủy sản bền vững và các qui trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo qui phạm thực hành tốt (GAP), quy tắc ứng xử có trách nhiệm (COC) để không bị trở ngại bởi hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu thúc đẩy chuyển đổi số trong phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Đối với đầu tư công vào lĩnh vực nông nghiệp, ngoài phát huy hiệu quả của Dự án CRSD, hướng tới tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh triển khai Dự án Phát triển thủy sản bền vững (SFDP) ở Sóc Trăng, tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông đồng bộ vùng dự án để phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Trần Văn Lâu (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến thăm vùng trồng lúa thơm ST. Ảnh: Hoàng Vũ

Chủ tịch Trần Văn Lâu (thứ ba từ phải sang) cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT đến thăm vùng trồng lúa thơm ST. Ảnh: Hoàng Vũ

Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2022 - 2026, triển khai ở 4 địa phương vùng ven biển huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Kinh phí trên 950 tỷ đồng, trong đó đầu tư nâng cấp hạ tầng thủy sản 695 tỷ đồng.

Thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) đổi thay diện mạo làng quê, trong những năm tới, tỉnh sẽ đầu tư hỗ trợ thực hiện chương tình xây dựng NTM và phát triển thêm sản phẩm OCOP như thế nào?

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã mang đến cơ hội thực sự để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đưa Sóc Trăng sớm trở thành tỉnh có mức phát triển khá trong khu vực ĐBSCL. Do đó xuyên suốt giai đoạn 2011 - 2021, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Sóc Trăng với sự quyết tâm và đồng thuận cao đã nỗ lực, chủ động triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, thông qua triển khai đồng bộ, lồng ghép, hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế nông thôn như cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Kết quả nổi bật, đến năm 2019 tỉnh Sóc Trăng hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Trong năm 2021, toàn tỉnh công nhận thêm 8 xã đạt chuẩn NTM và 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tính đến nay tỉnh có 58 xã (72,5%) đạt chuẩn NTM và 9 xã (11,25%) đạt chuẩn NTM nâng cao; có 2 thị xã hoàn thành xây dựng NTM là thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu và 1 huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn NTM.  

Chương trình OCOP hiện có 156 sản phẩm được đánh giá công nhận, gồm 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 27 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 128 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 85 DN, HTX, hộ kinh doanh. Sản lượng tiêu thụ của các sản phẩm OCOP được tăng lên từ 10 - 40%, có sản phẩm tăng lên đến 400%, điển hình như các sản phẩm Mật ong Xanh, Rượu Hữu Lộc, Trà mãng cầu Cẩm Thiều, Trà mãng cầu Ngọc Trân, Mắm cua gạch, Khô trâu Sáu Sành, Tinh dầu sả An Phú Hưng...

Theo định hướng đến năm 2025, tỉnh tiếp tục xác định xây dựng NTM dựa vào cộng đồng với người dân là trung tâm, là chủ thể và phát triển sản phẩm OCOP theo hướng nội sinh, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình OCOP theo hướng gắn kết chặt chẽ và đồng bộ, nhất là gắn kết, phối hợp trong phát triển sản phẩm OCOP với các chương trình chuyên đề phục vụ xây dựng NTM như Chương trình về phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng NTM, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh hay Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Qua đó sẽ đưa Chương trình OCOP ngày càng trở thành giải pháp trực tiếp, hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu chính của xây dựng NTM - phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Cùng với hoạt động ưu tiên đầu tư công thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh có chủ trương ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này?

Để thu hút các thành phần kinh tế và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã ban hành Chính sách đặc thù khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, tín dụng,… đối với những dự án SX nông nghiệp hữu cơ, cụ thể như ưu đãi về đất đai nếu nhà đầu tư tham gia: Tại TP Sóc Trăng: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 7 năm tiếp theo. Tại các huyện, thị xã: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước… Còn đối với dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nếu tham gia đầu tư thì nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê và chỉ hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng. Số tiền này được tính vào vốn đầu tư của DN…

Ngoài ra, tỉnh có một số ưu đãi cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư như ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập DN, hỗ trợ về tín dụng… nhằm tạo điều kiện và thu hút các nhà đầu tư đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.