Tỉnh Cao Bằng hiện đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao bằng còn đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng dịch cho đàn vật nuôi. Trên cơ sở điều kiện cụ thể từng địa phương, tỉnh cơ cấu vùng chăn nuôi.
Trong đó, định hướng phát triển chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai tại 2 huyện: Hòa An, Quảng Hòa và thành phố Cao Bằng. Phát triển, cải tạo chất lượng đàn lợn đen, giống lợn bản địa tại các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại tại các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. Phát triển đàn trâu tại các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Hà Quảng, Thạch An và phát triển đàn bò tại các huyện: Hà Quảng, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Quảng Hòa, Hòa An…
Dù mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động, song việc phát triển chăn nuôi, đặc biệt là phát triển các mô hình trang trại, gia trại vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện hầu hết các hộ chăn nuôi theo hướng tự phát, phân tán, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả và hệ số quay vòng chăn nuôi thấp.
Cùng với đó, con giống chưa được người dân quan tâm đúng mức nên phần nhiều lựa chọn giống gia súc, gia cầm năng suất thấp, các hộ chăn nuôi tự ý tái đàn bằng các loại giống mua từ các chợ, điểm buôn bán hoặc thương lái thu gom từ nhiều nơi, không rõ nguồn gốc, dễ lây lan dịch bệnh.
Bà Nông Thị Vệ, xóm Huyền Du, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang tâm sự: Tôi nuôi lợn từ hơn 20 năm nay. Mỗi lứa nuôi trung bình từ 10 - 30 con/lứa. Năm 2020, tôi mua thêm đất, xây dựng hơn 300 m2 chuồng trại nuôi lợn thịt, lợn nái.
Gia đình tôi hiện nuôi 6 lợn nái, hơn 60 lợn thịt. Từ năm 2021, giá thịt lợn bấp bênh. Hiện giá lợn hơi chỉ khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn ngày càng tăng cao gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi. Muốn xây dựng thêm chuồng trại, tăng đàn cũng phải tính toán, chờ đợi giá lợn tăng cao hơn mới dám đầu tư.
HTX Nông nghiệp - Chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng là một trong những đơn vị đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh nhờ đi đúng hướng. Hiện HTX có gần 3.000 con gà mái các loại (mỗi ngày cho khoảng 700 quả trứng), 40 con lợn nái, lợn thịt.
Giám đốc HTX Lê Bảo Hưng chia sẻ: HTX được Nhà nước hỗ trợ hơn 500 triệu đồng xây dựng các hạng mục hạ tầng; thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX rất thiết thực, tạo điều kiện cho HTX phát triển.Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư nuôi thêm gà, lợn để mở rộng hoạt động sản xuất.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành chăn nuôi Cao Bằng từng bước hồi phục. Năm 2021, tổng đàn trâu có hơn 102.000 con, tăng 1,4% so với cuối năm 2020; xuất chuồng 9.390 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 2.200 tấn. Tổng đàn bò hơn 107.000 con; xuất chuồng 10.728 con. Đàn lợn hơn 300.000 con, tăng 5,4%; xuất chuồng 337.053 con, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn gia cầm gần 3 triệu con. Giá trị chăn nuôi năm 2021 ước đạt hơn 1.261 tỷ đồng.
Tỉnh Cao Bằng phấn đấu tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 đạt trên 35%, đến năm 2030 đạt 38%. Tổng đàn vật nuôi đến năm 2025, đàn trâu đạt gần 110.000 con, đàn bò đạt 120.000 con, đàn lợn đạt gần 370.000 con, đàn gia cầm đạt hơn 3 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 43.600 tấn.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Để phát triển ngành chăn nuôi cần nâng cao chất lượng nguồn giống. Căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao.
Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nguồn giống, như: thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; tổ chức tốt việc bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp bố mẹ; đàn bò cái đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống thương phẩm phục vụ sản xuất. Với những hộ chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại và phát triển chăn nuôi theo phương pháp sinh học, tiêm phòng vắc-xin định kỳ.
Để tránh tình trạng bị ép giá, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao lợi ích của các đối tượng tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Người chăn nuôi cần phải tự tìm hiểu thị trường, hạ giá thành sản xuất; liên kết thành các tổ hợp sản xuất để chủ động tìm đối tác, ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo đầu ra mang tính bền vững…