Anh Lý Hữu Nhất, dân tộc Dao Tiền, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tâm sự: Từ lúc nhỏ tôi đã thấy ông bà, bố mẹ thả cá chép, trắm xuống ruộng lúa. Cứ sau vụ thu hoạch lúa là gia đình lại có cả chục kg cá phơi khô hoặc gác bếp ăn dần.
"Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng rồi tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi thấy mô hình cá lúa dễ thực hiện, rủi ro thấp, thời gian sinh lãi ngắn. Chỉ cần đầu tư đắp bờ vùng, bờ thửa và tạo hệ thống kênh mương xung quanh thửa ruộng", anh Nhất cho hay.
Năm 2020, được Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng hỗ trợ 5 kg giống cá chép lai, anh Nhất thả trên diện tích hơn 3.000 m2 ruộng lúa. Cá được thả vào vụ hè - thu, đến lúc tháo nước ruộng, thu hoạch lúa thì thu hoạch cá.
Ông Lý Hữu Tăng, Trưởng xóm Hoài Khao, xã Quang Thành chia sẻ: Xóm có 34 hộ thì còn đến 32 hộ nghèo. Mô hình thả cá xuống ruộng lúa đã có từ rất lâu đời ở địa phương. Mô hình này giúp cải thiện sinh kế, tạo thêm nguồn thực phẩm cho người dân.
Mô hình cá lúa chi phí đầu tư ban đầu ít, chỉ cần tốn khoảng vài trăm nghìn tiền mua cá giống là có thể thực hiện được. Khi thực hiện mô hình này, không chỉ giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích mà các đối tượng còn hỗ trợ nhau để tăng năng suất.
Mô hình cũng nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng cá lúa cho nông dân và phổ biến nhân rộng diện tích phát triển hàng hoá. Chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nông dân bằng phương pháp thực hiện tại hiện trường để trình diễn kết quả.
Năm 2020, UBND xã Quang Thành phối hợp với Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nguyên Bình khảo sát nhu cầu của dân tổng số hộ tham gia 28 hộ diện tích gần 10 ha. Tổng số giống cá hỗ trợ 130 kg, tổng kinh phí 26 triệu đồng.
Ông Nông Quốc Chấn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Tham gia mô hình cá lúa, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật thả, tập huấn cách nhận biết các loại bệnh về cá, chăm sóc cá. Mô hình cá lúa phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất và thu nhập cao hơn so với ruộng không thả cá.
Mô hình cá lúa mang lại hiệu quả “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch.
Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, cá sẽ ăn trứng ốc bươu vàng nên ốc không thể phát triển để hại lúa. Ngoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa.