| Hotline: 0983.970.780

Nông dân bỏ vườn vì ô nhiễm từ nhà máy xử lý chất thải

Thứ Năm 10/11/2022 , 04:32 (GMT+7)

Sau khi được nhà máy thu hết rác thải, trả lại vườn, người dân trồng lại cà phê nhưng cây bị chết trắng do ô nhiễm.

Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng cà phê tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chịu ảnh hưởng nặng nề do Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt xả nước thải ra môi trường.

Ông Tâm, một hộ dân có 1,5ha vườn cà phê dưới chân bãi rác của nhà máy phản ánh, từ năm 2011 đến nay, nguồn nước bẩn có màu đen, mùi hôi từ Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt liên tục đổ xuống con suối ở khu vực. Do vậy, người dân không thể dùng nước để tưới tiêu cho vườn. Theo ông Tâm, về mùa khô, nước bẩn trở nên đậm đặc và mùi cũng nặng hơn.

anh 1 rac thai

Nước màu đen từ Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt xả ra con suối cạnh vườn của người dân. Ảnh: Minh Hậu.

"Không còn nước để tưới tiêu, không có nước để pha thuốc xịt trừ sâu bệnh nên năng suất cà phê ngày càng giảm. Hiện tại toàn bộ cà phê trên vườn đều bị quăn lá, cháy đọt do bọ xít muỗi, ruồi và các loại sâu bệnh gây hại", ông Tâm bức xúc.

Hộ ông Tâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các hoạt động xử lý rác thải của nhà máy. Năm 2020, khoảng 3.000m2 vườn cà phê của gia đình đang cho thu hoạch đã bị rác từ bãi tập kết đổ xuống vùi lấp hoàn toàn. Ở diện tích này, sau nhiều lần phản ánh, kiến nghị, đệ đơn lên các cấp chính quyền, gia đình mới được nhà máy đền bù số tiền 90 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhà máy dọn rác đi, ông Tâm tiến hành trồng lại cà phê thì cây bị chết do đất đã bị ô nhiễm.

anh 2 rac thai

Gia đình ông Tâm bỏ không 3.000m2 vườn do đất bị ô nhiễm. Ảnh: Minh Hậu.

"Đầu mùa mưa vừa rồi, gia đình dọn lại vườn, trồng 500 gốc cà phê nhưng đã bị chết gần hết. Hiện tại gia đình đang bỏ trống 3.000m2 vườn vì không biết xử lý thế nào", ông Tâm nói và cho biết thêm đất trên vườn vẫn còn tồn đọng nhiều loại rác thải nguy hiểm như mảnh vỡ thủy tinh, kim loại, kim tiêm…

Về vấn đề nhà máy xả nước thải ra suối, ông Tâm và những hộ dân có vườn cà phê ở khu vực trên nhiều lần phản ánh lên UBND xã Xuân Trường, UBND TP Đà Lạt và đề nghị nhà máy xử lý rác xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh đầu tư với tổng vốn khoảng 380 tỷ đồng. Các hạng mục của nhà máy được triển khai trên phạm vi diện tích 28ha và công suất thiết kế xử lý 200 tấn rác/ngày. Theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, nhà máy này hiện chậm tiến độ đầu tư. Trong hạng mục đầu tư, nhà máy này cam kết sản xuất phân vi sinh, hạt nhựa, dầu DO và sản xuất gạch block nhưng không thực hiện mà chủ yếu dừng lại ở khâu xử lý, đốt rác.

anh 4 rac thai

Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, đến nay, Công ty TNHH Môi trường năng lượng xanh mới chỉ thực hiện được một phần nội dung về bảo vệ môi trường. Hệ thống thoát nước mặt trong nhà máy chưa được hoàn thành nên doanh nghiệp này chỉ đào rãnh để thu gom và thoát nước mặt dọc tuyến đường nội bộ của dự án.

Ngoài ra, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt cũng chưa có hệ thống xử lý mùi tại xưởng phân loại, chế biến rác và hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt. Theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, các mương chứa nước phục vụ sản xuất phân vi sinh của nhà máy này cũng chưa được lót bạt nên dễ xảy ra tình trạng thẩm thấu vào đất và dễ dẫn tới tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.