| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Campuchia trồng lúa bản địa bảo tồn sếu đầu đỏ

Thứ Hai 22/11/2021 , 08:56 (GMT+7)

Ở đồng bằng sông Mekong màu mỡ Campuchia, nông dân chuyển sang trồng giống lúa hạt ngắn bản địa mà loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng này yêu thích để dụ chúng về.

Mỗi năm, sếu đầu đỏ đến khu bảo tồn Anlung Pring của Campuchia đúng mùa thu hoạch lúa. Ảnh: Courtesy of NatureLife Cambodia.

Mỗi năm, sếu đầu đỏ đến khu bảo tồn Anlung Pring của Campuchia đúng mùa thu hoạch lúa. Ảnh: Courtesy of NatureLife Cambodia.

“Cách đây nhiều năm, tôi đã đếm được hơn 300 con sếu ở vùng đất ngập nước gần ruộng lúa của mình”, nông dân Khean Khoay nói khi hồi tưởng về loài sếu đầu đỏ có vẻ ngoài vương giả. Ngôi làng của Khoay, có tên là Koh Chamkar ở tỉnh Kampot, nằm ở vùng ngoại ô của cảnh quan được bảo vệ Anlung Pring ở Tây Nam Campuchia, trong vùng đồng bằng sông Mekong màu mỡ và đa dạng sinh học.

Khu vực này đã được bồi đắp hàng thế kỷ bởi lượng phù sa của sông Mekong, con sông dài nhất Đông Nam Á và là huyết mạch cho hàng triệu người sống phụ thuộc vào tài nguyên của nó. Nhưng khi ngày càng nhiều đất được chuyển đổi làm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, và ngày càng rõ các tác động của khủng hoảng khí hậu, như xói mòn và xâm nhập mặn, thì động vật hoang dã trong khu vực cũng ngày càng bị đe dọa.

Trong số những con chim bị ảnh hưởng có những con sếu đã từng đến thăm vùng đất gần cánh đồng lúa của ông Khoay với số lượng lớn. NatureLife Campuchia , đối tác của BirdLife International tại nước này, cho biết chỉ có 91 con sếu đầu đỏ phương đông đến thăm Anlung Pring trong năm nay. Tương lai của những con chim này có thể nằm trong tay của 16 nông dân từ làng Koh Chamkar, bao gồm cả Khoay, những người cho NatureLife thuê đất của họ.

Với chiều cao 170-180 cm, sếu đầu đỏ là loài chim biết bay cao nhất và được xếp vào loại dễ bị tổn thương trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa của IUCN. Nhưng sếu đầu đỏ (Antigone antigone sharpii), được tìm thấy ở Đông Nam Á, được coi là có nguy cơ tuyệt chủng cao: ước tính còn chưa tới 200 con trên các vùng đất ngập nước của Campuchia và Việt Nam, giảm mạnh so với gần 900 con vào năm 2002. Khoảng một nửa số những con sếu này đến thăm Anlung Pring trong thời gian không sinh sản, đến trước khi thu hoạch lúa vào cuối tháng 12 và ở lại cho đến khi mùa khô kết thúc vào tháng 5.

Oum Chrein, một nông dân khác tham gia vào kế hoạch, cho biết: “Khi mùa màng chưa được thu hoạch, những con sếu đi trên các bờ bao quanh các cánh đồng và ăn ngũ cốc từ [thân cây ở] rìa thửa ruộng”.

Số lượng sếu đầu đỏ phương Đông đã giảm xuống còn chưa tới 200 con ở Campuchia và Việt Nam, từ khoảng 900 con vào năm 2002. Ảnh: Courtesy of NatureLife Campuchia.

Số lượng sếu đầu đỏ phương Đông đã giảm xuống còn chưa tới 200 con ở Campuchia và Việt Nam, từ khoảng 900 con vào năm 2002. Ảnh: Courtesy of NatureLife Campuchia.

Những nông dân cho NatureLife thuê đất được trả trước 10 năm tiền thuê, được tính cao hơn 30% so với thu nhập ròng từ đất của họ. NatureLife, với sự hỗ trợ của Bộ môi trường của Campuchia và được tài trợ bởi IUCN Hà Lan, sử dụng đất để phát triển các giống lúa hạt ngắn bản địa như Boka teourm và pong roluk (tên Khmer).

Những giống lúa hạt ngắn này được cho là thức ăn ưa thích của những con sếu. Vào thời kỳ thu hoạch, một nửa vụ mùa trên diện tích đất thuê 17 ha được để lại để bổ sung vào khẩu phần ăn của sếu và các loài chim khác.

NatureLife cũng cung cấp cho nông dân tùy chọn một khoản trợ cấp hàng ngày để canh tác đất đai, mang lại thu nhập thường xuyên. Bou Vorsak, quyền Giám đốc điều hành của NatureLife, cho biết: “Chúng tôi cam kết với nông dân rằng sẽ chỉ sử dụng đất để trồng lúa và đất sẽ vẫn phù hợp để trồng trọt trong thời gian dài”.

Sự sắp xếp này cũng ngăn cản nông dân bán đất cho các nhà phát triển hoặc thay đổi mục đích sử dụng, do đó giữ lại khu vực cho sếu thăm quan trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, đó không phải là một kế hoạch kiếm tiền. Vụ thu hoạch đầu tiên từ chương trình đất thuê của NatureLife là vào tháng 12 năm 2020. Do đất canh tác có độ mặn cao, cùng với việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ (thay vì hóa chất) nên năng suất không cao, chỉ thu hoạch được chưa đầy một tấn lúa/ha, so với hai tấn thông thường. Vorsak nói: “Chúng tôi nhận thức được những hạn chế về năng suất nhưng chúng tôi không bận tâm vì chúng tôi đang giữ [một nửa] gạo cho sếu".

“Chúng tôi tập trung vào những giống lúa mà sếu thích. Các giống bản địa này có hạt ngắn và không mềm lắm sau khi nấu chín. Loại gạo này không thể cạnh tranh với gạo jasmine”, Vorsak bổ sung. “Người tiêu dùng có thể không coi các giống lúa bản địa mà chúng tôi trồng là chất lượng cao nhưng chúng tôi vẫn trồng, vì đây là những giống mà sếu thích”.

Nông dân Tom Ke, cũng ở Koh Chamkar, không biết nhiều về sếu đầu đỏ phương đông cho đến khi ông tham gia một dự án của NatureLife khác vào đầu năm nay. Ông nói: “Tôi chỉ nhớ mình đã nhìn thấy con chim cao lớn kỳ lạ này với cái đầu màu đỏ. Bây giờ tôi đã bắt đầu chú ý đến chúng nhiều hơn”.

Theo kế hoạch mới này, những người nông dân tham gia để lại 5% diện tích lúa không thu hoạch để dành cho sếu. Họ nhận được hạt giống với mức trợ giá, phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ và miễn phí đào tạo về kỹ thuật canh tác hữu cơ nhờ các đối tác của NatureLife. Ke nói: “Với nhiều thức ăn hơn cho những con sếu, tôi hy vọng chúng sẽ không bị tuyệt chủng".

Người nông dân phải đồng ý với 12 hướng dẫn, trong đó quan trọng nhất là họ sẽ trồng giống lúa mà sếu ưa thích, không sử dụng hóa chất trên cây trồng, không săn bắt động vật hoang dã và không xâm phạm đất được bảo vệ. Nếu người nông dân tuân thủ tất cả các tiêu chí, NatureLife sẽ trả theo giá thị trường cho 5% diện tích cây trồng chưa thu hoạch.

Nông dân Tom Ke từ làng Koh Chamkar là một trong những người nổi tiếng cộng tác với NatureLife Campuchia. Ke sẽ để lại 5% sản lượng lúa của mình chưa thu hoạch cho đàn sếu. Ảnh: Courtesy of NatureLife Campuchia.

Nông dân Tom Ke từ làng Koh Chamkar là một trong những người nổi tiếng cộng tác với NatureLife Campuchia. Ke sẽ để lại 5% sản lượng lúa của mình chưa thu hoạch cho đàn sếu. Ảnh: Courtesy of NatureLife Campuchia.

Hơn 40 nông dân từ Koh Chamkar và làng Chress gần đó đã tham gia sáng kiến ​​này. Vào tháng 8, họ trồng Boka teourm trên diện tích đất canh tác của họ, mang tổng diện tích canh tác tham gia chương trình lên gần 38 ha. Trong vụ thu hoạch đầu tiên sẽ vào tháng 12, 5% trong số đó sẽ được để lại cho sếu.

Vorsak hy vọng rằng những sáng kiến ​​bảo tồn sếu này chỉ là bước khởi đầu và sẽ thu hút được nhiều sự ủng hộ hơn nữa.

“Cùng với những nông dân trồng lúa và chủ đất tư nhân, tầm nhìn dài hạn của NatureLife là bảo vệ hơn 1.000 ha cảnh quan cho đàn sếu", ông cho biết.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Bình luận mới nhất