| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ĐBSCL đã biết SX hạt giống lúa lai F1

Thứ Sáu 06/03/2015 , 09:30 (GMT+7)

Nông dân trồng lúa lai được Cty bao tiêu với giá 25.300 đ/kg hạt giống F1, cao hơn 300 đ/kg so với vụ ĐX trước. 

Như vậy, với mỗi ha trồng lúa sau khi trừ chi phí có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng, cao gấp đôi lúa hàng hóa.

Nhờ trồng lúa lai mà nhiều nông dân ở ĐBSCL có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống sung túc hơn.

Gắn bó với việc trồng lúa hơn 3 năm nay, lão nông Hồ Ngọc Bình ở ấp 7, xã Long Trị A, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho biết: "Năm nay thời tiết được thuận lợi hơn những năm trước, vì thế năng suất lúa lai F1 tăng so với vụ ĐX năm rồi. Đây là năm thứ tui 2 tham gia trồng lúa lai F1, với 1,2 ha thu hoạch khoảng 3,5 tấn, bán giá 25.300 đ/kg nên lợi nhuận cao hơn SX lúa thường".

Trước đây ông Bình từng SX lúa hàng hóa, nhiều lúc bán không được phải phơi tạm trữ. Vì thế ông chuyển sang SX giống lúa lai F1. Theo ông, lúa lai năng suất không cao nhưng được giá. Năm nay năng suất lúa lai F1 có thể đạt 3,2 tấn/ha.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa lai F1, ông Bình cho biết thêm: "Để được DN thu mua chấp nhận, hộ trồng lúa phải khử lẫn, tạp chất… trong quá trình canh tác. Đến giai đoạn lúa trổ phải tiến hành kéo phấn suốt 12 ngày, mỗi ngày khoảng 1 giờ và đòi hỏi phải thực hiện đúng lúc".

Ông Hồ Văn Hiền, trưởng ấp 7, xã Long Trị A canh tác 1,7 ha lúa lai nói: "Trời gian gieo sạ bắt đầu vào tháng 10 (âm lịch). Lúa bố được gieo trước khoảng 8 ngày sau đó đến lúa mẹ. Đến khi lúa bố được 18 ngày tuổi thì tiến hành cấy.

Lúa bố được cấy hàng cách hàng 20 cm, cây cách cây 18 cm, 3 - 4 tép mạ/bụi. Các bụi lúa bố được cấy so le với nhau. Còn lúa mẹ được sạ 8 hàng, các bụi cách nhau 18 cm, rìa cách lúa bố 20 cm".

Nhiều hộ canh tác lúa lai cho biết, trước đây, sau khi lúa mẹ được thụ phấn, lúa bố sẽ được hủy đi. Tuy nhiên, giờ lúa bố vẫn được giữ lại và tiến hành thu hoạch trước 10 ngày. Mỗi công lúa cho sản lượng từ 150 - 180 kg hạt giống lai F1. Hiện mỗi ký lúa bố tươi được bán với giá 5.000 - 5.500 đ/kg mà không đáp ứng đủ nhu cầu.

"SSC sẽ tiếp tục hỗ trợ SX giống lúa lai F1 và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm cho bà con các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh... tiến tới mở rộng các cánh đồng lớn lúa lai", ông Trân khẳng định.

Ông Hiền cho rằng: "Từ khi chuyển sang SX giống lúa lai F1, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, một số hộ xây cất nhà cửa khang trang. Nông dân trồng lúa lai được Cty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) hỗ trợ miễn phí 7 kg giống/công (6 kg lúa mẹ, 1 kg lúa bố). Đồng thời được tạm ứng trước 5 triệu đồng/ha để làm phí SX.

Đến thời điểm kéo nhị thì tiếp tục được hỗ trợ hóa chất GA3 phục vụ SX. Trong quá trình thu hoạch được hỗ trợ thêm 70 đ/kg".

Mới đây tại huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với SSC tổ chức sơ kết mô hình SX hạt giống lúa lai F1.

Tuy diện tích SX giống lúa lai F1 gần đây ngày càng tăng ở khu vực phía Nam nhưng mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu giống của bà con. Trong khi đó, nhu cầu và điều kiện SX giống ở khu vực phía Nam là rất lớn và sản lượng còn lại vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, mô hình trồng lúa lai F1 (giống Bác ưu 903 kháng bạc lá) của SSC đang phát triển tốt. Các nhà khoa học và nông dân tham gia mô hình cho rằng, năng suất giống Bác ưu 903 kháng bạc lá có thể đạt khoảng 3,7 tấn/ha trong khi nơi khác chỉ đạt 3,2 - 3,5 tấn/ha. 

Ông Nguyễn Ngọc Trân, GĐ Chi nhánh Cờ Đỏ của SSC cho biết: "Nhu cầu giống lúa lai hiện nay là rất lớn. Sản lượng giống lúa lai F1 do các DNSX chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của cả nước. Phần lớn lúa lai đều phải nhập khẩu nên giá cao.

Việc SX lúa lai đòi hỏi nông dân phải tuân thủ quy trình SX nghiêm ngặt, chi phí đầu tư lớn, kỹ thuật cao… Nhưng bù lại được Cty ký kết bao tiêu sản phẩm, kỹ thuật, giống và đặc biệt hơn là bảo hiểm năng suất. Hộ nào SX cho thu nhập dưới 30 triệu đồng/ha thì sẽ được Cty bù lỗ".

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.