| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ĐBSCL phấn khởi lúa đông xuân sớm trúng mùa, trúng giá

Thứ Năm 02/02/2023 , 15:41 (GMT+7)

Thời điểm này, nông dân ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm. Không khí phấn khởi đang lan tỏa trên nhiều cánh đồng dịp đầu năm mới khi lúa trúng mùa, trúng giá.

Gía thành giảm, giá lúa cao

Hiện nay, một số nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm 2022 - 2023. Bà con đều có chung niềm vui lớn vì lúa năm nay trúng mùa và bán được giá cao cho thương lái, đem lại cái Tết sung túc cho gia đình.

Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) là một trong những địa phương thu hoạch lúa đông xuân sớm nhất, có người thu hoạch trước Tết Nguyên đán và sau Tết vài ngày.

Empty

Hiện nay một số nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười (gồm 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm 2022 - 2023 trúng mùa, trúng giá. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ đông xuân này, nông dân Nguyễn Văn Tình ở ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) lần đầu tiên chọn giống lúa OM 468 canh tác theo mô hình liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa giống với diện tích 10ha. Gia đình anh cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán, lúa đạt năng suất hơn 7,5 tấn/ha, bán giá theo thị trường 6.800 đồng/kg và được cộng thêm 1.000 đồng/kg khi doanh nghiệp thu mua. Với cách chọn giống mới canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và làm ăn liên kết trong canh tác lúa giống, đã giúp gia đình anh có thu nhập trên 250 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tình chia sẻ: Nhiều vụ lúa qua anh chọn giống lúa thường canh tác để bán lúa hàng hóa cho thương lái, năng suất và lợi nhuận không cao. Riêng vụ lúa đông xuân năm nay, anh mạnh dạn chọn giống mới OM 468 để trồng, lúa ít sâu bệnh, giảm được 1 cữ phun thuốc BVTV và lượng bón phân giảm khoảng 5 - 7kg/công so với các vụ trước.

Điều đặc biệt làm anh Tình ấn tượng là giống lúa này khi trổ bông rất đẹp, bông to dài, tỷ lệ hạt chắc cao, lúa chín đến thời kỳ thu hoạch nhưng bộ lá đòng đẹp, màu vàng chanh, không bị tàn lá như các giống khác. Khi thu hoạch xong bán cho thương lái rất thuận lợi, giá cao.

Tại TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 xuống giống gần 80.000ha, theo kế hoạch còn khoảng 20 - 25 ngày nữa sẽ bước vào cao điểm thu hoạch. Điều đáng mừng năm nay, nông dân canh tác lúa đông xuân vô cùng thuận lợi bởi thời tiết thuận hòa, ít sâu bệnh, kéo theo giá thành đầu tư cho vụ lúa này giảm từ 5 - 10% so với vụ lúa đông xuân năm trước.

Ở vụ lúa này, hầu như nông dân nào cũng vui mừng, khi lúa xuống giống được vài tuần là có thương lái đến đặt tiền cọc trước và mua lúa non còn xanh trên đồng với giá từ 6.000 – 7.800 đồng/kg trở lên (tùy vào từng loại giống).

Empty

Vụ lúa đông xuân năm nay, đa phần nông dân canh tác lúa đạt năng suất khá cao, với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí, bà con có lãi từ 2,8 - 3 triệu đồng/công. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Văn Vững, nông dân ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ canh tác 1,2ha giống OM 5451 còn 2 tuần nữa sẽ thu hoạch cho biết: Năm nay do kinh tế gia đình gặp khó khăn do xây nhà nên hết chi phí đầu tư cho vụ lúa đông xuân. Mặc dù vậy từ đầu vụ, khi lúa được 1 tháng tuổi đã có “cò lúa” đến tận nhà đặt tiền cọc trước đợi ngày thu hoạch thu mua lúa sau.

Giá cọc là 500 ngàn đồng/công và đồng thời còn đưa ra mức giá bao tiêu từ 6.500 – 6.600 đồng/kg (tùy vào lúa xấu đẹp). Theo dự tính của ông Vững, vụ lúa này năng suất sẽ đạt khoảng 1 tấn/công, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi từ 2,8 - 3 triệu đồng/công.

“Thực tình tôi chưa muốn bán lúa sớm như vậy, vì còn hi vọng giá lúa sẽ còn tăng cao hơn so với giá thương lái đưa ra. Vì theo dự báo ngành chức năng, vụ lúa đông xuân năm nay sẽ có nhiều tín hiệu tốt về giá cả và tình hình xuất khẩu lúa gạo rất khả quan” ông Vững tâm tình.

Tại các địa phương như quận Ô Môn, huyện Thới Lai, Cờ Đỏ..., lúa giống IR 50404 tươi được thương lái đặt cọc mua tại ruộng với giá từ 6.600 đến 6.700 đồng/kg. Các giống lúa hạt dài giá trên 6.000 đồng/kg, còn các giống lúa thơm có giá trên dưới 7.000 đồng/kg. Trong số các giống lúa trên thì giống IR 50404 được thương lái đặt cọc mua nhiều nhất.

Giá lúa đang tăng

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu tháng 2/2023, nhiều nhà máy và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Thị trường lúa đông xuân bắt đầu có nhiều giao dịch mạnh, giá lúa ở ĐBSCL tiếp tục xu hướng tăng ở mức cao.

Tại An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.800 - 6.900 đồng/kg, OM 5451 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 7.000 - 7.300 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 6.900 - 7.200 đồng/kg, nếp khô Long An từ 9.000 - 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động từ 8.400 - 8.600 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 7.900 đồng/kg, lúa IR 50404 ở mức từ 6.500 - 6.700 đồng/kg…

Empty

Thị trường lúa đông xuân bắt đầu có nhiều giao dịch mạnh, giá lúa ở ĐBSCL tiếp tục xu hướng tăng ở mức cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá lúa tại Cần Thơ tiếp tục giữ giá so với tuần trước như OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.500 đồng/kg, Jasmine vẫn giữ nguyên là 7.500 đồng/kg. Tại Sóc Trăng, giá lúa Đài Thơm 8 là 8.000 đồng/kg, OM 5451 là 7.850 đồng/kg, ST24 là 8.300 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa vẫn ổn định so với tuần trước như: Lúa IR 50404 là 6.500 đồng/kg, OM 5451 là 6.700 đồng, Jasmine là 7.000 đồng/kg. Giá lúa tại Tiền Giang với IR 50404 là 7.000 đồng/kg, Jasmine là 7.400 đồng/kg và OC10 là 7.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức từ 9.300 - 9.400 đồng/kg, gạo thành phẩm từ 10.000 - 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg, cám khô ở mức 8.100 - 8.200 đồng/kg.

Tại các chợ, giá gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg, nếp từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, gạo thơm Thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg…

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.