Suốt hơn nửa tháng qua, hầu như ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hải (trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) cũng có mặt trên những đám ruộng trồng hành tím của gia đình để xử lý, phòng trừ sâu bệnh hại. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng hầu như tất cả đều không mang lại hiệu quả. Sâu bệnh vẫn xuất hiện và phá hoại rất nhanh, lần lượt đám ruộng này đến đám khác của gia đình ông Hải cứ dần dần tài lụi.
Ông Hải cho biết, vụ này, gia đình ông đầu tư gần 60 triệu tiền giống hành tím để trồng trên 6 đám ruộng ở gần nhà. Thế nhưng, chỉ sau 10 ngày khi củ nảy mầm, lá lên cao khoảng 7 – 10cm thì bắt đầu thấy xuất hiện sâu bệnh. Những cây hành ban đầu có biểu hiện vàng lá, ít lâu sau thì héo toàn bộ rồi chết rũ.
“Gần 20 ngày kể từ lúc xuống giống, sâu bệnh phá hoại khiến nhà tôi mất trắng 2 đám ruộng rồi. Tính cả tiền giống, công chăm sóc, phân bón rồi thuốc BVTV cũng thiệt hại gần 30 triệu đồng. Những đám còn lại cũng không khá hơn là mấy, mỗi lần ra thăm đều thấy sâu rất nhiều. Giờ nhà tôi cũng tìm cách để xử lý được chừng nào tốt chừng đó, may ra còn vớt vát được chút ít”, ông Hải chia sẻ.
Được biết, đây là vụ hành thứ 2 trong năm ở xã Bình Hải. Vụ đầu tiên, người dân xuống giống vào tháng 2 âm lịch và đã thu hoạch cách đây khoảng 1 tháng. Hầu hết các ruộng hành ở vụ đầu tiên đều phát triển tốt, giá bán cao, các hộ dân đều có lãi lớn. Thấy vậy, ngay sau khi thu hoạch, tất cả chủ ruộng đều khẩn trương làm đất để trồng vụ mới. Không ngờ rằng, bây giờ nhiều người đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Anh Huỳnh Xuân Nguyện (trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) không thể giấu được sự buồn rầu khi vừa qua, toàn bộ 3 sào hành của gia đình bị mất trắng do sâu bệnh. Theo anh Nguyện, đến thời điểm này, hầu như gia đình nào có trồng hành ở trong xã đều bị sâu bệnh. Người dân đã làm đủ mọi cách để phòng trừ như bắt sâu, chong đèn để diệt bướm đêm, phun thuốc trừ sâu liên tục nhưng đều không có tác dụng.
“Tiền giống chưa nói nhưng tiền để xử lý sâu bệnh này cũng hết nhiều lắm. Như nhà tôi, ngoài tiền thắp điện liên tục hàng đêm thì mỗi ngày cứ 1 sào như thế hết đến hơn 200.000 đồng tiền thuốc BVTV. Thấy sâu vẫn còn nên lại cứ phun thuốc liên tục như thế, kéo dài càng lâu thì chi phí hết càng nhiều. Với 3 sào mất trắng vừa qua nhà tôi cũng đã tốt hết hơn 40 triệu vốn đầu tư rồi”, anh Nguyện nói.
Bên cạnh những đám ruộng mất trắng, thiệt hại nặng thì cũng có 1 số diện tích vẫn cho thu hoạch. Tuy nhiên, năng suất giảm đi đáng kể. Theo các hộ trồng hành ở Bình Hải, nếu như bình thường cứ 100kg giống sẽ thu hoạch được từ 1,2 đến 1,5 tấn củ thì vụ này giảm xuống chưa tới 1/3. Bên cạnh đó, sâu bệnh cũng khiến cho chất lượng củ cũng giảm xuống, kéo theo giá thu mua bằng 1 nửa giá thị trường. Vậy nên, hộ nào may mắn cũng chỉ đủ bù chi phí đầu tư.
Theo ông Nguyễn Trung, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn, vụ này, toàn xã Bình Hải xuống giống khoảng 90ha hành tím. Theo thống kê, toàn bộ diện tích này đều đã bị sâu bệnh phá hoại. Trong đó có 15ha mất trắng, 45ha bị thiệt hại nặng từ 50 – 70%.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mất cân đối về môi trường. Người dân bón phân, sử dụng thuốc BVTV không đúng theo quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, các hộ ở đây chỉ canh tác độc canh cây hành. Trong khi đó, thời gian vừa qua giá hành cao nên sau khi thu hoạch vụ đầu tiên, họ làm đất và xuống giống ngay chứ không cho đất nghỉ để phơi ải, diệt vi sinh vật có hại. Điều này dẫn đến mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong đất và phát sinh”, ông Trung nói.
Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin về tình hình sâu bệnh phá hoại trên cây hành ở xã Bình Hải, Chi cục đã cử người đi kiểm tra và xác định được đối tượng gây hại là sâu xanh da láng. “Vừa qua, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn để hướng dẫn, tập huấn cho người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ xây dựng các điểm, mô hình trình diễn thực hiện các giải pháp như sử dụng bẫy chua ngọt, nhà màng để người dân tham khảo và áp dụng hiệu quả hơn”.