| Hotline: 0983.970.780

Nông dân được hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm nếu 'nhả' ruộng

Chủ Nhật 12/02/2023 , 16:55 (GMT+7)

Ngoài số tiền các hộ đại điền chi trả hằng năm, các hộ cho thuê, mượn ruộng để tập trung đất đai còn được tỉnh Thái Bình hỗ trợ 20 kg thóc /sào/năm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm Hội Đại điền Thái Bình

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có chuyến "du xuân" làng quê tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình để khảo sát thực tiễn sản xuất nông nghiệp và không gian kinh tế nông thôn, trong đó có Hội Đại điền tỉnh Thái Bình - nơi có những nông dân đi guốc, đi giày cấy hàng chục hecta lúa mà Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ ở loạt bài “Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi”.

DSC07249

Ông Đặng Tất Tuân - đại điền chủ ở huyện Đông Hưng, Thái Bình giới thiệu khay mạ giống Đài Thơm 8 cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Minh Phúc.

Biết Bộ trưởng đến thăm, ông Đặng Tất Tuân - Phó Chủ tịch Hội Đại điền Thái Bình, chủ cơ sở sản xuất máy gieo mạ khay (tại xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) rất mừng. Trong 3 năm trở lại đây, gia đình ông tích tụ được 35 mẫu ruộng (tương đương hơn 13ha) theo hình thức thuê, mượn đất của các hộ không có nhu cầu canh tác lúa.

Vụ đông xuân năm nay, ông Tuân mở rộng diện tích gieo mạ khay lên hàng nghìn mét vuông để phục vụ cấy hơn 100ha cho các hộ dân địa phương và một số huyện ven biển. Mô hình “dịch vụ trọn gói” này ngày càng phát triển. Bởi nếu người dân tự đầu tư mua giống, gieo mạ và cấy lúa thì chi phí hết khoảng 400.000 đồng/sào. Trong khi đó, nếu hợp đồng với ông Tuân, bà con chỉ cần trả 270.000 đồng/sào là có thể nhận ruộng đã cấy lúa và không phải làm gì.

DSC07259

Vụ đông xuân 2022 - 2023, cơ sở của ông Tuân cung cấp dịch vụ cấy lúa cho hơn 100ha lúa trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Khâu độc hại nhất trong canh tác nông nghiệp là phun thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu cũng được giải quyết nhờ ứng dụng thiết bị máy bay không người lái. Trước đây, nông dân đeo bình phun thuốc trên lưng rồi lội ruộng bơm thuốc, chi phí hết khoảng 50.000 đồng/lần. Ngày nay, chủ ruộng chỉ cần trả 18.000 đồng/sào để tổ dịch vụ làm thay việc đó.

Nhưng, quan trọng hơn là tổ dịch vụ lựa chọn giống lúa có bản quyền chất lượng cao, sản xuất đồng giống, đồng thời điểm gieo cấy và quy trình canh tác, kiểm soát sâu bệnh hại tốt hơn. Đây là điều kiện để tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã ký kết bao tiêu sản phẩm 300ha lúa Đài Thơm 8 tại các huyện Đông Hưng, Vũ Thư. Nếu mô hình này được nhân rộng, hiệu quả từ trồng lúa sẽ được nâng lên.

DSC07279

Tổ dịch vụ luôn cung cấp mạ sản xuất từ giống lúa bản quyền, đảm bảo chất lượng tốt. Trong trường hợp xảy ra thiệt hại do giống gây ra, đơn vị cung cấp giống sẽ phải bồi thường. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Đặng Tất Tuân là người đầu tiên chế tạo thành công máy gieo hạt mạ khay với công suất 700 khay/giờ, tương đương với cấy được 10 mẫu ruộng. Mỗi năm, ông cung cấp khoảng 40 - 50 máy gieo mạ khay cho người có nhu cầu sử dụng trong và ngoài tỉnh Thái Bình với giá khoảng 19 triệu đồng. Ngôi nhà của ông cũng là nơi 200 thành viên của Hội Đại điền tụ tập mỗi năm hai lần để giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

“Bây giờ, điền chủ nào cũng sắm máy cày, máy bừa, máy cấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt và lò sấy lúa”, ông Tuân chia sẻ.

Hỗ trợ cả điền chủ và người cho thuê ruộng

Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, xu thế phát triển nông nghiệp ở Thái Bình hiện nay đang dần định hình theo 3 hướng. Thứ nhất, một bộ phận lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực khác. Họ không cấy lúa nữa nên nhượng lại cho người khác, cho thuê hoặc cho mượn. Ngoài ra, cũng có trường hợp không canh tác nhưng cũng không cho người khác thuê, mượn, để cỏ mọc hoang.

Xu hướng thứ hai là những hộ thu gom ruộng của người không có nhu cầu gieo cấy để hình thành hộ đại điền. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thái Bình có trên 1.700 hộ có diện tích canh tác từ 2ha trở lên. Trong đó hộ có diện tích lớn nhất là bà Trần Thị Lanh (70ha) - Trưởng thôn Giáo Nghĩa (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, Thái Bình).

DSC07203

Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình (bên phải) chia sẻ với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bên trái) về giải pháp đẩy mạnh tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Phúc.

Xu hướng thứ ba cũng bắt đầu xuất hiện, đó là một số hộ đại điền gom đất vào để hình thành nên hợp tác xã, như HTX Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh có hơn 10 thành viên góp đất để tập trung 100ha canh tác lúa.

Hội Đại điền đã thành lập nhóm Zalo và kết nối cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh để trao đổi, cung cấp các thông tin về vật tư đầu vào, tình hình thời tiết, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ và trao đổi thị trường đầu ra.

“Nhận biết được xu thế đó, tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh các giải pháp để khuyến khích thành lập các HXT theo hình thức tự nguyện, bởi đây mới là mô hình thực chất, mang lại hiệu quả cao. Nó cũng giống với mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp”, ông Thụy chia sẻ.

Về cơ chế hỗ trợ tập trung ruộng đất, đối với các hộ có ruộng nhưng không gieo cấy, nếu cho người khác thuê lại để sản xuất nông nghiệp sẽ được tỉnh hỗ trợ 20kg thóc/sào/năm từ nguồn ngân sách tỉnh.

Thứ hai, những xã đứng lên vận động tuyên truyền người dân để tập trung đất đai, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/ha để chi phí giấy mực, tổ chức các cuộc họp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở hình thành các tổ nhóm, tỉnh Thái Bình có cơ chế hỗ trợ 50% chi phí đầu tư máy sấy và máy cấy (nhưng không quá 40 triệu đồng/máy). Bởi thực tế, rất nhiều hộ cấy hàng chục hecta lúa, nếu không có máy sấy, máy cấy thì rất khó khăn sau khi thu hoạch.

Nhờ những cơ chế hỗ trợ trên, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hoá bằng máy cấy ngày càng tăng lên. Điển hình như ở huyện Đông Hưng, diện tích cấy bằng máy hiện nay đạt 40%. Còn xét trên phạm vi toàn tỉnh, tỷ lệ cấy bằng máy đã đạt 18%.

“Khi các hợp tác xã kiểu mới hình thành ngày càng nhiều, tỉnh Thái Bình sẽ bám sát để hỗ trợ các tổ chức của nông dân từ quản trị sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tập huấn marketting sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực... Chỉ có như vậy mới đưa nền nông nghiệp tỉnh Thái Bình phát triển được”, ông Thụy nói.

DSC06971

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bên phải) thăm xưởng sản xuất sản phẩm đan từ cói, lục bình của Công ty TNHH Đổi Mới (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Minh Phúc.

Sáng 11/2, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khảo sát vùng nguyên liệu cói tại xã Nga Thái, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) và thăm hỏi các hộ dân sản xuất cói tại xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Qua đôi bàn tay khéo léo của con người, những nguyên liệu tự nhiên như cói, lục bình, bèo nước đã biến thành những sản phẩm tiêu dùng (chiếu, thảm, túi sách, thùng…), sản phẩm trang trí nội thất rất giá trị, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động (chủ yếu là người già) từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày.

Ông Đoàn Lan - Giám đốc Công ty TNHH Đổi Mới, chuyên thu gom sản phẩm làm từ cói, lục bình tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình) chia sẻ: Hiện nay sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Trung Quốc với giá trị khoảng 4,5 triệu USD/năm và giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nước ta hiện có rất nhiều doanh nghiệp, HTX mây, tre, cói đan đang hoạt động hiệu quả nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có. Do đó, cần vận động thành lập một Hiệp hội làng nghề chuyên ngành để nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp, kết nối người sản xuất, hợp tác xã, làng nghề và doanh nghiệp, đưa các sản phẩm mỹ nghệ thuần việt vươn xa.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.